Giải quyết tình trạng nuôi nhốt hổ tại nhà dân – dù khó vẫn phải làm

Ở Việt Nam, hình phạt cao nhất từng được ghi nhận là mức phạt 10 năm tù giam cho hành vi vận chuyển trái phép 5 cá thể hổ con đông lạnh và 1 pín hổ.

Tang vật tịch thu tại nhà đối tượng Nguyễn Văn Hiền (Ảnh Phòng Cảnh sát kinh tế CA Tỉnh Nghệ An)

Tang vật tịch thu tại nhà đối tượng Nguyễn Văn Hiền (Ảnh Phòng Cảnh sát kinh tế CA Tỉnh Nghệ An)

Ngày 3/3/2022, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa ra xét xử đối tượng Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1982, trú tại xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) và tuyên phạt đối tượng 7 năm tù giam về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trước đó, ngày 4/8/2021, đối tượng bị phát hiện nuôi nhốt trái phép 14 cá thể hổ trong hầm nhà. Tại cùng thời điểm, các cơ quan chức năng cũng phát hiện một trường hợp nuôi nhốt trái phép 3 cá thể hổ khác tại nhà dân cũng trên địa bàn huyện Yên Thành và vụ án này sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian tới.

Theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, hành vi nuôi nhốt trái phép hổ có thể bị xử phạt lên đến 15 năm tù giam đối với cá nhân. Theo đó, khung hình phạt cho đối tượng nuôi nhốt trái phép từ 1-2 cá thể hổ là từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm tù. Khung hình phạt cho đối tượng nuôi nhốt trái phép từ 3-5 cá thể hổ là từ 5-10 năm tù. Khung hình phạt cho đối tượng nuôi nhốt trái phép từ 6 cá thể hổ là 10-15 năm tù. Mức hình phạt cụ thể của các đối tượng còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác nhau.

Một cá thể hổ là tang vật tịch thu tại nhà đối tượng Nguyễn Văn Hiền (Ảnh Phòng Cảnh sát kinh tế CA Tỉnh Nghệ An)

Một cá thể hổ là tang vật tịch thu tại nhà đối tượng Nguyễn Văn Hiền (Ảnh Phòng Cảnh sát kinh tế CA Tỉnh Nghệ An)

Ở Việt Nam, hình phạt cao nhất đối với hổ từng được ghi nhận tại Việt Nam là mức phạt 10 năm tù giam cho đối tượng Hoàng Đình Quân (trú tại Yên Thành - Nghệ An)bị phát hiện vận chuyển trái phép 5 cá thể hổ con đông lạnh và 1 pín hổ tại Quảng Ninh

Với vụ án vừa xét xử ngày 3/3, chia sẻ về kết quả vụ án, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết: “Mặc dù hi vọng một mức án cao hơn nhưng ENV đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Nghệ An trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng này. ENV tin rằng mức án 7 năm tù giam này sẽ là bài học cảnh tỉnh để các đối tượng đang thực hiện hoạt động nuôi nhốt hổ trái phép từ bỏ hoạt động này”.

Cũng theo bà Hà, tình trạng nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép đã xảy ra trong một thời gian dài trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tập trung tại ba huyện Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu đã được nhiều cơ quan báo chí trong nước và quốc tế phản ánh từ hàng chục năm trước.

Theo đó, năm 2012, một loạt bài phóng sự điều tra của một tờ báo cũng đã phản ánh hoạt động “nuôi hổ như nuôi lợn” tại Nghệ An nhưng đáng tiếc là vấn đề không được xử lý triệt để tại thời điểm đó.

Di chuyển tang vật tịch thu tại nhà đối tượng Nguyễn Văn Hiền (Ảnh Phòng Cảnh sát kinh tế CA Tỉnh Nghệ An)

Di chuyển tang vật tịch thu tại nhà đối tượng Nguyễn Văn Hiền (Ảnh Phòng Cảnh sát kinh tế CA Tỉnh Nghệ An)

“Theo nhiều nguồn tin, hiện nay, có thể vẫn còn hàng trăm cá thể hổ bị nuôi nhốt trái phép tại đây. Hầu hết, các cá thể hổ này được nhập lậu từ Lào khi còn nhỏ và nuôi nhốt trong các căn hầm bí mật của nhiều hộ dân đến khi trưởng thành trước khi bị giết, buôn bán, vận chuyển nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ"”, theo ENV.

Không những vậy, một báo cáo được ENV thực hiện đầu năm 2020 đánh giá các vụ án hình sự được xét xử trong 10 năm qua tại Việt Nam (giai đoạn 2010 – 2019) cũng cho thấy gần 23% trong tổng số khoảng 800 bị cáo được đưa ra xét xử trên cả nước liên quan đến tội phạm về ĐVHD đến từ tỉnh Nghệ An hoặc Hà Tĩnh.

Đặc biệt, trong hầu hết các vụ buôn bán/vận chuyển hổ trái phép bị phát hiện trên cả nước, phần lớn số hổ bị bắt giữ đều được cho là có nguồn gốc từ Nghệ An.

Trong thời gian vừa qua, chính quyền và các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều nỗ lực để bước đầu giải quyết tình trạng này mà những vụ bắt giữ và xét xử gần đây là ví dụ.

Tuy nhiên, việc xóa bỏ hoạt động nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép “đã cắm rễ” tại Nghệ An trong một thời gian quá dài đòi hỏi sự đầu tư, quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc và quyết tâm của tất cả các ban, ngành, đoàn thể có liên quan.

“Hi vọng bản án này sẽ là động lực cho những hành động quyết liệt tiếp theo của toàn hệ thống chính trị nhằm giải quyết triệt để tình trạng nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các tổ chức bảo tồn và cộng đồng mong đợi những chiến công tiếp theo của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc khám phá, bắt giữ những đối tượng cầm đầu và triệt phá đường dây nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép cũng như bản án thích đáng, tạo tính răn đe trong những vụ việc tới đây” - bà Bùi Thị Hà nhấn mạnh.

Minh Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giai-quyet-tinh-trang-nuoi-nhot-ho-tai-nha-dan-du-kho-van-phai-lam-post436411.html