Giải quyết dứt điểm vướng mắc kéo dài tại nhiều dự án
Với quyết tâm chính trị cao và nỗ lực đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, tỉnh Long An đang tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB); đồng thời, quan tâm và đề ra nhiều giải pháp để xử lý dứt điểm các vướng mắc kéo dài tại nhiều dự án (DA).
Gần đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác BT, GPMB năm 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh, công tác BT, GPMB và tái định cư (TĐC) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nơi có DA triển khai. Theo đó, ông yêu cầu cần huy động mọi nguồn lực, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, giải quyết triệt để vướng mắc trong quá trình triển khai các DA.

Năm 2025, tỉnh đề ra mục tiêu giải quyết dứt điểm vướng mắc kéo dài tại một số dự án trong thời gian qua
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu, tỉnh đã rà soát và xác định, nêu rõ một số DA tại TP.Tân An, thị xã Kiến Tường và các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức đang gặp những vướng mắc kéo dài. Từ đó, tỉnh xây dựng kế hoạch và đề ra mục tiêu giải quyết dứt điểm trong năm 2025.
Tại TP.Tân An, có 3 DA đang được tập trung tháo gỡ. Đó là DA Xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp tại xã Lợi Bình Nhơn với tổng diện tích hơn 42,6ha, đã chi trả được 96,4% cho 188/192 hộ dân, tương đương 20,495/235,362 tỉ đồng. Hiện còn 4 hộ vướng mắc liên quan đến thủ tục nhận thừa kế. Chính quyền thành phố đang phối hợp chặt chẽ các sở, ngành và người dân hoàn tất hồ sơ trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó, 2 DA chỉnh trang đô thị quan trọng là Kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ chợ cá phường 2 cũ đến cầu mới Tân An), diện tích 1,82ha và Chỉnh trang khu dân cư cặp bờ kè rộng 1,029ha cũng đang gặp phải những trở ngại.
Đối với DA kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây, hiện các hộ dân đã bàn giao mặt bằng 100%, có 95/98 hộ (96,94%) nhận bồi thường với số tiền gần 172,327 tỉ đồng, đạt 95,14% tổng kinh phí. Ba hộ chưa nhận tiền do các vấn đề về pháp lý đất đai hoặc không đồng ý với mức giá.
DA Chỉnh trang khu dân cư cặp bờ kè chống sạt lở sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ chợ cá phường 2 cũ đến cầu mới Tân An) đã chi trả cho 110/116 hộ (94,83%) với số tiền hơn 122 tỉ đồng, đạt 92,9% tổng kinh phí nhưng còn 6 trường hợp vướng mắc do vắng chủ, mồ mả vô chủ hoặc khiếu nại về diện tích, giá bồi thường. UBND TP.Tân An đang gấp rút củng cố hồ sơ để cưỡng chế thu hồi đất; đồng thời, tiếp tục vận động người dân.
Tại thị xã Kiến Tường, DA mở rộng Cụm dân cư Khu phố 5, phường 2, diện tích 3,6ha (3,2ha đã chi trả), còn 6 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường dù đã có quyết định cưỡng chế. Bên cạnh đó, DA Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Sân Bay giai đoạn 2 gắn với Khu biệt thự nhà vườn 45,36ha ở phường 1, thị xã Kiến Tường vẫn còn 2 hộ chưa nhận tiền. UBND thị xã Kiến Tường khẳng định tiếp tục vận động và hoàn tất các thủ tục pháp lý để cưỡng chế thu hồi đất trong năm 2025, bảo đảm tiến độ chung của các DA.
Huyện Cần Đước cũng đang nỗ lực giải quyết các vướng mắc tại 5 DA. Trong đó, DA Đường tỉnh 830B (xã Long Cang), công tác thu hồi đất và chi trả bồi thường đã hoàn thành, đang tập trung bố trí TĐC cho 5 hộ còn lại. Riêng DA Khu công nghiệp và Cầu cảng Phước Đông (xã Phước Đông), dù hoàn thành thu hồi đất, vẫn còn 2 hộ chưa nhận tiền do vướng mắc từ phía chủ đầu tư về việc chi trả hoặc chờ đơn giá bồi thường. UBND huyện đang tích cực làm việc với doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ.
Huyện Cần Giuộc là một trong những địa phương còn nhiều DA vướng mắc, nhất là các khu công nghiệp. Tại Khu Cảng (147ha), xã Tân Tập còn 1 trường hợp chưa đồng ý nhận tiền. Các DA do Công ty TNHH Hải Sơn đầu tư (103,8ha tại xã Long Thượng) còn 4 trường hợp.
Khu đô thị Năm Sao (giai đoạn 2 ở xã Phước Lý) diện tích 60,53ha, còn 9 trường hợp chưa nhận tiền và 5 trường hợp đã chi trả một phần. Khu TĐC Năm Sao (diện tích 11,52ha ở xã Phước Lý) còn 8 trường hợp chưa nhận tiền và 3 trường hợp đã chi trả một phần. Huyện tiếp tục vận động và củng cố hồ sơ để cưỡng chế đối với các trường hợp này.
Đặc biệt, huyện Cần Giuộc có 3 DA khu công nghiệp lớn đang gặp nhiều khó khăn. Khu công nghiệp Long Hậu 3 (123,98ha) còn vướng 3,66ha với 76 hộ dân (trong đó có 6 hộ có sạp chợ), 1 tổ chức và 4 hộ đã chi trả một phần, tổng số tiền bồi thường chưa chi trả lên đến 37.340.279.530 đồng.
Huyện đang đẩy mạnh vận động và hoàn tất hồ sơ cưỡng chế. Khu công nghiệp Nam Tân Tập (158ha, xã Tân Tập) còn gần 34,45ha chưa được GPMB, liên quan đến 563 trường hợp và số tiền chưa chi trả hơn 797,2 tỉ đồng; nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư chưa chuyển kinh phí.
Khu TĐC Nam Tân Tập (22,37ha, xã Tân Tập) còn vướng 17,79ha với 202 trường hợp và số tiền chưa chi trả hơn 364,6 tỉ đồng, cũng do vấn đề kinh phí từ chủ đầu tư. UBND huyện Cần Giuộc đang tích cực làm việc với các công ty để giải quyết vấn đề tài chính; đồng thời, vận động người dân.
Cũng như một số địa phương, tại huyện Bến Lức, công tác BT, GPMB các khu dân cư và khu công nghiệp cũng được tập trung giải quyết. Khu dân cư Hải Sơn - Phước Lợi (79,83ha) tại xã Phước Lợi còn vướng 27,1ha với 165 hộ chưa nhận tiền (360 tỉ đồng). Khu dân cư Hải Sơn - Chợ Mới Bến Lức (7,79ha) còn 1,52ha với 37 hộ chưa nhận tiền (60,7 tỉ đồng).
Khu công nghiệp Phú An Thạnh (54,19ha, xã An Thạnh) còn 5,4ha với 10 hộ chưa nhận tiền (54,7 tỉ đồng). Cụm công nghiệp Lương Bình (58,7ha) còn 26,2ha với 34 hộ chưa nhận tiền (192,63 tỉ đồng).
Hai khu công nghiệp lớn là Khu công nghiệp PRODEZI (345,36ha) và Khu công nghiệp TANDOLAND (217,14ha), cùng ở xã Lương Hòa dù đã GPMB 96,1% và 95,46% nhưng vẫn còn lần lượt 13,4ha (30 hộ, 134,15 tỉ đồng) và 9,7ha (19 hộ, 81,4 tỉ đồng) chưa hoàn thành.
UBND huyện Bến Lức khẳng định tiếp tục vận động và hoàn tất hồ sơ cưỡng chế để hoàn thành công tác chi trả và thu hồi đất trong năm 2025.
Với thời gian còn lại của năm 2025, tỉnh đề ra quyết tâm cao để giải quyết dứt điểm những vướng mắc kéo dài tại những DA trên. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, UBND các cấp, chủ đầu tư và người dân là yếu tố then chốt để đạt mục tiêu đề ra, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Việc tháo gỡ các vướng mắc, hoàn thành BT, GPMB các DA này không chỉ khơi thông nguồn lực đất đai mà còn góp phần sớm đầu tư hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân./.