Giải pháp tình thế của Ukraine trong lúc chờ đạn pháo từ phương Tây
Trong bối cảnh đạn pháo cạn kiệt, quân đội Ukraine ở tiền tuyến đang phải ứng biến và sử dụng máy bay không người lái (UAV) gắn chất nổ để đối phó với lực lượng Nga.
Ukraine chỉ còn đủ đạn pháo trong cho 1 tháng
Các gói viện trợ bổ sung từ Mỹ và Liên minh châu Âu bị đình trệ, lực lượng Ukraine đang rơi vào tình cảnh thiếu đạn dược. Nhiều lữ đoàn bị tiêu hao sau cuộc phản công mùa hè mà không tạo được bước đột phá đáng kể.
Nhà phân tích quân sự Pháp Peer de Jong nhận định Ukraine hiện chỉ còn đủ đạn pháo cho một tháng chiến đấu, tới khoảng giữa tháng 2/2024.
“Tôi tin rằng họ còn đủ đạn dược cho khoảng một tháng. Con số này là quá ít đối với người Ukraine, bởi vì một tháng là thời gian cho đến giữa tháng 2/2024, giai đoạn đỉnh điểm của mùa đông tại nước này”, ông Peee de Jong nói với kênh truyền hình Pháp.
Theo ông Peer de Jong, đại tá Pháp đã nghỉ hưu, cả Nga và Ukraine đang nỗ lực ổn định mặt trận và thực hiện các cuộc tấn công chiến lược, nhưng điều này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị về người và trang thiết bị. Phía Nga hiện tại đã tích lũy được nguồn lực rất lớn để chuẩn bị cho chiến dịch mùa đông. Trong khi đó, Ukraine đang cạn kiệt nguồn lực sau gần 2 năm xung đột. Kiev đang gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn viện trợ quân sự từ Mỹ và các nước phương Tây.
Cuối tháng 11/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thừa nhận EU khó có thể đạt được mục tiêu gửi một triệu quả đạn pháo cho Ukraine vào tháng 3/2024 tới. Trong khi đó, mấu chốt của vấn đề là Ukraine đã tiêu thụ đạn pháo nhanh hơn mức mà Mỹ và các đồng minh NATO có thể sản xuất.
Từ một boong-ke ở mặt trận phía Đông Nam, có thể nhận thấy nguồn đạn pháo của Ukraine đã cạn kiệt như thế nào. Cứ 5-6 quả đạn pháo mà Nga bắn tới, quân Ukraine chỉ bắn trả được 1-2 quả.
Trong bối cảnh đạn pháo cạn kiệt, quân đội Ukraine ở tiền tuyến đang phải ứng biến và sử dụng máy bay không người lái (UAV) gắn chất nổ để đối phó với lực lượng Nga.
Ông Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine cho biết: “Chúng tôi đang phải dựa vào máy bay không người lái FPV vì thiếu đạn pháo. Tuy nhiên UAV không thể thay thế hoàn toàn pháo binh”.
Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Ukraine vào máy bay không người lái FPV (UAV góc nhìn thứ nhất), có thể là cho thấy cuộc xung đột sẽ diễn ra như thế nào nếu dòng vũ khí phương Tây tới Kiev tiếp tục bị hạn chế nghiêm trọng.
Giải pháp tình thế
Quân Ukraine đang cố gắng cầm cự cho đến khi có thêm nguồn viện trợ vũ khí từ nước ngoài. Giống như trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột, trước khi nhận được nguồn viện trợ vũ khí từ phương Tây, Ukraine đang phải sử dụng máy bay không người lái FPV thay cho hỏa lực pháo binh.
UAV không thể bay xa và nhanh như đạn pháo. Chúng cũng không mang được nhiều chất nổ hoặc nổ xuyên qua các bức tường bê tông. Nhưng chỉ với vài trăm USD mỗi chiếc, UAV có giá thấp hơn nhiều so với đạn pháo và dễ sản xuất hơn nhiều.
Cả Nga và Ukraine đã tăng cường sử dụng UAV trong 6 tháng qua khi chúng thể hiện tính hữu dụng trên các khu vực có địa hình trống trải và bằng phẳng của Ukraine. Chúng chính xác hơn nhiều so với pháo binh, cho phép những người điều khiển UAV theo dõi các phương tiện đang di chuyển và lực lượng bộ binh. Trong khi pháo binh thường cần nhiều phát bắn để bắn trúng mục tiêu thì UAV hầu như đều đánh trúng mục tiêu trong mỗi lần tấn công.
Cho đến nay, quân Ukraine chỉ có thể ngăn chặn những bước tiến của Nga xung quanh làng Robotyne ở phía nam thị trấn Orikhiv, vì một số đơn vị pháo binh trong khu vực đã được điều động đến các khu vực khác của mặt trận.
Mặc dù Kiev phải dựa vào UAV vì lý do cấp thiết, nhưng binh sỹ Ukraine hoạt động xung quanh Robotyne cho biết thiết bị này đang làm thay đổi tình thế trên chiến tuyến.
Do xe bọc thép cỡ lớn là mục tiêu có giá trị, dễ phát hiện nên cả hai bên đều hạn chế sử dụng chúng ở tiền tuyến và thay thế bằng xe tải, thậm chí là xe máy.
Với máy bay không người lái FPV, quân Ukraine có thể tấn công ngay cả những phương tiện nhỏ và truy đuổi cả lính bộ binh. Kết quả là vùng xám [khu vực nằm giữa các chiến hào của 2 bên nhưng không bên nào kiểm soát được-ND] ngày càng mở rộng hơn, khiến việc tiến quân trở nên khó khăn hơn.
Mặc dù UAV có hiệu quả chống lại bộ binh và các phương tiện quân sự, nhưng chúng không thể mang đủ chất nổ để phá hủy các công sự mà pháo binh có thể bắn xuyên qua. Ngoài ra, do chúng bay chậm hơn nhiều so với đạn pháo, nên khi UAV tới được điểm đến thì mục tiêu đã rời khỏi đó.
Mặt khác, số lượng UAV của Ukraine vẫn còn hạn chế. Ngoài việc tìm kiếm nguồn viện trợ từ nước ngoài, Ukraine hiện đang nỗ lực tăng cường sản trong nước, chế tạo những loại UAV có khả năng mang được khối lượng đạn dược hoặc chất nổ lớn hơn.
Cuối tháng 12/2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: “Chúng tôi sẽ sản xuất 1 triệu UAV vào năm tới. Tôi phải thừa nhận rằng chúng tôi đang gặp nhiều thách thức, về số lượng vũ khí được viện trợ, đặc biệt là số lượng đạn pháo”.
Trong khi đó, Nga đang cố gắng tận dụng tối đa lợi thế về tài nguyên và cũng đang xây dựng một đội quân UAV với các khả năng đa dạng.
“Trong vài tuần qua, số lượng UAV FPV được Nga sử dụng đã tăng gấp 3-4 lần. Pháo binh của họ đang hoạt động tốt. Họ có lợi thế về trinh sát trên không”, binh sỹ Ukaine ở Robotyne thừa nhận.