Giải quyết hồ sơ hành chính khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp: Bảo đảm an toàn, thuận lợi
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cơ quan, công sở của thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, để vừa bảo đảm an toàn cho công dân và cán bộ, công chức, viên chức, vừa giúp việc giải quyết hồ sơ hành chính của người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, thuận lợi.
Người dân được hướng dẫn tận tình khi làm thủ tục hành chính tại Chi cục Thuế huyện Đông Anh. Ảnh: Hiền Chi
Phòng, chống dịch chặt chẽ
Đến bộ phận “một cửa” của các cơ quan, công sở thuộc thành phố Hà Nội thời điểm này sẽ thấy rất nhiều biển báo, tờ rơi về thông điệp “5K” (khẩu trang - khoảng cách - khử khuẩn - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế, cùng các bình dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang phát miễn phí cho công dân. Tiêu biểu như bộ phận “một cửa” của UBND thành phố Hà Nội tại Khu liên cơ Võ Chí Công (phường Xuân La, quận Tây Hồ) - nơi làm việc của 8 sở, ngành, đã bố trí bảo vệ trực ở cửa tiếp đón, đo thân nhiệt và nhắc khách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai thông tin cá nhân… Khi khách bước vào phía trong cửa sẽ tiếp tục đi qua máy đo thân nhiệt tự động để kiểm tra một lần nữa.
Trưởng bộ phận “một cửa” Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Phan Thị Hải Yến cho biết: “Khi đến Khu liên cơ Võ Chí Công, mọi người đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, nên chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm khi làm việc trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp”.
Ở góc độ người dân, anh Lê Văn Tuấn (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Vừa qua, tôi đến lấy kết quả tại bộ phận “một cửa” của Sở Giao thông Vận tải, khi đi tôi cũng lo ngại vì nơi này đông người, trong khi tình hình dịch đang phức tạp. Tuy nhiên, đến Khu liên cơ Võ Chí Công tôi thấy công tác phòng, chống dịch rất chặt chẽ, quy củ. Toàn bộ người trực tại bộ phận “một cửa” và khách đến làm việc đều đeo khẩu trang, nên tôi yên tâm”.
Tại trụ sở UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn, công tác phòng, chống dịch cũng được đẩy mạnh ngay từ khâu tuyên truyền trực quan. Ngay lối ra vào của UBND xã Hiền Giang (huyện Thường Tín) có biển chỉ dẫn ghi rõ “Đề nghị cán bộ, nhân viên, công dân đến làm việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trước khi vào trụ sở cơ quan”.
Cùng với việc tuyên truyền trực quan về phòng, chống dịch Covid-19, để dung dịch sát khuẩn tay, bố trí người trực ghi danh sách người ra vào cơ quan, ngày 19-2, Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm đã tăng cường các bảng, biển khuyến cáo: Đề nghị quý khách đến giao dịch giữ khoảng cách 2m khi giao tiếp tại bộ phận “một cửa”. Với một trường hợp là người của đơn vị, thuộc diện F3 được bố trí làm việc tại nhà.
Việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc tại Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm. Ảnh: Hiền Chi
Góp phần thực hiện “nhiệm vụ kép”
Ngay trong những ngày đầu Xuân Tân Sửu, lượng công dân đến giao dịch tại bộ phận “một cửa” Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm khá đông. Tuy nhiên, bộ phận này được bố trí cách biệt với phòng chờ nên bảo đảm khoảng cách giữa các công dân. Ngoài ra, cán bộ làm việc ở đây vừa chấp hành quy định về phòng dịch (đeo khẩu trang, ngồi giãn cách…) vừa nhiệt tình hướng dẫn, giải đáp các thủ tục. Bà Hoàng Thị An (ngõ 149 đường Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) đến làm thẻ bảo hiểm y tế cho biết, bà cảm thấy hài lòng vì được hướng dẫn rất chu đáo nên đã nhanh chóng hoàn thiện được hồ sơ.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm Võ Kim Anh thông tin: “Lượng người có nhu cầu làm thủ tục bảo hiểm xã hội khá nhiều nên song song với việc coi trọng, chấp hành nghiêm quy định về phòng dịch, chúng tôi quán triệt tất cả cán bộ, nhân viên cơ quan thực hiện nghiêm giờ giấc làm việc, tận tình hướng dẫn công dân làm thủ tục, giải quyết hồ sơ đúng quy trình. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận, giải quyết hơn 500 hồ sơ và không có hồ sơ nào chậm muộn”.
Chia sẻ về việc giải quyết hồ sơ hành chính trong giai đoạn có dịch Covid-19, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đông Anh Nguyễn Đăng Dũng cho biết: “Chúng tôi yêu cầu mọi người phải làm việc với tinh thần nghiêm túc, khi dịch diễn biến phức tạp càng phải cố gắng hướng dẫn, giải quyết hồ sơ cho công dân một cách nhanh nhất, để họ không phải đi lại nhiều lần, tiếp xúc với nhiều người, góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh”.
Ông Nguyễn Cơ Thạch, công chức UBND xã Hiền Giang (huyện Thường Tín) cũng chia sẻ: “Khoảng 90% lượng hồ sơ giao dịch ở xã là chứng thực. Ngoài các thủ tục hành chính thông thường, công dân còn hỏi thủ tục việc xin giấy xác nhận của chính quyền cấp xã nơi đang thường trú, tạm trú để đi đến các vùng dịch đều được chúng tôi hướng dẫn tận tình”.
Trước việc các cơ quan công sở vừa chú trọng giải quyết hồ sơ, vừa thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19, Giám đốc Xí nghiệp Bắc Hà (huyện Đông Anh) Nguyễn Thế Hưng nhận xét: “Đó là cách làm rất tích cực, có ý nghĩa đối với cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”.
Là người dẫn đầu Đoàn kiểm tra công vụ thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất tại nhiều cơ quan, công sở trong những ngày làm việc đầu năm Tân Sửu, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ, Phó Trưởng đoàn kiểm tra công vụ thành phố Phan Vũ cho biết: “Bên cạnh việc kiểm tra nội dung về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện quy tắc ứng xử, đoàn đã kiểm tra cả việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và ghi nhận các đơn vị đã có ý thức nghiêm túc, triển khai phong phú, bảo đảm thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay”.