Giải quyết bất cập để thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số phát triển

Giai đoạn 2015-2020, công tác dân tộc (CTDT) đã được triển khai tích cực, thu được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít bất cập cần giải quyết. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xung quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Đồng chí có thể khái quát những kết quả nổi bật trong thực hiện CTDT giai đoạn 2015-2020?

Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) có tầm quan trọng đặc biệt. Vấn đề dân tộc luôn được Đảng ta xác định có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Để thể chế hóa đường lối, Nghị quyết của Đảng, những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực xây dựng, ban hành hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đối với vùng DTTS&MN. Hiện có 118 chương trình, chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng DTTS&MN. Những kết quả trong thực hiện CTDT giai đoạn 2015-2020 là rất tích cực.

Trước hết, kết cấu hạ tầng vùng DTTS&MN đã được quan tâm đầu tư từng bước đồng bộ; y tế, giáo dục có bước phát triển. Tính đến năm 2020, 98,4% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ thôn, bản có đường giao thông được kiên cố hóa tăng 16,7% so với năm 2015; tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học và THCS; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tiếng phổ thông tăng 1,7%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học tăng 8%, THCS tăng 9%, THPT tăng 14,7%; 99,5% xã có trạm y tế, 93% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết giảm 5,6%. Thứ hai, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2-3%; số xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; số huyện nghèo giảm 4-5%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn vùng giảm 1,2%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.300 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Vùng DTTS&MN đã có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các DTTS đạt được kết quả rõ nét. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được quan tâm, có chuyển biến tích cực...

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: VIỆT PHÚ.

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: VIỆT PHÚ.

PV: Bài học kinh nghiệm rút ra trong thực hiện CTDT thời gian qua là gì, thưa đồng chí?

Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp phải cụ thể hóa nghị quyết thành những chính sách, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, đồng bộ. Quá trình thực hiện cần có sự phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng. Tiếp theo, phải thiết lập cơ chế thông tin hai chiều để kịp thời nắm bắt tình hình, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào DTTS chấp hành tốt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đồng thời, phát huy dân chủ cơ sở, giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân. Đồng thời, phải tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS&MN, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào. Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và vai trò tham mưu của hệ thống cơ quan làm CTDT; coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc lồng ghép chính sách trên địa bàn vùng DTTS&MN; bổ sung, sửa đổi kịp thời các chính sách bất cập. Làm tốt công tác quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư, thực hiện phát triển sản xuất bền vững. Lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư có trọng điểm, xây dựng các mô hình về phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.

PV: Thưa đồng chí, những vấn đề gì đang đặt ra trong CTDT hiện nay?

Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Mặc dù được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chăm lo nhưng vì nhiều nguyên nhân, vùng DTTS&MN vẫn là địa bàn khó khăn nhất cả nước: Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, kinh tế chậm phát triển, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững. Một số vấn đề bức xúc trong đời sống của đồng bào, như: Di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tình trạng thất nghiệp của thanh niên DTTS... chưa được giải quyết hiệu quả, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng DTTS&MN tuy đã được nâng lên nhưng còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào DTTS còn khó khăn. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS trong cơ quan nhà nước các cấp có xu hướng giảm...

Hiện vẫn còn tình trạng nhiều đầu mối tham mưu, hướng dẫn, quản lý, thực hiện chính sách dân tộc; nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức về CTDT và thực hiện chính sách dân tộc còn phiến diện. Hệ thống chính sách vẫn chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối về nội dung và nhiệm vụ. Một số chính sách được xây dựng còn có nội dung chưa thực sự phù hợp với vùng DTTS&MN. Đôi khi chính sách ban hành không kịp thích ứng với xu thế thay đổi của xã hội và chậm được sửa đổi. Cơ chế thực hiện chính sách còn bất cập trong phân bổ, quản lý, thanh quyết toán các chương trình; chưa thực sự có cơ chế phù hợp để lồng ghép các nguồn vốn nên hiệu quả chưa cao. Nguồn lực bố trí cho các chính sách dân tộc chưa thể hiện rõ tính ưu tiên theo đúng chủ trương, mục tiêu đã lập. Vốn thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua không đủ, không đồng bộ và chậm nên nhiều chính sách khi kết thúc không đạt mục tiêu, phải kéo dài thời gian thực hiện...

Để có thể thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, cần phải đặc biệt quan tâm chăm lo phát triển vùng DTTS&MN. Mỗi tập thể, cá nhân làm CTDT cần phát huy vai trò, trách nhiệm, làm việc với cả trái tim, tích cực tháo gỡ khó khăn, bất cập để thúc đẩy sự phát triển của vùng DTTS&MN.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TRUNG KIÊN - ĐỨC THỊNH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dan-toc-ton-giao/cac-van-de/giai-quyet-bat-cap-de-thuc-day-vung-dan-toc-thieu-so-phat-trien-655926