Giải phóng cho cha mẹ khỏi kiếp 'ô sin tuổi già'- ấy là hiếu nghĩa?
Ngày nay, không ít con cháu rất biết cách 'tận dụng' sức lao động của cha mẹ, khiến họ còn bận rộn, mệt mỏi hơn là đi làm với vô vàn việc nhà không tên như: thay ô sin trông con, cơm nước, thay người làm trông cửa hàng, làm bảo vệ... Liệu có bao giờ những người đứa con ấy nghĩ rằng làm thế là họ đang 'lạm dụng cha mẹ' mình hay chỉ nghĩ thế mới là yêu thương, là 'tạo việc làm' để cha mẹ đỡ buồn chán khi về già?
“Cháu ơi ngủ đi rồi lớn nhanh để bà về với ông nhé!”
Đặt điện thoại xuống bà Vân thở dài. Chồng ốm mà bà không thể làm gì được chỉ vì bà đang ở xa quá. Bà ở cách chồng những hơn nghìn cây số để “đi làm nhiệm vụ” trông cháu cho con. Vợ chồng bà có hai đứa con, trai đầu gái út. Con trai vào Nam lập nghiệp rồi lấy vợ luôn trong đó, con gái lấy chồng gần nhà bố mẹ.
Vợ chồng con trai sinh con, hết thời gian con dâu nghỉ đẻ, con trai đánh tiếng mời mẹ vào ở để chúng con phụng dưỡng nhưng thực tế là trông cháu. Thương con, thương cháu bà không thể không đi, nhưng đi thì cũng lại có nỗi lo khác đè nặng tim bà. Đó là ông Khắc nhà bà vốn mắc bệnh hen, cứ trái gió trở trời là ông lên cơn hen, cộng thêm chứng huyết áp cao.
Đã thế, công việc ruộng vườn lại không thể bỏ ngày nào. Sự mệt mỏi đè nặng lên vai người đàn ông đã ngoài 70, dù rằng có cô con gái lấy chồng gần ngày nào cũng sang cơm nước giúp. “Con chăm cha sao bằng bà chăm ông, cháu ơi ngủ đi rồi lớn nhanh để bà về với ông nhé!” – bà Vân vừa ơ hời ru cháu vừa thở dài thườn thượt.
Ở một bức tranh khác, vợ chồng anh chị Tân – Xuân là con trai, con dâu bà Vân lúc nào cũng thảnh thơi và khởi xướng mọi cuộc đi chơi riêng với đám bạn dù đã có con mọn. "Ăn, ngủ, vệ sinh của Bin tất cả đã có bà nội lo. Ô sin thì lo nội trợ, nấu nướng, đi chợ hằng ngày. Hai vợ chồng mình chỉ cần kiếm tiền, cuộc sống như đôi son rỗi", chị Xuân khoe.
Khi một số bạn bè góp ý rằng làm như vậy có khác gì bóc lột mẹ chồng đâu, nhất là khi lại bắt bà sống cảnh xa ông lâu như thế (vợ chồng chị Xuân định để cu Bin ở nhà đến 5 tuổi cứng cáp mới cho đi mẫu giáo tiền lớp 1 luôn), thì chị Xuân vặc lại: "Đó là niềm vui và tình yêu thương vô điều kiện của ông bà chứ ai bắt đâu. Giờ mình thử không nhờ xem, ông bà chả lăn ra ốm vì buồn và nhớ cháu ấy chứ".
Câu chuyện mà tôi vừa kể trên đây có thể là câu chuyện của rất nhiều người trong chúng ta. Hay nói cách khác, mỗi người chúng ta có thể thấy hiện tại hoặc tương lai của mình trong đó. Ngày nay, không ít con cháu rất biết cách “tận dụng” sức lao động của cha mẹ mình, khiến họ còn bận rộn, mệt mỏi hơn là đi làm với vô vàn việc nhà không tên như: thay ô sin trông con, cơm nước, thay người làm trông cửa hàng, làm bảo vệ...
Liệu có bao giờ những đứa con ấy nghĩ rằng làm thế là họ đang “lạm dụng cha mẹ” hay chỉ nghĩ thế mới là yêu thương, là “tạo việc làm” để cha mẹ đỡ buồn chán khi về già?
Nói về vấn đề này, nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà - Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, vì nhiều lý do, hiện nay không ít cặp vợ chồng giao phó con hoàn toàn cho ông bà chăm. Có nhiều người trẻ vì thích hưởng thụ, không muốn vướng bận nên "khoán" mọi việc nuôi con cho bố mẹ mình.
Có người còn biện hộ: "Chúng tôi đã muốn đẻ đâu. Ông bà cứ giục sinh thì giờ cho ông bà nuôi. Ông bà vui vẻ làm như vậy mà". Trong khi đó, thực tế, thế hệ ông bà đã cả đời vất vả mưu sinh và chăm lo cho con cái mình. Đến tuổi già, ông bà cần được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe.
Cũng theo nhà tâm lý, một số trường hợp con cái lên thành phố làm ăn, cuộc sống khó khăn, phải thuê nhà, không có tiền để thuê người giúp việc nên đành để con ở lại với ông bà. Đây cũng là một lựa chọn hợp lý nhưng chỉ nên coi là cách giải quyết tình thế và trong một thời gian ngắn bởi việc chăm cháu hoàn toàn rất cực nhọc và là một gánh nặng với người già.
Làm cha mẹ là để trái tim đi cùng lý trí
Cùng với việc con cái “lạm dụng” cha mẹ thì cũng rất nhiều bậc cha mẹ coi rằng chăm sóc bảo ban con cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Họ có biết đâu rằng, không phải đứa con nào cũng muốn như vậy, còn bản thân họ thì đã tự trói buộc cả cuộc đời mình bằng quan niệm như thế.
Những dòng tâm sự cảm động của một bà mẹ 57 tuổi khi rời khỏi nhà con trai đã minh chứng cho điều này.
“Tôi 57 tuổi, về hưu được hai năm, con trai năm nay 31 tuổi. Năm tôi mới về hưu thì con trai lấy vợ. Vì là người rất yêu thương con, do đó từ khi con lấy vợ, tôi lại gánh lên trách nhiệm chăm sóc con dâu và nghĩ rằng đó cũng là việc bình thường. Ban đầu, tôi vốn nghĩ sau khi con trai lấy vợ, cả nhà vẫn có thể sống chung cùng một chỗ.
Nhưng vì chồng khuyên can, nói rằng vợ chồng son cần có không gian riêng, do đó tôi mới cho chúng ra ở riêng. Nhưng để tiện chăm sóc vợ chồng con trai, mỗi sáng chúng tôi lại sang nhà con trai nấu bữa sáng, quét dọn nhà cửa, sau bữa tối, khi các con đi ngủ chúng tôi mới trở về nhà. Một hôm, như mọi ngày tôi mang theo đồ ăn tươi mới mua ở chợ đến nhà con trai, trong lòng đang hân hoan, rút chìa khóa ra mở cửa thì không thể mở bởi vì con dâu đã đổi ổ khóa khác.
Tôi gọi điện hỏi thì con dâu nói rằng: “Gần đây chung cư hay xảy ra mất trộm, cho nên …” Lúc đó tôi nghĩ, sao các con đổi ổ khóa mà không đưa chìa cho mẹ? Chắc là chúng quên mình rồi. Buổi tối, con trai tới nhà đưa cho tôi chiếc chìa khóa. Tôi vốn định không nói lại chuyện ban sáng, nhưng con lại nói một câu: “Mẹ đừng để vợ con biết.” Tôi nhận thấy sự việc này không còn đơn giản nữa rồi.
Tuy nhiên, nói xong là tôi lại quên ngay. Ngày hôm sau, tôi vẫn theo thói quen bước chân đến nhà con trai. Vừa bước tới gần cửa, tôi nghe thấy con trai và con dâu đang cãi nhau. Lúc đó, con dâu không ngừng nói: “Anh nhất định đã đưa chìa khóa mới cho mẹ của anh rồi”.
“Anh mãi không bỏ được thói quen tắm rửa xong, quần áo ném hết vào trong chậu, đợi sang ngày hôm sau mẹ anh sang và đem giặt sạch. Nhìn quần áo mắc ở dây phơi, em không thấy vui mà chỉ thấy xấu hổ”.
“Anh nhìn xem, anh bị mẹ chiều quá mà dưỡng thành thói quen xấu, mỗi ngày về nhà đều nằm dài trên ghế sofa, không làm một việc gì, đồ đạc không thu dọn, rác không đổ, chỉ thiếu đút cơm tận miệng nữa thôi. Anh giống như một đứa trẻ miệng đầy hôi sữa vậy”. “Mẹ lại không giống bà mẹ chồng khác, đi khiêu vũ hoặc spa, mà như một chiếc camera nhìn chằm chằm vào chúng ta”.
Tôi nghe xong không thể cầm được nước mắt trở về nhà và kể lại sự tình với chồng, những tưởng nhận được sự đồng tình, nào ngờ chồng tôi nói: “Mình nhìn các bạn đồng nghiệp cũ mà xem, họ đi du lịch khắp cả nước, còn ra cả nước ngoài nữa. Nhưng mình vì các con, đã bị dính mắc ở đây quá lâu rồi. Ngẫm lại, tôi thấy sợ cái sức chịu đựng của mình rồi đấy”.
Sau buổi nói chuyện, tôi tự hỏi, chẳng lẽ mình cứ sống vậy đến khi chết đi sao? Chẳng lẽ không muốn ra ngoài du ngoạn một chuyến? Nói xong liền lập tức quyết định đi du lịch, đi thăm quan thắng cảnh vùng núi cao nguyên, tận mắt nhìn dê mẹ cho dê con bú sữa, tôi lại nhớ trước đây khi con trai còn nhỏ, tôi cũng cho nó bú từng tí như vậy.
Sống du mục trên thảo nguyên, những con dê phải di chuyển thường xuyên, nếu như dê mẹ cứ chăm lo mãi thì dê nhỏ làm sao trưởng thành, làm sao học được cách sống tự lập? Như vậy, ai còn nguyện ý lấy một người mà tinh thần còn mãi cầu bú sữa như vậy được? Nghĩ đến đây tôi chợt hỏi: “Tôi là một người mẹ như thế sao?”.
Khi trở về nhà, việc đầu tiên tôi làm gọi cho con trai một cuộc điện thoại để thông báo buổi tối hai vợ chồng tôi đến nhà chơi. Con trai nghe xong không khỏi giật mình: “Mẹ, chẳng phải mẹ có chìa khóa đó sao, mẹ cứ đến, sao phải gọi trước ạ?” Tôi cười cười và không nói gì thêm nữa. Sau khi dùng xong bữa tối, hai vợ chồng tôi tới nhà con trai. Tôi nhẹ nhàng lấy chiếc chìa khóa từ trong túi ra đưa lại cho con trai.
Đối với tôi mà nói, lúc này giống như trao lại quyền tự quyết định cho con trong gia đình của chính nó. Tôi nói: “Sau này mẹ sẽ không thường xuyên qua nhà các con nữa, mà nếu có qua, cũng sẽ gọi điện báo trước”. Con trai nhìn tôi với vẻ khó hiểu nói: “Mẹ, mẹ làm gì vậy?”. “Mẹ không phải giận con, mà là đang học cách buông bỏ, để con trưởng thành”.
Tôi ôm con trai, mắt không khỏi rơm rớm lệ. Từ hôm đó tôi không còn quản con trai nữa, mặc dù biết buông lúc này đã quá muộn nhưng vẫn còn kịp”.
Theo nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà, việc những cha mẹ trẻ trực tiếp nuôi con, làm việc nhà thay vì phó mặc cho ông bà cũng giúp chính họ trưởng thành và hoàn thiện bản thân hơn. Câu nói "sinh con mới biết lòng cha mẹ" là vậy.
Khi thức khuya dậy sớm chăm bẵm con, vất vả lo lắng khi con ốm đau, người cha mẹ trẻ đó mới hiểu thấu tấm lòng đấng sinh thành ra mình và biết nỗ lực hơn trong cuộc sống. Sinh con rồi phó thác con cho ông bà nuôi chứng tỏ người đó chưa trưởng thành, thậm chí còn thể hiện sự ích kỷ khi dồn hết vất vả cho người khác vì lợi ích của bản thân.
Rất may, người mẹ trong câu chuyện này đã kịp thời nhận ra điều đó và cũng đã kịp trao cho con trai mình cơ hội để trưởng thành.