Giải quyết các vấn đề của phụ nữ và trẻ em DTTS&MN phụ thuộc nhiều vào công tác truyền thông

Đại diện Hội LHPN xã A Dơi (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho rằng, giải quyết các vấn đề của PN&TE vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian ngắn hạn, dài hạn và kết quả như thế nào phụ thuộc nhiều vào công tác truyền thông.

 Nam giới ở vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị đã tham gia làm việc nhà nhiều hơn, kể từ khi triển khai Dự án 8 tại địa phương.

Nam giới ở vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị đã tham gia làm việc nhà nhiều hơn, kể từ khi triển khai Dự án 8 tại địa phương.

Được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng

Kể từ khi triển khai Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em), Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức về xây dựng kế hoạch truyền thông cho cán bộ hội LHPN cơ sở. Mục tiêu là giúp học viên biết cách xây dựng kế hoạch truyền thông, có khả năng vận dụng kiến thức và kỹ năng để thực hiện tuyên truyền, vận động các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (PN&TE) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTT&MN).

Bà Hồ Thị Nữ, Chủ tịch Hội LHPN xã A Dơi (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết, tham gia các lớp tập huấn do Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức, các cán bộ cơ sở sẽ được trang bị các kiến thức, kỹ năng để biết cách xây dựng kế hoạch truyền thông. Đó là phải xác định được nội dung, mục tiêu, kết quả, đối tượng truyền thông; xác định các hình thức truyền thông phù hợp, thời gian, địa điểm thuận lợi, nguồn lực phù hợp để đảm bảo triển khai thực hiện hoạt động truyền thông có hiệu quả như mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Trong quá trình tập huấn, các học viên được tham gia thảo luận nhóm để củng cố thêm kiến thức, nhận diện những vấn đề còn tồn tại về bất bình đẳng giới, tệ nạn xã hội... tại địa phương. Về địa phương, với các kiến thức được trang bị, các thành viên sẽ hướng dẫn và cùng tham gia trong việc xây dựng kế hoạch truyền thông của Tổ truyền thông cộng đồng xã chất lượng hơn. Từ đó thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân đạt hiệu quả cao hơn.

Đối với Dự án 8, nội dung truyền thông xuyên suốt là giúp nam giới, PN&TE DTTS nhận biết được các biểu hiện, tác hại của định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục để từng bước xóa bỏ; xác định được các vấn đề xã hội cấp thiết của PN&TE DTTS để tuyên truyền, vận động tham gia giải quyết.

Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức tập huấn xây dựng kế hoạch truyền thông cho cán bộ phụ nữ cơ sở. Ảnh T.A.M.

Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức tập huấn xây dựng kế hoạch truyền thông cho cán bộ phụ nữ cơ sở. Ảnh T.A.M.

Những nội dung cần tập trung khi xây dựng kế hoạch truyền thông là: Vấn đề định kiến giới, khuôn mẫu giới và phân biệt đối xử về giới như: Trong gia đình thì coi việc nhà (chăm sóc gia đình) là của phụ nữ; vai trò trụ cột kinh tế là của nam giới; ưu tiên con trai được đi học hơn con gái; phụ nữ phải ngồi ăn cơm ở mâm dưới; nam giới quyết định mọi vấn đề trong gia đình, coi thường khả năng ra quyết định của phụ nữ. Trong cộng đồng thì coi thường, đánh giá thấp vai trò làm chủ kinh tế của phụ nữ; đánh giá thấp vai trò tham gia chính trị của phụ nữ...

Một số tập tục có hại kìm hãm sự phát triển của gia đình và xã hội vẫn còn tồn tại như: Chữa bệnh bằng thầy cúng; sinh con tại nhà; tục bắt vợ, thách cưới, cưới hỏi dài ngày; giải quyết mâu thuẫn bằng tự tử (ăn lá ngón); ma chay, phơi xác chết nhiều ngày mới mai táng gây ô nhiễm môi trường; nuôi gia súc, gia cầm dưới sàn nhà...

Những vấn đề xã hội liên quan đến bình đẳng giới, gia đình, phụ nữ và trẻ em như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; mù chữ, trẻ bỏ học; phụ nữ không đi khám thai tại cơ sở y tế, sinh con tại nhà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; không thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình; bạo lực gia đình; mua bán người, di cư lao động không an toàn; an toàn vệ sinh thực phẩm; ma túy...

Lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, bản

Căn cứ vào mục tiêu và tình hình thực tế tại địa phương để xác định hoạt động truyền thông cần được tổ chức định kỳ hằng tháng, tổ chức truyền thông/sinh hoạt chuyên đề rộng rãi ở tất cả các thôn, bản của xã. Lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, bản. Tập trung vận động các đối tượng như: Gia đình có đông con, gia đình có người chồng không chia sẻ việc nhà...

Viết các tin, bài và phát trên loa truyền thanh, đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng về hậu quả của những tồn tại trên đối với gia đình và xã hội. Đồng thời, thấy rõ lợi ích của việc truyền thông xóa bỏ, khắc phục những tồn tại đó...

Đối tượng truyền thông được xác định gồm đối tượng đích, đối tượng ảnh hưởng. Mức độ thay đổi hành vi của từng đối tượng cũng được xây dựng kế hoạch và xem đó như là kết quả mong đợi của việc triển khai kế hoạch truyền thông. Nguồn lực về con người, kinh phí và lựa chọn phương tiện truyền thông đều được xây dựng kế hoạch cụ thể khi bắt tay vào triển khai thực hiện.

Định kiến giới là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bất bình đẳng giới. Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Định kiến giới gây ra nhiều hậu quả khôn lường gây áp lực cho phụ nữ; loại bỏ hoặc cản trở nam hoặc nữ tiếp cận cơ hội thay đổi cuộc đời, làm cho nam và nữ không phát huy được khả năng, làm giảm vai trò, đóng góp của nam hoặc nữ trong gia đình và xã hội. Họ không được ghi nhận và tôn trọng.

Bà Nữ cho rằng, việc xóa bỏ định kiến giới, tiến tới bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề của PN&TE vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian ngắn hạn, dài hạn và kết quả như thế nào phụ thuộc nhiều vào công tác truyền thông. Vì vậy, rất cần xây dựng kế hoạch truyền thông hoàn hảo, có chất lượng giúp mang lại kết quả truyền thông như mong đợi và tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng, tiến tới xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội tiến bộ, văn minh.

Nguyễn Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giai-quyet-cac-van-de-cua-phu-nu-va-tre-em-dttsmn-phu-thuoc-nhieu-vao-cong-tac-truyen-thong-20240819170615396.htm