Giải pháp tìm nguồn thu kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam
Trong tiến trình phát triển hiện nay, trước sự cạnh tranh của các nền tảng mạng xã hội, các cơ quan báo chí đứng trước những thách thức mang tính sống - còn, để tồn tại và phát triển. TBTCVN ghi nhận những ý kiến tâm huyết từ các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu, nhà báo xung quanh giải pháp tìm nguồn thu kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam.
ÔNG LÊ QUỐC MINH, TỔNG BIÊN TẬP BÁO NHÂN DÂN,PHÓ TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG, CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM: Đa dạng hóa nguồn thu
... Báo chí toàn cầu, trong đó có Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, như việc các ấn phẩm in giảm về số lượng lẫn doanh thu. Trong khi đó, các ấn phẩm số gia tăng nhưng không đáng kể. Điều quan trọng là phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp cho phần mất đi của báo in. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện nguồn thu, nhưng kết quả còn rất hạn chế.
Trên thực tế, thu phí nội dung trên báo chí điện tử, hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai gồm: Báo điện tử VietnamPlus (năm 2018), Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022) và một số dạng thu phí kiểu thưởng cho tác giả hay mời tác giả cốc café (Tạp chí Lao động và Công đoàn…). Tuy nhiên, các cơ quan báo chí này mới chỉ thử nghiệm ở một số chuyên mục, được đầu tư hơn về chất lượng và nội dung.
Vậy đâu là giải pháp tối ưu trong bối cảnh khó khăn hiện nay? Theo tôi các cơ quan báo chí truyền thông sẽ hướng tới tìm kiếm doanh thu từ độc giả như một "nguồn thu an toàn". Một số xu hướng các cơ quan báo chí lớn trên thế giới thực hiện đa dạng hóa nguồn thu, bao gồm: quảng cáo truyền thống; thực hiện tường thu phí; làm truyền thông; tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cấp phép thương hiệu; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu...
Hiện Google và Facebook chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo. Do vậy, thời gian tới đa số các cơ quan báo chí tìm kiếm doanh thu từ độc giả. Tìm doanh thu từ độc giả ngày càng quan trọng hơn và đó là nguồn thu an toàn hơn. Đây là một trong những xu hướng mà nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đang làm. Bởi chính các nhà báo là người thành thạo nhất về kỹ năng kể chuyện. Do vậy, việc sản xuất nội dung quảng cáo cho thương hiệu là cách để các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu nhờ vào chuyên môn sâu về kể chuyện của mình.
ÔNG NGUYỄN THANH LÂM - THỨ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG: Khuyến khích cơ quan báo chí đưa ra mô hình mới
Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Báo chí năm 2016. Trong đó, sẽ đưa vào một số thể chế về mô hình, quy mô, vị trí pháp lý của cơ quan pháp lý trong bối cảnh công nghệ biến động, các mô hình kinh doanh biến động.
Luật Báo chí sửa đổi những khái niệm mới, tiền đề mới ở tầm luật để có thể giúp đỡ cho báo chí phát triển, trong đó có câu chuyện liên quan đến kinh tế báo chí.
Trong đó có vấn đề tăng cường đặt hàng báo chí như một dịch vụ công, sản phẩm có ích cho xã hội cũng đang được quan tâm.
Theo đó, các cơ quan nhà nước mạnh dạn đặt hàng báo chí nhiều hơn mà còn đa dạng hơn. Các cơ quan báo chí có thể cung cấp nhiều dịch vụ cho Nhà nước, cho các cơ quan đặt hàng trên đa nền tảng, không chỉ phụ thuộc vào nền tảng của bản thân cơ quan báo chí đó.
Về giải pháp gia tăng nguồn thu, Bộ TT&TT đánh giá cao các cơ quan báo chí đưa ra sáng kiến truyền thông chính sách và đã đạt được hiệu quả trong đại dịch Covd-19. Chính vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt để hỗ trợ về tài chính cho báo chí nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách. Cơ quan nhà nước cũng cần có cơ chế chỉ định thầu và tạm ứng kinh phí kịp thời để các báo có nguồn lực tài chính chi trả cho các sản phẩm truyền thông chính sách chất lượng cao.
Trước thách thức hiện nay, báo chí không còn định vị, nhìn nhận trong các dạng thức truyền thống nữa. Cơ quan báo chí phải thay đổi cách làm báo, phải thay đổi cách kinh doanh sản phẩm báo chí. Đây là việc vô cùng khó nhưng không thể không làm.
Bộ TT&TT khuyến khích, đồng thời mong muốn các cơ quan báo chí đưa ra mô hình mới để kinh doanh sản phẩm báo chí. Trong quá trình tìm nguồn thu chính đáng, báo chí không nên bỏ qua bất cứ nguồn lực xã hội nào…
PGS.TS BÙI CHÍ TRUNG, PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN ĐÀO TẠO BÁO CHÍ VÀ TRUYỀN THÔNG: Tháo gỡ những điểm nghẽn để kinh tế báo chí khởi sắc
Chúng ta vẫn chưa thực sự thẳng thắn đề cập đến bản chất, thậm chí còn đang né tránh những nút thắt cơ bản kìm hãm sự phát triển kinh tế báo chí - truyền thông. Nút thắt đó mang tính nguyên lý, như một “vòng kim cô” cần được “niệm chú” nới bỏ”.
Về một số điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam hiện nay, phải kể đến đầu tiên đó là điểm nghẽn trong nhận thức bởi thực tế, khái niệm “kinh tế báo chí - truyền thông” chưa được thống nhất và chưa xuất hiện chính thức trong bất kỳ một văn bản quy định pháp luật nào.
Bài toán đặt ra hiện nay cho báo chí - truyền thông Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu làm thế nào để các cơ quan báo chí “tự chủ được tài chính”, tự đảm bảo được “nguồn lực kinh tế - kỹ thuật” cho các hoạt động nghiệp vụ, cũng như khả năng mở rộng quy mô sản phẩm và khả năng ảnh hưởng.
Trong nền kinh tế thị trường, cơ quan báo chí chỉ có thể vận hành hoạt động kinh tế linh hoạt nếu như có vị thế của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế điều này không được khẳng định, thừa nhận đúng vai trò trong các quy định pháp luật hiện hành.
Điểm nghẽn giữa mục tiêu phát triển kinh tế báo chí với các nguyên tắc hoạt động báo chí - truyền thông làm thế nào để báo chí vẫn giữ được tôn chỉ, mục đích, làm tròn trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng, có tính chất định hướng về chính sách của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân nhưng vẫn phải có được nguồn thu để tái sản xuất, đầu tư và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, đó là một bài toán khó giải quyết trong một sớm một chiều. Những thách thức, những nút thắt trên cần sớm được đánh giá, phân tích toàn diện, cặn kẽ, khoa học; để sự phát triển kinh tế báo chí - truyền thông trong giai đoạn mới có sự chuyển biến tích cực và rõ ràng”.
ÔNG TRẦN ANH TÚ - PHÓ TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG: Phát triển báo chí thu phí từ sản phẩm chất lượng cao
Tại Việt Nam, việc thu phí nội dung trên báo chí điện tử hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai. Việc triển khai thu phí nội dung tại Việt Nam cũng đã có nhưng mới chỉ dừng lại ở mức “thử nghiệm”. Những khó khăn trong việc áp dụng “tường phí” cho báo chí là thói quen đọc của công chúng và việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cản trở hiện nay là công chúng tại Việt Nam vẫn đang “quen” với việc thụ hưởng các sản phẩm thông tin nhất là thông tin trên môi trường Internet miễn phí. Việc thu phí cũng nên có sự chuẩn bị.
Hiện nay, rất ít tờ báo tại Việt Nam được bao cấp 100%, ngân sách không thể bao quát hết mọi chi phí của tòa soạn. Do vậy, là những người thụ hưởng sản phẩm thông tin, công chúng cần thể hiện vai trò “người mua” bằng cách chi trả một phần kinh phí cụ thể. Tất nhiên, “người mua” cần “người bán” - các cơ quan báo chí cung cấp sản phẩm hấp dẫn, phù hợp thị hiếu và độc quyền.
Muốn vậy, ngoài nỗ lực của các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan chức năng khác cần nghiêm khắc hơn trong việc xử lý vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ trong báo chí.
Thu phí độc giả là hướng đi đúng đắn mà nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới đang đi. Nhưng việc thu phí nội dung không thể tiến hành nếu các cơ quan liên quan không triển khai đồng bộ những giải pháp khác như: Hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan báo chí, xử lý nghiêm hiện tượng vi phạm về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ các công cụ thanh toán cho tòa soạn thu phí độc giả…
Không thể xây dựng “nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như yêu cầu của Đại hội Đảng lần thứ XIII nếu không có sự nỗ lực của các cơ quan báo chí, không có cái nhìn đúng đắn về các sản phẩm báo chí, không có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng./.