Giải quyết những vấn đề sát sườn liên quan đến quyền lợi của nhân dân
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, phải đề cao hơn nữa trách nhiệm đầu tư trí tuệ cho Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV để giải quyết những vấn đề sát sườn liên quan đến quyền lợi của nhân dân.
Theo đó, ngày 8/5, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 12 (khóa IX) nhằm cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, đây là một báo cáo rất quan trọng trước Quốc hội đòi hỏi có tính xây dựng, rất thẳng thắn nhưng cũng phải mềm dẻo toàn diện nêu cả những mặt tốt, những điểm còn băn khoăn trăn trở, lo lắng, do vậy việc nâng cao chất lượng của báo cáo, cũng là dịp để nâng cao vị thế, uy tín của MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, sau Hội nghị hôm nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân và một số kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Cùng với đó, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có ý kiến gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành cơ quan chức năng xem xét giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong đời sống của người dân.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đóng góp ý kiến tại Hội nghị.
Hội nghị đã nghe các đại biểu đóng góp các ý kiến hết sức trách nhiệm, tâm huyết và xây dựng. Trong đó, về kiến nghị của Đoàn Chủ tịch, bà Hà Thị Nga đề xuất cần kiến nghị bổ sung để Nhà nước có giải pháp hữu hiệu hơn trong phát hiện, phòng ngừa và giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tiếp tục phát huy các đường dây nóng về phòng chống bạo lực gia đình.
Cùng với đó, cần tổ chức nghiên cứu các mô hình “Nhà tạm lánh”, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực gia đình; cụ thể hóa các giải pháp trong luật, nêu ra những hạn chế bất cập của pháp luật hiện hành nói chung cũng như trong việc sửa đổi Luật phòng chống bạo lực gia đình sắp tới.
Về báo cáo tóm tắt gửi đến đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại một cách thận trọng việc dạy và học môn lịch sử và các chương trình giáo dục phổ thông; trong đó có việc đưa môn lịch sử vào làm môn học bắt buộc.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị.
Đóng góp ý kiến, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, một trong những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của người dân trong thời gian đất nước đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề khiếu kiện của người dân có xu hướng gia tăng.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị, cần xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và tương xứng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của tổ chức và của Nhà nước, từ đó góp phần tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian đại dịch kéo dài, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, ổn định xã hội trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội kiến nghị, dự thảo bảo báo cần quan tâm đến vấn đề quản lý tài nguyên và khoáng sản tránh tình trạng mùa xuân vừa khởi động Tết trồng cây, ngành ngành trồng cây, người người trồng cây thì ngay sau đó lại có những vụ phá rừng với quy mô lớn, quy mô cực lớn.
Ông Lê Truyền - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Ông Trần Đắc Lợi, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị, dự thảo báo cáo cần có sự rà soát, tổng kết lại việc thực hiện Luật Quốc tịch. Vấn đề không phải chỉ bản thân Luật Quốc tịch mà còn hệ thống các văn bản dưới luật gồm nghị định, thông tư, các quy định, cơ chế giải quyết, thái độ của các ngành, các cấp,... Đây là vấn đề mà bà con kiều bào ở nước ngoài rất quan tâm.
Về vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Lê Truyền - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại với hiện tượng các bị can trốn ra nước ngoài vẫn tiếp diễn và ngày càng khó khăn hơn, dẫn đến những lo ngại về các vấn đề liên quan. Do đó, trong báo cáo cần có cách thể hiện vấn đề này như thế nào để giải quyết được những dấu hiệu khó khăn trong phòng, chống tham nhũng, tránh để tiếp diễn tình trạng này trong thời gian tới.
Các đại biểu biểu quyết tại Hội nghị.
Tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân và một số kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV; đồng thời kỳ vọng bản báo cáo của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của cử tri và nhân dân qua đó nâng cao vị thế nâng cao vị thế, uy tín của Mặt trận, để hoạt động của MTTQ Việt Nam ngày càng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
“Phải đề cao hơn nữa trách nhiệm đầu tư trí tuệ, tập trung cho báo cáo này để làm sao thể hiện được đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước, kiến nghị những vấn đề xác đáng, giải quyết những vấn đề sát sườn liên quan đến quyền lợi của nhân dân”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.