Giải pháp tình thế, áp dụng trong thời gian ngắn

Chiều 10.3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với đề nghị của Chính phủ về ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Ảnh: Quang Khánh

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có thêm thu nhập

Theo Tờ trình của Chính phủ, đại dịch Covid-19 xảy ra liên tục trong 2 năm qua đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, sự dịch chuyển lao động lớn gây thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương… Thực tế cho thấy, các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Điều 107 của Bộ luật Lao động cần điều chỉnh trong giai đoạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống. Do đó, Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động và số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động, được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu

Ảnh: Quang Khánh

Thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Xã hội và các ý kiến tham gia thẩm tra cơ bản đều đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp hết sức đặc biệt này như là một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn.

Về thẩm quyền ban hành Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động được quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động năm 2019, nên việc điều chỉnh quy định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều hậu quả tác động nặng nề đối với nền kinh tế và đời sống người dân; căn cứ vào điểm 3.3, 3.4 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội và khoản 1, Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thống nhất, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này theo trình tự, thủ tục rút gọn là có cơ sở và phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Ảnh: Quang Khánh

Làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, tự nguyện

Cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, mở rộng phạm vi ngành nghề, công việc áp dụng thời gian làm thêm trong 1 năm, song các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần cân nhắc việc mở rộng cho tất cả các ngành, nghề, công việc. Nhiều ý kiến đề nghị phải rà soát để loại trừ các đối tượng, ngành, nghề, công việc không áp dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát và quy định theo hướng này.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, về cơ bản, đề xuất này nhận được sự đồng thuận cao, đây là giải pháp đặc biệt, mang tính chất tình thế, áp dụng trong thời gian ngắn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Xã hội và phối hợp với Thường trực Ủy ban Xã hội xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành (nếu có); tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra; đảm bảo việc làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động trên tinh thần tự nguyện.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giai-phap-tinh-theap-dung-trong-thoi-gian-ngan-idxnsljfdh-80776