Giải quyết triệt để các 'điểm nghẽn', nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 06

Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, địa phương có số lượng dân cư đông, cơ cấu đa dạng, phong phú với hơn 11 triệu nhân khẩu đang thực tế cư trú.

Mặt khác, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau đại dịch COVID-19. Vì vậy, khi bắt đầu triển khai thực hiện Đề án 06/CP, Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố đã xác định đây vừa là điều kiện thuận lợi, vừa là thách thức để thành phố nghiên cứu vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt các giải pháp trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Đề án 06.

Người dân làm thủ tục cấp căn cước công dân tại trụ sở mới Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh.

Người dân làm thủ tục cấp căn cước công dân tại trụ sở mới Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh.

Trong hai năm qua, ngay sau khi Chính phủ triển khai Đề án 06, Thành ủy, UBND thành phố đã xác định Đề án 06 là một trong những công tác cốt lõi để xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đây cũng là nền tảng, động lực giúp thành phố hoàn thành những chương trình, kế hoạch mà Đảng bộ thành phố đề ra.

Ban Chỉ đạo thành phố đã quyết liệt huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn thành phố đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra, nhận được sự đồng tình ủng hộ lớn của người dân và doanh nghiệp trong quá trình đồng hành cùng chính quyền thành phố trong thực hiện những nhiệm vụ được giao của Đề án 06.

Qua thống kê kết quả triển khai 32 nhiệm vụ của Đề án 06 sau 2 năm thực hiện, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành 26 nhiệm vụ; 16 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên; 6 nhiệm vụ đang triển khai. Các giải pháp phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử được khai thác, ứng dụng vào hoạt động của ngành ngân hàng, y tế, giáo dục, tư pháp, lĩnh vực quản lý cư trú…; giải pháp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, tài chính…

Qua thực tế triển khai thực hiện, thành phố ghi nhận một số vướng mắc, khó khăn như: Tình trạng chậm, mất kết nối tạm thời hệ thống dịch vụ công trực tuyến vào những khung giờ cao điểm; thời gian chuyển tiếp hồ sơ đăng ký cư trú giữa các hệ thống có lúc còn chậm trễ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân. Một số hệ thống từ bộ, ngành chưa liên thông, do đó cán bộ phải thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cùng lúc trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và trên hệ thống chuyên ngành của bộ, ngành triển khai.

Khối lượng hồ sơ cần số hóa, lưu trữ điện tử của một số ngành quá lớn (như: Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường…). Hai nhóm thủ tục liên thông “Khai sinh - Khai tử” vẫn còn khó khăn trong việc sao chụp giấy tờ; chưa có sự thống nhất giữa Luật Cư trú và văn bản triển khai thực hiện 2 nhóm liên thông về giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp…

Vì thế, theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong 2 năm tổ chức thực hiện Đề án 06, vận dụng những bài học kinh nghiệm, xác định rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra và tổ chức thực hiện các giải pháp toàn diện, phù hợp, để giải quyết triệt để các “điểm nghẽn”, nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 06 trên địa bàn thành phố.

Trong đó, thủ trưởng các đơn vị khẩn trương rà soát các nhiệm vụ chậm tiến độ theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 thành phố, đánh giá kết quả thực hiện, đề ra giải pháp, lộ trình cụ thể để nhanh chóng hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, kịp thời tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Đề án 06...

Căn cứ các nhiệm vụ được giao và các chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 thành phố cần tham mưu Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2024 đảm bảo cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ thời gian”. Phát huy vai trò của Trung tâm Chuyển đổi số thành phố vừa được thành lập ngày 31/1/2024 trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06, đặc biệt là triển khai thực hiện các mô hình điểm theo Đề án 06 trên địa bàn thành phố.

Đảm bảo bố trí kinh phí thực hiện Đề án 06 trong năm 2024 phục vụ tốt những nhiệm vụ được giao, trong đó quan tâm có chính sách phát triển nguồn nhân lực, các chính sách hỗ trợ về kinh phí cho các thành viên Tổ công tác Đề án 06 các cấp, đặc biệt là Tổ công tác cấp xã. Tham mưu trình HĐND thành phố duyệt ban hành chính sách miễn giảm phí lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thực hiện tốt công tác làm sạch, làm giàu dữ liệu, đảm bảo dữ liệu dân cư và các dữ liệu chuyên ngành luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Rà soát, đánh giá tổng thể cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bổ sung, trang bị ngay các thiết bị cần thiết phục vụ Đề án 06 đảm bảo theo đúng quy chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông; thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến…

Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/giai-quyet-triet-de-cac-diem-nghen-nang-cao-hieu-qua-thuc-hien-de-an-06-i724008/