Giải pháp xử lý tranh chấp trong các dự án năng lượng trọng điểm

Hội thảo 'Quản lý rủi ro pháp lý và tranh chấp trong các dự án năng lượng trọng điểm – Hướng tới mục tiêu năng lượng bền vững tại Việt Nam' đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay 10/5.

Một dự án điện mặt trời áp mái tại Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Một dự án điện mặt trời áp mái tại Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ngày 10/5 tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Câu lạc bộ Luật sư Thương mại quốc tế Việt Nam (VBLC), Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tổ chức hội thảo với chủ đề "Quản lý rủi ro pháp lý và tranh chấp trong các dự án năng lượng trọng điểm – Hướng tới mục tiêu năng lượng bền vững tại Việt Nam". Hội thảo nhằm đưa ra góc nhìn tổng quan, đánh giá chi tiết và cung cấp một số định hướng xử lý các tranh chấp từ dự án năng lượng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, trong những năm gần đây, các tranh chấp liên quan đến dự án năng lương cũng tăng dần lên với nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ việc đáp ứng yêu cầu về môi trường sau khi Việt Nam thực hiện những cam kết tại COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26).

Thực tế VIAC cho thấy, các tranh chấp có thể phát sinh ở cả giai đoạn xây dựng và giai đoạn vận hành, với tính chất ngày càng phức tạp, trị giá lớn, thời gian tranh chấp kéo dài, gây ra những thiệt hại đáng kể cho các bên trong dự án. Không những vậy, vì là các dự án lớn, các tranh chấp có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng dân cư và rộng hơn là ảnh hưởng đến tính ổn định, bền vững của năng lượng chung quốc gia.

Các chuyên gia cũng nhận định, hầu hết các tranh chấp liên quan đến dự án năng lượng đều có yếu tố nước ngoài, chính bởi vậy, tính quốc tế trong thủ tục là yêu cầu luôn được đặt ra và là một trong những điểm mà doanh nghiệp cân nhắc khi lựa chọn phương thức giải quyết. Vốn là phương thức được du nhập từ quốc tế, trọng tài thương mại có thể nói là một trong những phương thức có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về tính quốc tế, nhanh chóng, hiệu quả. Phương thức này đã, đang và sẽ tiếp tục được áp dụng trong tương lai để giải quyết các tranh chấp phức tạp như tranh chấp về dự án năng lượng.

Theo ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), từ năm 2013 đến 2022, VIAC đã tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp các dự án năng lượng, có tổng trị giá tranh chấp hơn 300 triệu USD. Thời gian trung bình để giải quyết các vụ tranh chấp là hơn 7 tháng. Gần đây tại Tp. Hồ Chí Minh, VIAC ghi nhận có nhiều tranh chấp trong các dự án điện tái tạo.

Bà Vũ Thị Châu Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Điều 14 Luật Đầu tư quy định, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có một bên là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế thuộc Khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây: Tòa án Việt Nam, Trọng tài Việt Nam, Trọng tài nước ngoài, Trọng tài quốc tế, Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập. Còn tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng, để đạt được hiệu quả, doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng về các thủ tục áp dụng; cần thiết, có thể xem xét yếu tố hỗ trợ của luật sư trong quá trình giải quyết tranh chấp./.

Thành Chung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-xu-ly-tranh-chap-trong-cac-du-an-nang-luong-trong-diem/290731.html