Giải phóng bệnh khó nói cho cụ bà 92 tuổi

Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi, Nghệ An vừa áp dụng phương pháp phẫu thuật Crossen điều trị thành công bệnh sa sinh dục cho cụ bà 92 tuổi. Đây là phẫu thuật rất khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải giàu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn rất cao, do đó phương pháp Crossen thường chỉ được áp dụng ở bệnh viện tuyến Trung ương hoặc bệnh viện tuyến tỉnh, ít khi thực hiện ở tuyến huyện.

 Các bác sĩ BVĐK Quang Khởi tiến hành điều trị sa sinh dục cho cụ bà 92 tuổi bằng phương pháp Crossen

Các bác sĩ BVĐK Quang Khởi tiến hành điều trị sa sinh dục cho cụ bà 92 tuổi bằng phương pháp Crossen

Cụ bà Lê Thị M, 92 tuổi (quê Quỳnh Lưu, Nghệ An), đã trải qua 6 lần sinh nở. Cách đây 30-40 năm, cụ được phát hiện bị sa sinh dục. Nhiều lần đi khám nhưng không được điều trị triệt để. Thời gian gần đây, toàn bộ tử cung và bàng quang sa hẳn ra ngoài âm đạo, gây không ít khó khăn cho cụ trong mọi sinh hoạt, đời sống, đặc biệt tiểu tiện khó khăn, không thể tự chủ được.

Trước tình hình đó, người nhà đã đưa cụ M. đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi. Gia đình có nguyện vọng tha thiết xin được mổ vì đã đặt rất nhiều niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ cũng như hệ thống phòng mổ tại đây. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân bị sa sinh dục độ III, kèm theo tình trạng sức khỏe suy kiệt.

Phương pháp Crossen thường chỉ được áp dụng ở bệnh viện tuyến Trung ương nay đã được thực hiện thành công ở BVĐK Quang Khởi

Phương pháp Crossen thường chỉ được áp dụng ở bệnh viện tuyến Trung ương nay đã được thực hiện thành công ở BVĐK Quang Khởi

Để có thể tiến hành phẫu thuật được, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi đã tiến hành điều trị nâng cao sức khỏe và thể trạng cho bệnh nhân.

Sau một thời gian, được sự chăm sóc chu đáo, tận tình của các y bác sĩ nên sức khỏe của cụ M. được cải thiện, toàn trạng đã được nâng lên rõ rệt, có thể chịu đựng được một ca mổ khó và phức tạp.

Các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp Crossen để cắt tử cung phục hồi thành trước, thành sau âm đạo, trả lại bình diện giải phẫu.

TTƯT. BS.CKII Nguyễn Hải Linh, Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi cho biết: Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật sa sinh dục, trong đó Crossen là một trong những phương pháp tối ưu vì có thể điều trị bệnh triệt để và phục hồi được thành âm đạo.

Phương pháp này chỉ áp dụng cho người trên 40 tuổi, không còn sinh nở và sa sinh dục ở độ II, III. Đây là phẫu thuật rất khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải giàu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn rất cao, do đó, Crossen thường chỉ được áp dụng ở tuyến Trung ương hoặc tuyến tỉnh, ít khi thực hiện ở tuyến huyện.

Để thực hiện thành công ca phẫu thuật này, kíp mổ cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như bệnh nhân tuổi đã quá cao, sức khỏe rất yếu, khiến việc gây mê hồi sức gặp không ít khó khăn.

Hơn thế, tình trạng sa sinh dục quá lâu năm, sa toàn bộ tử cung, bàng quang, thành trước và thành sau âm đạo, biến chứng rối loạn tiểu tiện cũng gây rất nhiều khó khăn trong quá trình phẫu thuật, cũng như quá trình chăm sóc hậu phẫu.

Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, đặc biệt là trong 24 giờ đầu sau phẫu thuật; theo dõi tình trạng chảy máu qua âm đạo và chảy máu trong ổ bụng; theo dõi và chăm sóc ống thông bàng quang.

Thực hiện chăm sóc vệ sinh: Lau âm đạo, tầng sinh môn bằng dung dịch betadin hoặc các dung dịch sát trùng khác và tiến hành điều trị tích cực phục hồi. Sau 6 ngày mổ, bệnh nhân đã ổn định, đại tiểu tiện bình thường, sức khỏe hồi phục tốt, chuẩn bị được xuất viện. Bác sĩ Linh chia sẻ.

Ca mổ thành công đã đem lại niềm vui khôn xiết cho người nhà cụ M. Gia đình chúng tôi vô cùng cảm ơn sự chăm sóc tận tình và tay nghề, trình độ chuyên môn của các y bác sĩ của bệnh viện.

"Thực sự là gia đình chúng tôi đặt trọn niềm tin vào Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi Quang Khởi nên chúng tôi quyết định đưa mẹ/bà đến đây thay vì đi lên tuyến trên. Lúc đầu thì gia đình cũng khá lo lắng, vì cụ đã quá cao tuổi, khối sa lại để quá lâu. Nhưng ca mổ đã thành công, gia đình hết sức vui mừng và cảm thấy như trút được một gánh nặng trong lòng" - một người thân của cụ M. nói.

Sa sinh dục hay còn gọi là sa các cơ quan vùng chậu được biết đến do tình trạng suy yếu của hệ thống nâng đỡ của đáy chậu, dẫn đến sự tụt xuống của các cơ quan vùng chậu vào âm đạo, xuất hiện khối sa lồi ở vùng âm hộ, tầng sinh môn.

Ban đầu, kích thước khối sa sinh dục nhỏ, sa không thường xuyên, xuất hiện khi lao động hoặc đi lại nhiều, nằm nghỉ thì khối sa tụt vào trong âm đạo hoặc tự đẩy lên được. Càng về sau khối sa càng to, sa thường xuyên, không đẩy lên kèm theo có tức nặng bụng dưới, cảm giác vướng víu khó chịu vùng âm hộ - tầng sinh môn, gây khó khăn cho đại tiểu tiện.

Do đó, phụ nữ khi sinh nở cần chú ý nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ để hồi phục sức khỏe. Tránh việc sinh nhiều con và lao động nặng nhọc sau khi sinh, dễ gây sa sinh dục.

TTƯT BS.CKII Nguyễn Hải Linh, Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi, nói: Khi phát hiện có dấu hiệu sa sinh dục, cần đến ngay các bệnh viện có uy tín để được can thiệp sớm, tránh để lâu năm hoặc khi tuổi đã cao gây khó khăn cho quá trình điều trị cũng như đe dọa đến tính mạng và sức khỏe.

Khánh Tâm - Ngọc Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giai-phong-benh-kho-noi-cho-cu-ba-92-tuoi-n175281.html