Giải pháp về khoa học công nghệ, chú trọng nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị và sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường
Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa ở Việt Nam tăng nhanh với nhiều công trình xây dựng mới đã kéo theo những tác động về môi trường do ô nhiễm bụi và rác thải xây dựng khó tái chế. Những giải pháp về khoa học công nghệ, chú trọng nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị và sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường đang là hướng đi mà ngành sản xuất vật liệu xây dựng đang hướng tới.
Ưu tiên sản xuất vật liệu mới, thân thiện môi trường
Thống kê của Viện Vật liệu xây dựng cho thấy, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng, 25% gỗ khai thác, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% phế thải rắn xây dựng.
Vì vậy, việc đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại gắn với bảo vệ môi trường (công nghệ sản xuất xanh, phát triển vật liệu xây dựng xanh) sẽ giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Trước thực trạng sử dụng vật liệu nung ở Việt Nam đang chiếm tỷ lệ cao, Bộ Xây dựng đã triển khai Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (Chương trình 567) bằng Thông tư số 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, nhằm khuyến khích và thú đẩy sản xuất vật liệu xây không nung trong lĩnh vực xây dựng.
Trước nhu cầu phát triển vật liệu xây không nung trong nước ngày một tăng cao, các công ty, doanh nghiệp trong nước vừa thực hiện nhập khẩu các dây chuyền nước ngoài về thương mại vừa tổ chức giải mã, tư vấn thiết kế và chế tạo. Hiện trong cả nước có khoảng trên 30 đơn vị chế tạo thiết bị sản xuất gạch không nung, bê tông. Công nghệ sản xuất của các máy ép gạch chủ yếu theo nguyên lý ép tĩnh, ép rung (rung chày, rung khung) hoặc kết hợp ép tĩnh và ép rung, quy mô nhỏ.
Trên thực tế, việc nghiên cứu, lựa chọn công nghệ vật liệu và dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung (ở đây là gạch không nung) đã được nhiều doanh nghiệp đưa vào sản xuất. Từ một vài dây chuyền quy mô nhỏ, sản xuất mang tính thí điểm, thăm dò thị trường, đến nay, cả nước hiện đang có 2.122 dây chuyền sản xuất gạch bê tông (hay còn gọi là gạch xi măng cốt liệu); 15 dây chuyền sản xuất bê tông khí chưng áp (gạch AAC); 17 dây chuyền sản xuất bê tông bọt.
Có thể kể đến một số doanh nghiệp khẳng định được năng lực của mình trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung như: Công ty Thanh Phúc đến nay đã lắp đặt chuyển giao công nghệ được hơn 1.000 dây chuyền lớn nhỏ trên toàn quốc và xuất khẩu với 3 dòng chính gồm máy sản xuất gạch xây, gạch Block, máy sản xuất gạch Terrazzo và máy sản xuất ngói.
Hay Công ty Cổ phần Bê tông khí chưng áp Viglacera đã thực hiện Dự án “Thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp công suất 200.000 m3/ năm nhằm đạt mục tiêu: Công suất sản xuất theo thiết kế 200.000 m3/ năm; hệ số thu hồi thành phẩm trên 97%; chất lượng sản phẩm gạch AAC đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7959:2017 và các tiêu chuẩn xuất khẩu…
Nâng cao chất lượng bằng khoa học công nghệ
Các doanh nghiệp hiện đang tiếp tục nâng cao và tăng cường đội ngũ khoa học công nghệ lĩnh vực máy và thiết bị sản xuất vật liệu không nung nói chung và gạch không nung nói riêng, nhằm có thể lựa chọn được công nghệ hợp lý, làm chủ công nghệ để thực hiện tự thiết kế, chế tạo và phát triển ra các dòng máy sản xuất gạch không nung mang thương hiệu Việt Nam.
Đưa ra giải pháp công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cho biết, Việt Nam hiện xuất khẩu nhiều loại vật liệu xây dựng với giá rẻ, lại chưa tận dụng được hết các nguồn phụ phẩm, phế thải của các ngành sản xuất khác làm vật liệu xây dựng. Chẳng hạn, nếu các ngành sử dụng than để đốt lò hơi (xi măng, nhiệt điện, sản xuất hóa chất…) có thể cải thiện công nghệ để giảm tỷ lệ than tồn dư trong tro xỉ thì việc sử dụng xỉ than để sản xuất vật liệu xây dựng sẽ còn hiệu quả hơn nữa.
Còn theo PGS. TS Lương Đức Long - nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), bối cảnh hiện nay đòi hỏi cách thức quản lý ở ngành Vật liệu xây dựng rất khác trước. Do đó, 4 vấn đề phải lưu ý trong Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 nhằm quản lý phát triển vật liệu xây dựng là: Môi trường, chi phí tiêu hao nguyên liệu tự nhiên và năng lượng; mức độ tiên tiến về công nghệ và tái sử dụng các chất thải.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các đơn vị hoạt động khoa học công nghệ hoặc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gạch không nung như miễn giảm thuế, ưu đãi vốn đầu tư, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trong các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động các diễn đàn, các hoạt động trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm…
Đồng thời, thắt chặt quan hệ tương hỗ giữa Nhà nước, nhà khoa học và người tiêu dùng là một giải pháp quan trọng làm cho khoa học công nghệ gạch không nung phát triển và mang lại lợi ích thực tiễn trong sản xuất.