Giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 2,5: Lúng túng trong thực hiện
Như Kinh tế & Đô thị đã phản ánh, sau 10 năm thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - QL1A vẫn đang rơi vào bế tắc. Câu hỏi đặt ra là, chính quyền cơ sở đã thực sự quyết liệt, hiệu quả trong công tác GPMB hay chưa?
10 năm vẫn còn… dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ
Mặc dù được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho thu hồi đất để GPMB, phục vụ thi công dự án Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - QL1A từ năm 2010, nhưng đến nay, sau 10 năm, vẫn còn một số phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân chỉ là dự thảo. Cụ thể, toàn dự án có khoảng 620 phương án bồi thường, hỗ trợ, trong đó quận Hoàng Mai có 588 phương án, quận Thanh Xuân có 32 phương án; chủ yếu là đất ở của người dân.
Nhưng trên thực tế, Dự án mới phê duyệt được 617/620 phương án bồi thường, hỗ trợ, đạt 95% số lượng. Hiện dự án vẫn còn 82 phương án hỗ trợ người dân chưa nhận tiền, 3 phương án còn đang dự thảo, chưa có chính sách cụ thể cho người dân. Đặc biệt, 57/85 phương án chưa hoàn thành này (kể cả 3 trường hợp mới dự thảo) nằm trên địa bàn phường Định Công, quận Hoàng Mai.
Phó Chủ tịch UBND phường Định Công Đặng Xuân Chiến cho biết, ngày 10/11 vừa qua, phường đã tổ chức cưỡng chế 9 hộ, trong đó vận động được 3 hộ chấp hành, còn 6 hộ đã cưỡng chế xong. Đến nay, trên địa bàn còn 2 cụm mặt bằng phức tạp, vướng mắc nhất gồm 35 hộ dân thuộc diện “nhảy dù” lấn chiếm đất nông nghiệp tại khu vực Công viên Thanh Nhàn và 15 hộ dân thuộc 2 khu tập thể V26 và đường sắt.
Ông Đặng Xuân Chiến thông tin, khu vực đất nông nghiệp đang bị 35 hộ dân lấn chiếm có tới 51 công trình nhà cấp 4. Người dân khu vực này yêu cầu được bồi thường về đất, tuy nhiên theo quy định chỉ có thể chi trả vài chục triệu đồng tiền hỗ trợ cơ sở vật chất cho mỗi hộ. Còn 15 hộ dân thuộc khu tập thể V26 và tập thể đường sắt thì giá bồi thường khoảng dưới 30 triệu đồng/m2 nhưng các hộ dân không đồng thuận. Riêng với 3 hộ dân chưa có phương án cụ thể là do phải điều chỉnh bổ sung các cơ sở về nguồn gốc và diện tích đất. Theo tài liệu do UBND phường Định Công cung cấp, có hộ mới chỉ được điều chỉnh bổ sung vào tháng 6 vừa qua. Vị đại diện UBND phường Định công lý giải, do phải xin ý kiến Sở Xây dựng, UBND quận Hoàng Mai nên kéo dài (?).
Chưa thực sự quyết liệt
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện UBND phường Thịnh Liệt cho biết, trên địa bàn phường còn 23 phương án chưa GPMB được. Trong đó đặc biệt phức tạp là cụm 20 hộ dân với 1.462m2 đất có những mối liên hệ và tranh chấp vô cùng phức tạp. Nguồn gốc khu đất này là 3 thửa do ông Phạm Văn Thịnh (đã mất), được thừa kế từ bố mình và đứng tên, sau đó chia cho các con. Sau khi ông Thịnh mất, một số người anh em, họ hàng nhảy vào tranh chấp; bên cạnh đó còn có việc mua đi bán lại, dẫn tới 3 thửa đất mà đến nay có tới 20 hộ dân sinh sống. Vị đại diện UBND phường Thịnh Liệt cho biết: “Do phức tạp như vậy, nhiều nhà hoàn cảnh thật sự khó khăn nên phường không biết làm thế nào”.
Tuy nhiên, đại diện UBND phường Thịnh Liệt cũng cho hay, để tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân, phường đã báo cáo UBND quận Hoàng Mai và TP. Sau đó đã có cơ chế cho các hộ dân mua nhà ở xã hội nhưng các hộ không đồng tình, đòi được bồi thường về đất. Khi được hỏi, đã đủ điều kiện cưỡng chế thu hồi mặt bằng đối với các hộ này hay chưa, vị đại diện UBND phường Thịnh Liệt cho biết, về quy trình, thủ tục thì đã đủ, nhưng thiếu chính sách phù hợp (!).
Có một điểm chung trong cách trả lời của đại diện cả hai phường còn tồn tại, vướng mắc GPMB nhiều nhất nêu trên là địa phương đã báo cáo quận, báo cáo TP để xin ý kiến, chính sách, cơ chế… Nhưng vai trò tham mưu cho cấp quận và TP, hiệu quả tuyên truyền vận động người dân chấp hành, cũng như sự quyết liệt đối với các trường hợp chây ì lại chưa rõ ràng, thuyết phục.
Tại phường Định Công có những trường hợp phải mất đến 10 năm còn chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất, đến thời điểm này mới chỉ dự thảo được phương án bồi thường, hỗ trợ. Thậm chí, quá trình quản lý tại cơ sở còn để 35 hộ dân lấn chiếm, xây dựng tới 51 công trình nhà cấp 4, gây thêm nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác GPMB. Còn tại phường Thịnh Liệt, chưa quyết liệt thực hiện cưỡng chế, thu hồi được mặt bằng dù đủ cơ sở pháp lý. Nếu tiếp tục với phương hướng giải quyết như vậy, không biết đến ngày nào 5% mặt bằng còn lại của dự án Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - QL1A mới được bàn giao cho chủ đầu tư để thi công?
Phóng viên Kinh tế & Đô thị cũng đã đề nghị trao đổi làm rõ thông tin với Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND quận Hoàng Mai - đơn vị chủ công trong GPMB dự án Vành đai 2,5 và sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.