Giải quyết điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Ngày 6-12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đối thoại với hàng trăm đại điện, lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh. Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp than khó vì hạ tầng giao thông tại địa phương vẫn còn yếu kém, đứt gãy gây tắc nghẽn, trì hoãn sự phát triển chung.

Theo Sở Công thương tỉnh Bình Định, năm 2019 kinh tế của địa phương đang trên đà phục hồi và đạt kết quả tích cực. Trên địa bàn khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội và các khu công nghiệp (KCN) hiện có 321 dự án với vốn đầu tư trên 86.400 tỷ đồng (27.400 tỷ đã được thực hiện); 33 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 506 triệu USD. Năm 2019, KKT Nhơn Hội và các KCN thu hút mới được 16 dự án trên 30.300 tỷ đồng, điều chỉnh 26 dự án tổng vốn tăng thêm 2.600 tỷ đồng…

Tuy nhiên, tình hình phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này vẫn còn lẻ mẻ, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, năng lực hạn chế; có 70% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu nên gặp nhiều rủi ro. Trong khi đó, cải cách thủ tục hành chính vẫn còn hạn chế khiến doanh nghiệp than phiền; một số cơ quan chính quyền chưa thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp; các hiệp hội ngại phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định kiến nghị, ngành gỗ Bình Định đang trở thành một trung tâm phát triển đồ gỗ lớn nhất cả nước. Qua đó, địa phương cần quy hoạch tập trung lại thành cụm công nghiệp, KCN gỗ; quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn; phải có chiến lược phát triển các công ty lâm nghiệp nhà nước hướng đến cổ phần hóa, bởi lẽ các công ty này hiện đang chiếm rất nhiều đất nhưng phát triển rất hạn chế; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, nhân lực cho ngành; đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt đường vận tải nặng ngành gỗ kết nối với cảng Quy Nhơn…

Đại diện cảng Quy Nhơn cho rằng, trong năm 2019, cảng này đã tiếp nhận lô hàng thứ 9 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2018. Dự kiến, năm 2020 cảng này sẽ tiếp nhận đến 10 triệu tấn hàng hóa. Trong khi đó, công suất thiết kế của cảng chỉ đạt 5 triệu tấn nên đã quá tải, vượt gấp đôi công suất. Vì vậy, địa phương cần phải quan tâm đầu tư, nâng cấp cảng, mở rộng kho, bến bãi, cầu tàu… để nâng cao năng lực tiếp nhận tàu, hàng hóa.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp kiến nghị, cơ quan chức năng khi kiểm tra, cần tạo điều kiện tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, không nên “vạch lá tìm sâu” gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng ghi nhận các ý kiến vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Ông Dũng nhấn mạnh, trong những năm tới, địa phương xác định ngành gỗ là ngành mũi nhọn sẽ được quan tâm đầu tư đúng mức, đúng tiềm năng thế mạnh.

Trong đó, Bình Định đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết điểm nghẽn hạ tầng giao thông trong các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, kinh tế biển. Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cam kết, sẽ đưa cảng Quy Nhơn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đột phá hơn thời điểm bị doanh nghiệp tư nhân chi phối vốn…

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giai-quyet-diem-nghen-ha-tang-giao-thong-633429.html