Giải pháp xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị trọng điểm phát triển du lịch

TP Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng hiện là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của cả nước và khu vực, là điểm đến du lịch nổi tiếng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Thương hiệu du lịch Đà Lạt đang dần được khẳng định trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

Đà Lạt nâng tầm thương hiệu thành phố Festival Hoa. Ảnh: PV

Đà Lạt nâng tầm thương hiệu thành phố Festival Hoa. Ảnh: PV

Với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, hấp dẫn; các công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa - nghệ thuật cao, những nét văn hóa đặc sắc đã góp phần hình thành nên các sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng, đặc biệt phong cách văn hóa người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”,... tất cả góp phần khẳng định TP Đà Lạt là điểm đến “An toàn - Văn minh và Thân thiện”.

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong phát triển du lịch như: Tăng cường tuyên truyền bộ tiêu chí phong cách ứng xử văn hóa người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng địa phương; vận động, tuyên truyền nhiều doanh nghiệp, tổ chức du lịch địa phương tích cực đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, dần thay đổi tư duy, có cách làm sáng tạo, hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách... Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, duy tu, bảo dưỡng công trình công cộng. Cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, chiếu sáng, cây xanh đường phố, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường; triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; triển khai cải tạo, mở rộng, lắp đặt tín hiệu đèn giao thông tại các nút giao thông. Các ngành nghề mang tính truyền thống đang từng bước được phục hồi như nghề thủ công mỹ nghệ tranh cưa lọng, tranh chạm bút lửa, len mỹ nghệ. Bên cạnh đó, thành phố quan tâm khuyến khích hình thành các ngành nghề thủ công mỹ nghệ mang tính mới như: hoa đất sét, hoa tươi sấy khô, hoa gỗ rất được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Tính đến tháng 10/2024, trên địa bàn thành phố có 2.503 cơ sở lưu trú với tổng số 33.138 phòng; trong đó, có 370 khách sạn từ 1 - 5 sao với 11.299 phòng. Có 74 khu, điểm tham quan trải nghiệm, điểm vui chơi giải trí chụp hình lưu niệm, trong đó có 22 điểm tham quan du lịch là các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, di tích văn hóa cấp tỉnh; có 8 điểm tổ chức ca nhạc ngoài trời; 10 khu, điểm được công nhận là di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia; 1 khu du lịch cấp quốc gia, cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng, tham quan, tổ chức các sự kiện ngày càng cao của người dân và du khách, nhất là các ngày nghỉ, Tết, lễ hội.

Du lịch - dịch vụ dần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực trong phát triển kinh tế thành phố, hàng năm đón trên 6 triệu lượt khách. Cơ cấu giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ - du lịch chiếm trên 68% cơ cấu các ngành kinh tế địa phương. Đà Lạt 2 lần được công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” (năm 2020 và 2022), chính thức gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc ngày 31/10/2023; được Hiệp hội Festival và Sự kiện quốc tế - khu vực châu Á trao tặng giải thưởng “Festival Hoa châu Á và du lịch sinh thái năm 2024”...

Bên cạnh những kết quả đạt được, TP Đà Lạt đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển như: Môi trường tự nhiên đang bị xuống cấp; du lịch cao cấp ít sản phẩm và chưa thu hút tạo dựng như một điểm đến đẳng cấp; cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng của ngành tuy phát triển nhưng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (đạt chuẩn 3 - 5 sao) còn chiếm tỷ lệ thấp 13%; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu đầu tư, phát triển các dự án du lịch có quy mô lớn, loại hình mới lạ, hấp dẫn, cao cấp; nguồn nhân lực du lịch tuy đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế; nhất là thiếu đội ngũ lao động có trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển TP Đà Lạt trở thành đô thị trọng điểm phát triển du lịch, chú trọng gắn kết phát triển du lịch với công nghiệp văn hóa, trong thời gian tới, Đà Lạt tiếp tục thực hiện các giải pháp sau: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh Lâm Đồng và trên địa bàn thành phố; tiếp tục xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, đẩy mạnh kết nối du lịch trong nước và quốc tế. Xây dựng và mở rộng các tour, tuyến du lịch trong quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo dựa trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế, khác biệt của địa phương. Đặc biệt là, triển khai hiệu quả Đề án Phát triển kinh tế ban đêm, phát triển các sản phẩm du lịch âm nhạc dựa trên thế mạnh thương hiệu Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO; tiếp tục phát huy và nâng tầm thương hiệu Thành phố Festival Hoa Việt Nam. Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch bền vững. Thu hút các dự án đầu tư lớn, chiến lược đầu tư hạ tầng phát triển du lịch chất lượng cao...

HỒNG PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202412/giai-phap-xay-dung-da-lat-tro-thanh-do-thi-trong-diem-phat-trien-du-lich-a55254c/