Giải quyết những hạn chế tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai

'Nếu Đồng Nai không nỗ lực giải quyết các hạn chế liên quan đến bồi thường, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối khu công nghiệp thì công nghiệp của tỉnh rất khó phát triển mạnh, bền vững'.

Công nhân làm việc tại Công ty Cơ khí Động lực Toàn Cầu, khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Công nhân làm việc tại Công ty Cơ khí Động lực Toàn Cầu, khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai tại Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức, chiều 6/3.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị thống kê hệ thống hạ tầng ngoài khu công nghiệp cần đầu tư, giải pháp về nguồn vốn. Từ đó, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, đề ra chủ trương thực hiện nhằm nâng cao chất lượng các khu công nghiệp. Tới đây, ngành chức năng trong tỉnh phải lập lại trật tự phát triển công nghiệp trên địa bàn, không được triển khai dự án công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, dù là tỉnh phát triển công nghiệp lâu đời nhưng công nghiệp Đồng Nai chậm đổi mới. Tỉnh gần như đang “ôm kho” công nghệ lạc hậu, hiệu suất giá trị gia tăng mang lại thấp. Nếu những điều này vẫn tiếp diễn thì công nghiệp Đồng Nai chắc chắn sẽ tụt hậu.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, các khu công nghiệp ở Đồng Nai phải tự làm mới mình, áp dụng chuyển đổi số, giảm phát thải; hoàn thiện hơn nữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cần rà soát lại hệ thống khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, xử lý những hạn chế để nâng chuẩn khu công nghiệp. UBND tỉnh Đồng Nai cũng phải hỗ trợ các khu công nghiệp trong lộ trình chuyển đổi, bởi phát triển khu công nghiệp xanh, cảng xanh, doanh nghiệp xanh là mục tiêu mà Đồng Nai đang hướng tới.

Tại hội nghị, chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp đã trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, như: giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến việc xây dựng hạ tầng; sự kết nối giao thông giữa khu công nghiêp và các tuyến quốc lộ, cao tốc chưa đồng bộ; đề nghị Đồng Nai chấp thuận tăng mật độ xây dựng công trình trong khu công nghiệp.

Theo đại diện chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành), tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 51 vào Khu công nghiệp Long Đức nhỏ hẹp, đã xuống cấp. Điều này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển hàng hóa. Tỉnh cần sớm mở rộng, nâng cấp đường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với hơn 1.450 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn trên 29 tỷ USD. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2024, Đồng Nai đã thu hút gần 440 triệu USD vốn FDI. Khó khăn lớn nhất trong phát triển công nghiệp ở Đồng Nai là vướng giải phóng mặt bằng; quỹ đất cho thuê tại các khu công nghiệp còn rất ít (còn hơn 10%); các khu công nghiệp mới chậm thành lập do vướng thủ tục.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp phát triển, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch xử lý các vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp. Đồng thời, giao trách nhiệm cho các đơn vị xử lý kiện nghị của chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đề ra giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nguyễn Công Phong

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-quyet-nhung-han-che-tai-cac-khu-cong-nghiep-o-dong-nai/325782.html