Giải quyết ách tắc trong thông quan hàng hóa nông sản sang Trung Quốc
Nhu cầu giao thương nông sản giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung và hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam nói riêng rất lớn nhưng thường bị ách tắc tại cửa khẩu do nhiều nguyên nhân. Ngành Nông nghiệp đang tích cực thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường này.
Trung Quốc có nhu cầu lớn với hàng nông lâm thủy sản Việt Nam
Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, với dân số 1,41 tỷ người và thu nhập bình quân năm 2022 đạt 13.800 USD/người, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn và tiềm năng.
Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam có lợi thế so sánh trong sản xuất như thủy sản, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, gia cầm... Ngoài ra, Trung Quốc có hệ thống đường bộ rất thuận lợi cho nước ta xuất nhập khẩu hàng hóa. Hiện, 70% các sản phẩm nông sản của Việt Nam đi bằng đường bộ sang Trung Quốc. Đây là cửa ngõ để Việt Nam đưa nông sản vào sâu trong nội địa của Trung Quốc và cũng là lợi thế lớn để đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu nông sản trong thời gian tới.
Theo Bộ NN&PTNT, trong số các thị trường xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục duy trì là một trong ba thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất trong 5 tháng đầu năm 2023, trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, thực tế giao thương cho thấy, hạ tầng khu vực cửa khẩu của cả hai bên hiện đều đang quá tải so với nhu cầu giao thương, nhiều mặt hàng nông sản tươi có giá trị cao vào vụ, có nhu cầu từ doanh nghiệp Trung Quốc nhưng thường bị ách tắc tại cửa khẩu.
Cùng với đó, nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao của Việt Nam và có nhu cầu lớn từ phía Trung Quốc hiện chưa được "mở cửa" vào thị trường này như một số mặt hàng trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc gia cầm… Trong khi đó, tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu ngang bằng, thậm chí đã quy định về đăng ký cấp phép, thủ tục kiểm nghiệm kiểm dịch thông quan còn chặt chẽ hơn cả thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Hướng tới hải quan một cửa ở biên giới
Để thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, tháo gỡ những khó khăn gây ách tắc trong giao thương, theo ông Trần Thanh Nam, mới đây đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã làm việc với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc).
Tại các cuộc hội đàm với lãnh đạo chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam, trên cơ sở nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đã trao đổi cởi mở, chân thành và đều cam kết coi Việt Nam là một đối tác quan trọng của hai tỉnh này. Đối với nông sản, việc xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước có tính bổ trợ cho nhau. Như Vân Nam sở hữu rau củ quả ôn đới, còn Việt Nam là nhiệt đới. Cũng có những mặt hàng có thể trùng nhau nhưng thực tế sản lượng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đó là lợi thế so sánh giữa hai bên và là lợi thế rất lớn để thúc đẩy thương mại nông sản.
Trong chuyến công tác có hai diễn đàn xúc tiến thương mại nông sản ở tỉnh Quảng Tây và Vân Nam và đã có trên 100 doanh nghiệp của Trung Quốc và 20 doanh nghiệp Việt Nam theo đoàn đã trao đổi nhiều vấn đề để cùng hợp tác.
Đáng chú ý, hai bên đã thống nhất thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam - Quảng Tây và Việt Nam - Vân Nam, tiến tới xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững nhằm nắm bắt rõ thông tin cung cầu. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng hai nước sẽ tạo điều kiện, vướng mắc ở đâu tìm cách gỡ ở đó.
Cùng với đó, hai bên sẽ tổ chức họp, hội nghị luân phiên thường niên vào tháng 11 hàng năm để rà soát, đánh giá kết quả hợp tác trong năm và định hướng triển khai trong năm tiếp theo.
Đặc biệt, các tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam đã đồng ý về việc mở thêm các cửa khẩu của Việt Nam và đề xuất nâng cấp theo hướng cửa khẩu thông minh, sử dụng công nghệ số kiểm soát... "Tôi nghĩ đây là ý tưởng rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay để giải quyết ách tắc trong thông quan hàng hóa” - ông Nam nói
Để giải quyết các vấn đề ách tắc cục bộ tại các cửa khẩu, hai bên thống nhất cử đầu mối thông tin liên lạc nhằm kịp thời phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong thông thương hàng nông, lâm, thủy sản. Đối với Việt Nam, Bộ NN&PTNT sẽ giao cho Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường làm đầu mối để liên lạc thường xuyên như các cơ quan chức năng của phía bạn ở cửa khẩu. Đồng thời, sẽ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ NN&PTNT với chính quyền Quảng Tây, Vân Nam trong lĩnh vực nông nghiệp vào 9/2023 nhân dịp Hội chợ Trung Quốc - ASEAN.