Giải pháp về tiếp cận đất đai trên địa bàn tỉnh

Tiếp cận đất đai là vấn đề rất quan trọng đối với doanh nghiệp (DN) khi triển khai các dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Luật Đất đai quy định đất đai được tiếp cận theo 2 phương thức: nhà nước thu hồi đất của tổ chức, hộ gia đình cá nhân để giao đất hoặc cho nhà đầu tư thuê đất; hoặc nhà đầu tư tự thương lượng để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai và pháp luật dân sự.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), phần lớn dự án các DN triển khai đều với mục tiêu sản xuất - kinh doanh nên không thuộc trường hợp được phép thu hồi đất. DN phải thương lượng để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trung bình thời gian thương lượng để hoàn tất việc chuyển nhượng đất đai cho 1 dự án từ 4 - 24 tháng, thậm chí 36 tháng. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là do tình trạng “cò” đất mua đón đầu tăng giá, DN rất khó thương lượng (chủ yếu là thương lượng với “cò” đất). Giá đất trong dự án có thể cao gấp đôi giá thực tế thị trường có cùng điều kiện. Nếu so với các tỉnh xung quanh thì giá thương lượng này cao khoảng 40-50%. Mặt khác, đất đai manh mún, việc thương lượng với nhiều hộ dân gây khó khăn đối với DN.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức đối thoại để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin đất đai và thực hiện thủ tục hành chính về đất đai

Giám đốc Sở TN&MT Trần Đặng Đức thông tin, toàn tỉnh còn khoảng 82 dự án của 65 DN với quy mô khoảng 2.905ha đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa tạo quỹ đất xong để triển khai dự án. Sở TN&MT đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều giải pháp để việc tiếp cận đất đai thuận lợi hơn; gần đây nhất là sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh, sở đã có Công văn số 58/STNMT-ĐĐ ngày 8-1-2019 kiến nghị UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận đất đai thu hút đầu tư. Các giải pháp này đã và đang được triển khai, nhằm điều chỉnh các chính sách có liên quan tác động vào giá đất để hình thành giá thị trường đúng bản chất.

Theo đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 văn bản (Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 9-10-2018 thay thế Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND) quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, trong đó giảm mức hỗ trợ chuyển đổi nghề khi thu hồi đất nông nghiệp tại khu vực đô thị từ 4-5 lần xuống còn 3 lần), Quyết định số 104/QĐ-UBND ngày 16-1-2019 thay thế Quyết định số 272/QĐ-UBND ngày 19-1-2017 (điều chỉnh cách xác định giá đất bồi thường về đúng bản chất giá thị trường, tránh tình trạng mua đất đón đầu các dự án đầu tư công làm tăng giá đất). Hai văn bản này góp phần rất lớn trong việc xác định giá và chi phí đền bù đất đai đối với các dự án nhà nước thu hồi đất theo giá thị trường, hạn chế tình trạng “cò” đất mua đón đầu các dự án do nhà nước đầu tư.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc tạo quỹ đất dự trữ để kêu gọi đầu tư, tăng nguồn cung về đất đai; đầu tư các khu - cụm công nghiệp tập trung để DN triển khai các dự án công nghiệp tránh tác động môi trường. Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thay thế Quyết định số 47/2013/QĐ-UBND ngày 24-12-2013 của UBND tỉnh, trong đó làm rõ cơ chế tạo quỹ đất dự trữ. Hệ thống Trung tâm Phát triển quỹ đất đã kiện toàn xong tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của việc tạo quỹ đất dự trữ là nguồn quỹ phát triển đất. Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo quyết liệt vấn đề này trong thời gian tới, trong đó cần cho cơ chế huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách.

Theo Sở TN&MT, đối với cụ thể hóa tiêu chí khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị để áp dụng cơ chế thu hồi đất, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, báo cáo UBND tỉnh trong thời gian tới. Đây là vấn đề cần làm thận trọng, vì vừa giúp DN dễ tiếp cận đất đai nhưng phải đảm bảo tính pháp lý khi thu hồi đất, tránh khiếu kiện phát sinh.

Về hỗ trợ DN tiếp cận thông tin đất đai và thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, Sở TN&MT chủ trì cùng các ngành đã tổ chức thực hiện tốt trong thời gian qua, như: thành lập tổ tư vấn hỗ trợ DN, tiếp cận và cung cấp thông tin kịp thời cho DN, thẩm định sớm TTHC cho DN qua mạng, giải quyết TTHC cho DN đúng hạn, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC so với quy định của Trung ương... Tuy nhiên, khâu thuê tư vấn định giá để thu tiền sử dụng đất đối với các dự án lớn (có giá trị thu tiền từ 20 tỷ đồng trở lên tính theo bảng giá đất) còn chậm, do quá ít đơn vị có tư cách pháp nhân về định giá, trong khi có nhiều tỉnh thuê, dẫn đến thiếu nhân lực nên tiến độ triển khai còn chậm.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/giai-phap-ve-tiep-can-dat-dai-tren-dia-ban-tinh-a250777.html