Giải quyết khó khăn cho Làng bột Sa Đéc
Hệ thống máy sấy dùng điện và năng lượng mặt trời
ĐTO - Người dân làm bột ở Sa Đéc trước nay thường vừa kết hợp làm bột và dùng bột cặn (bột ba) để nuôi heo. Tuy nhiên, từ sau đợt dịch tả heo Châu Phi “càn quét” vừa qua, số lượng đàn heo trên toàn địa bàn chỉ còn hơn 10%. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người chăn nuôi mà còn gây khó khăn trong khâu xử lý lượng bột cặn trong quá trình sản xuất bột của người dân, vì bán không ai mua nhưng đổ xuống kênh, rạch lại gây ô nhiễm môi trường...
Trước tình hình đó, để hỗ trợ người làm bột giải quyết bài toán xử lý bột cặn cũng như giảm ô nhiễm môi trường, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) thuộc Sở Công Thương Đồng Tháp đã thực hiện chương trình hỗ trợ làm điểm tại 2 hộ kinh doanh, sản xuất bột gạo Kim Hương (ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông) và Mười Cười (ấp Phú An, xã Tân Phú Đông). Vừa qua, 2 dự án đã hoàn thành và đi vào nghiệm thu, bước đầu mang lại hiệu quả, giải quyết đầu ra ổn định cho bột cặn tại Làng bột Sa Đéc.
Anh Huỳnh Văn Cười - chủ hộ kinh doanh, sản xuất bột Mười Cười cho biết, trước đây hộ của anh vừa sản xuất bột vừa kết hợp chăn nuôi heo để tận dụng nguồn phụ phẩm cặn bột. Tuy nhiên, sau đợt dịch tả heo Châu Phi, heo chết hết, bột cặn dư thừa không biết bán đi đâu, anh cùng với các thành viên trong Hội quán Làng bột cùng ngồi lại tìm hướng giải quyết. Được sự góp ý của anh em cùng sự hỗ trợ của Trung tâm KC&TVPTCN trong việc xây dựng mô hình máy sấy bột dùng điện và năng lượng mặt trời, anh mạnh dạn đầu tư kinh phí 613,5 triệu đồng (trong đó Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng).
Hệ thống máy sấy bột dùng điện và năng lượng mặt trời gồm những tấm cách âm, cách nhiệt để giữ độ nóng bên trong luôn ở mức 450C, phía trên là những tấm pin năng lượng mặt trời để sử dụng trong những ngày nắng, vào những ngày mưa và ban đêm, hệ thống sẽ chuyển qua sử dụng điện, bên trong là 7 khung đứng với khoảng 300 khay bột. Trong vòng 24 giờ, cứ 2,5 tấn bột cặn ướt sẽ cho ra 1,3 tấn bột cặn khô. “Tuy mới gần 1 tháng đi vào hoạt động nhưng hệ thống máy sấy này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Với công suất sấy 1,3 tấn/ngày (bột cặn khô), ngoài lượng cặn bột của cơ sở (600kg cặn bột mỗi ngày) tôi còn thu gom lượng cặn bột của những hộ sản xuất trong Hội quán Làng bột để sản xuất thêm. Nhờ đó vừa giải quyết bài toán cặn bột tại làng bột, vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường” - anh Mười Cười cho biết.
Cũng là cơ sở được Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng mô hình máy sấy bột dùng điện và năng lượng mặt trời (tổng kinh phí xây dựng dự án là 613,5 triệu đồng), chị Nguyễn Kim Hương - chủ hộ kinh doanh bột gạo Kim Hương (ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông) chia sẻ, việc sấy cặn bột và tiêu thụ như hiện nay giúp lợi nhuận của người làm bột tăng lên rất nhiều. Trước đây khi chưa có máy sấy, cặn bột chỉ được mua với giá 1.000 đồng/kg, có thời điểm heo chết do dịch tả heo Châu Phi, thương lái chỉ mua ở mức 500 đồng/kg, khiến người làm bột càng thêm khó khăn.
Từ khi cặn bột được sấy khô giá bán tăng lên rất nhiều, hiện giá công ty thu mua là 4.000 đồng/kg bột sấy khô nhưng vẫn không đủ bán. “Công ty thức ăn chăn nuôi đang có nhu cầu thu mua cao nên bột sấy ra là họ thu gom hết, hiện mỗi ngày cơ sở sản xuất trên 8 tấn bột khô với lượng phụ phẩm 3 tấn cặn bột mỗi ngày. Nhờ có hệ thống máy sấy này nên lượng phụ phẩm có đầu ra ổn định”.
Nói về dự án hỗ trợ người dân làng bột, bà Võ Thị Kim The - Phó Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh cho biết, trong năm 2019, Trung tâm hỗ trợ 5 thiết bị sấy phụ phẩm bột tại 3 hộ gồm hộ sản xuất kinh doanh bột gạo Trúc Điệp (giai đoạn 1), Mười Cười, Kim Hương (giai đoạn 2). Bước đầu dự án giải quyết được 50% lượng phụ phẩm bột tại Hội quán Làng bột (mỗi ngày các hộ kinh doanh bột tại Hội quán cho ra khoảng 20.000kg bột cặn ướt) và đáp ứng theo yêu cầu sấy bột của thành viên. Tới đây, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ những hộ có nhu cầu và có điều kiện thực hiện dự án đồng thời hoàn thiện mô hình để hỗ trợ tốt hơn cho bà con.
Ngoài hỗ trợ xây dựng mô hình máy sấy bột dùng điện và năng lượng mặt trời cho các hộ sản xuất bột tại Sa Đéc. Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh còn hỗ trợ 50% kinh phí cho hộ kinh doanh Đức Thịnh 1 (ấp Phú Nhuận, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) đầu tư máy đóng gói bột tự động tại đơn vị. Dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động giúp đơn vị rút ngắn được thời gian sản xuất, tăng năng suất đóng gói, nhờ đó đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường.