Giải quyết dứt điểm tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trong 2025

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã là 1.405 người (chiếm 14,49%).

Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã có bị chậm?

Chiều 21/8, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Tham gia chất vấn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho biết, trong Báo cáo của Chính phủ có nêu, sau 4 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, đổi mới đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành thì vẫn còn năm 58/706 cán bộ, công chức cấp huyện;

1405/9694 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ; có 5/6 đơn vị hành chính, chiếm 83,33% đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị;

43/152 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và 58/104 đơn vị hành chính đô thị cấp xã hình thành sau sắp xếp đều có nguyên nhân là phụ thuộc vào nguồn lực và khả năng cân đối ngân sách của các địa phương.

Trong khi đó, đa số các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về nguồn kinh phí để thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp căn cơ để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trên?

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân chất vấn.

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân chất vấn.

Trích dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho biết, giai đoạn 2023 2025, cả nước thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện và 1247 đơn vị hành chính cấp xã của 53 địa phương. Việc sáp nhập phải hoàn thành trước tháng 10/2023.

Tuy nhiên, đến nay mới có 3 địa phương trình Ủy ban Thường vụ quyết định và 3 địa phương đang trình thẩm tra nên thời gian không còn nhiều.

Để sớm ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua có bị chậm tiến độ không?

Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và Bộ trưởng cho biết các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo tiến độ đề ra?

Trong phần chất vấn, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho biết, từ ngày 1/7/2024, công chức, viên chức và người lao động, trong đó có đội ngũ giáo viên rất vui mừng, phấn khởi khi được hưởng chế độ tiền lương mới.

Tuy nhiên, cũng từ thời điểm này, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang lại nhận được nhiều ý kiến cử tri là nhân viên trường học, nhất là nhân viên thư viện trường học phản ánh: Theo quy định hiện hành, đội ngũ nhân viên thư viện trường học không chỉ làm nhân viên thư viện bình thường mà còn được phân công một số nhiệm vụ chuyên môn khác như giáo viên, cũng có tiết dạy, cũng phải đứng lớp hay làm công tác trợ giảng.

Ngoài ra, nhiều trường hợp còn phải kiêm nhiệm một số việc hành chính như văn phòng, y tế, thủ quỹ.

Trong khi đó, chính sách tiền lương và phụ cấp đối với đội ngũ này còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với vị trí và vai trò được giao.

Với phản ánh trên, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Bộ trưởng Nội vụ đánh giá như thế nào về vấn đề mà cử tri phản ánh? Ngoài ra, Bộ trưởng đã và đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào trong việc tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ để khắc phục tình trạng trên?

Năm 2025 phải giải quyết xong

Trả lời chất vấn các ĐBQH tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về vấn đề về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019- 2021 đã được giải quyết khá cơ bản.

Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã là 1.405 người (chiếm 14,49%). Theo kế hoạch được giao, đến 2025 phải giải quyết xong.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao nỗ lực của địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chia sẻ với các địa phương còn gặp những khó khăn trong giải quyết vấn đề này, do số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn…

Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị cho giai đoạn 2023- 2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này, trên tinh thần Nghị quyết 35, như Nghị định số 29 về chính sách tinh giản biên chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung, trách nhiệm để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trên cơ sở những chính sách hiện có, cố gắng đến hết 2025 kết thúc việc này…

Liên quan đến vấn đề về điều chỉnh quy hoạch đô thị và phân loại đô thị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay chỉ có 5/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện được hình thành sau sắp xếp được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; 43/152 đơn vị hành chính đô thị cấp xã và 58/104 đơn vị hành chính thị trấn chưa được phê duyệt quy hoạch.

Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do việc sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra trước khi kịp thực hiện điều chỉnh quy hoạch.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương cần nỗ lực hơn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để hoàn thành nhiệm vụ này. Bộ Nội vụ cũng đang tích cực hỗ trợ các địa phương trong quá trình này.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/giai-quyet-dut-diem-ton-dong-ve-sap-xep-can-bo-cong-chuc-doi-du-trong-2025-204240821162535709.htm