Giải quyết tranh cãi trên bàn tiệc trong dịp lễ Tết

Những cuộc tranh luận thường xảy ra giữa các buổi gặp mặt gia đình, bạn bè. Để tránh rạn nứt tình cảm, giữ hòa khí dịp lễ Tết, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau.

 Những cuộc tranh luận là điều khó tránh khỏi trong các cuộc gặp gỡ mùa lễ hội. Ảnh minh họa: Sam Lion/Pexels.

Những cuộc tranh luận là điều khó tránh khỏi trong các cuộc gặp gỡ mùa lễ hội. Ảnh minh họa: Sam Lion/Pexels.

Trong những buổi họp mặt gia đình, bạn bè dịp lễ, Tết, các chủ đề trò chuyện thường là chính trị, thể thao, thời sự. Đây cũng là những chủ đề dễ gây tranh cãi, hiểu lầm nhất.

Mỗi thành viên trong gia đình, hội bạn đều có ý kiến, quan điểm riêng, dẫn đến những cuộc tranh luận ngoài ý muốn. Một số cuộc cãi vã khiến không khí lễ hội trở nên căng thẳng, gây rạn nứt tình bạn, tình cảm gia đình.

Dựa trên lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, Psychology Today đã đưa ra một số gợi ý giải quyết tranh cãi trên bàn tiệc ngày lễ.

Đề cao giá trị của những người xung quanh

Bạn có thể cho gia đình hoặc bạn bè biết rằng khoảng thời gian đoàn viên, sum vầy này có ý nghĩa đặc biệt như thế nào. Càng trưởng thành, chúng ta càng có ít thời gian cho những mối quan hệ, vì vậy dịp gặp mặt nên được đề cao và trân trọng.

Bạn cũng nên thể hiện sự trân quý khi có cơ hội trò chuyện cùng những người thân yêu nhất. Đừng ngại thể hiện tình cảm chân thành của bạn với họ.

Đánh giá vấn đề từ góc nhìn của người ngoài cuộc

Khi bắt đầu cảm thấy nóng giận, bạn nên kiểm soát cảm xúc của bản thân, tránh nặng lời với những người xung quanh. Bạn có thể hít một hơi thật sâu và thay đổi góc nhìn.

Bạn nên thử đặt mình vào vị trí của một người ngoài cuộc và quan sát tình huống. Dựa trên nghiên cứu của Ethan Kross và James Gross, phương pháp này đã xoa dịu căng thẳng giữa người Israel và người Palestine trong cuộc xung đột ở Trung Đông.

 Đứng từ vị trí của một người ngoài cuộc giúp bạn kiềm chế sự nóng giận và đánh giá vấn đề một cách khách quan hơn. Ảnh minh họa: Julia Larson/Pexels.

Đứng từ vị trí của một người ngoài cuộc giúp bạn kiềm chế sự nóng giận và đánh giá vấn đề một cách khách quan hơn. Ảnh minh họa: Julia Larson/Pexels.

Cư xử lịch sự

Mọi nền văn hóa trên thế giới đều có quy định về phép lịch sự tối thiểu. Đó là nền tảng của tất cả các mối quan hệ xã hội.

Chúng ta nên thể hiện sự tôn trọng với những người xung quanh bằng lời cảm ơn và xin lỗi trong các cuộc hội thoại. Thậm chí, bạn có thể hỏi về cảm xúc, mong muốn, thái độ của đối phương ở một số tình huống cụ thể.

Ngay cả khi cuộc tranh luận xảy ra, bạn cũng cần giữ phép lịch sử cơ bản để tránh xúc phạm những người tham gia cuộc trò chuyện. Lời nói thô lỗ có khả năng gây tổn thương người khác.

Trình bày quan điểm của bạn dưới dạng ý kiến cá nhân

Thay vì cho rằng những điều mình nói là sự thật hiển nhiên, bạn có thể khéo léo bày tỏ quan điểm riêng và không đòi hỏi những người xung quanh phải lập tức chấp nhận.

Điều quan trọng là giữ tinh thần cởi mở để đón nhận những ý kiến khác.

Bạn có thể sử dụng những mẫu câu như “Tôi nghĩ”, “Tôi cho rằng", “Đối với tôi",... Cách nói này cũng thúc đẩy người khác chia sẻ suy nghĩ của bản thân, từ đó kéo dài cuộc trò chuyện dịp lễ Tết.

Kể chuyện

Khi chỉ tường trình một sự kiện với các lập luận cơ bản, bạn khó có thể chạm tới cảm xúc của người nghe. Tuy nhiên, nếu lấy ví dụ bằng cách kể những câu chuyện, bạn hoàn toàn có khả năng thuyết phục và tạo ký ức sâu đậm trong tâm trí người đối diện.

Hai nhà khoa học chính trị David Broockman và Joshua Kalla đã cho thấy sức mạnh của những câu chuyện trong việc khơi dậy sự đồng cảm.

Cụ thể, họ đã thuyết phục thành công các đảng phái chính trị ủng hộ người nhập cư bất hợp pháp và người chuyển giới bằng một số câu chuyện có thật.

 Kể chuyện là cách thức để khơi dậy sự thấu hiểu và đồng cảm từ những người xung quanh. Ảnh minh họa: Samson Katt/Pexels.

Kể chuyện là cách thức để khơi dậy sự thấu hiểu và đồng cảm từ những người xung quanh. Ảnh minh họa: Samson Katt/Pexels.

Khơi dậy sự đồng cảm

Sự đồng cảm giúp chúng ta dễ dàng thấu hiểu và chấp nhận những góc nhìn, quan điểm khác nhau. Để đánh thức sự đồng cảm, bạn có thể yêu cầu người khác nhớ lại những trường hợp tương tự của bản thân.

Ví dụ, một quân nhân Mỹ vốn không có thiện cảm với người chuyển giới được yêu cầu nhớ về một lần bị xa lánh hoặc đối xử bất công.

Sau khi nghĩ về trải nghiệm bị từ chối khi đi xin việc do mắc chứng rối loạn căng thẳng, anh cho biết đã hiểu hơn về những khó khăn mà người chuyển giới phải đối mặt.

Đặt câu hỏi và lắng nghe câu trả lời

Một cuộc trò chuyện không thể tiếp diễn nếu chỉ có một người “thao thao bất tuyệt" về bản thân. Bạn cần khiến đối phương cảm thấy được quan tâm và chú ý bằng cách đặt câu hỏi.

Người khác chỉ muốn chia sẻ nếu nhận thấy bạn sẵn sàng lắng nghe. Khi nghe đối phương, bạn cũng có cơ hội tiếp cận với những quan điểm, kiến thức mới.

Hoạt động trao đổi thông tin và câu chuyện giúp kéo dài cuộc hội thoại trên bàn tiệc mùa lễ Tết.

Kết hợp ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể có vai trò quan trọng trong việc giao tiếp. Thay vì chỉ nói, bạn có thể gật đầu, mỉm cười hoặc giao tiếp bằng ánh mắt.

Những hành động này dễ dàng tạo thiện cảm đối với gia đình, bạn bè. Ngôn ngữ cơ thể cho thấy sự cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, thái độ đồng tình của bạn.

Khi nhận biết được loạt tín hiệu này, những người xung quanh sẽ có xu hướng giao tiếp và chia sẻ nhiều hơn, tránh khoảng lặng trong cuộc trò chuyện.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-quyet-tranh-cai-tren-ban-tiec-trong-dip-le-tet-post1388245.html