Giải quyết vấn đề 'được mùa mất giá' cho nông sản Việt mùa thu hoạch

Hiện nay, nhiều loại nông sản đặc sản của các vùng miền, địa phương tại Việt Nam đã được xây dựng thương hiệu, sản xuất theo hướng an toàn và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nan giải.

Khó khăn từ hệ thống phân phối lẫn thị trường tiêu thụ

Dù có sản lượng lớn và chất lượng nông sản ngày càng được cải thiện, nhiều loại đặc sản của các vùng miền, địa phương tại Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, nhất là vào mùa vụ thu hoạch. Các sản phẩm nông sản như mít Sơn Đông, mật ong hoa nhãn hay rau củ quả tại các khu vực như Mê Linh hay Ba Vì đều phải đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá”.

Ông Nguyễn Văn Bất, một nông dân ở xã Đoài Phương (hợp nhất từ xã Kim Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông, thuộc thị xã Sơn Tây) cho biết: "Mít Sơn Đông của chúng tôi nổi tiếng thơm ngon, nhưng vào mùa thu hoạch, số lượng quá lớn khiến giá cả tụt giảm. Thương lái chỉ thu mua với giá thấp, sản phẩm không tiêu thụ hết".

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại xã Vật Lại, khi ông Nguyễn Văn Sơn cho biết mặc dù gia đình ông sở hữu gần 500 đàn ong, sản xuất mật ong chất lượng cao nhờ hoa vải, nhưng vì lượng vải thiều năm nay được mùa, mật ong cũng không tiêu thụ hết, dẫn đến việc giá thành giảm mạnh.

"Thủ phủ" rau Mê Linh cũng không tránh khỏi tình trạng "được mùa mất giá".

"Thủ phủ" rau Mê Linh cũng không tránh khỏi tình trạng "được mùa mất giá".

Tại “thủ phủ” rau Mê Linh, tuy có sản phẩm đa dạng nhưng giá trị kinh tế lại chưa tương xứng với chất lượng. Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đông Cao chia sẻ: "Vào mùa thu hoạch, các sản phẩm rau củ, quả không thể tiêu thụ hết, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”, bởi chúng tôi chỉ bán cho thương lái, chưa ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nên sản phẩm khó tiếp cận các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị".

Theo Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân, việc tiêu thụ nông sản sẽ càng trở nên khó khăn khi vào vụ thu hoạch, đặc biệt khi các sản phẩm từ các tỉnh khác như vải thiều, sầu riêng đổ về thị trường Hà Nội với sản lượng khá lớn.

“Sản lượng sầu riêng năm nay dự kiến đạt hơn 1,5 triệu tấn, vải thiều ước đạt 250.000 tấn, tăng 25% so với năm ngoái. Điều này làm cho nhiều loại trái cây mất giá, kéo theo giá các sản phẩm khác cũng giảm”, ông Dân cho hay.

Tìm kiếm giải pháp

Giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản không phải là chuyện dễ dàng, nhưng theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, một trong những giải pháp quan trọng là phát triển thị trường tiêu thụ bền vững và tăng cường kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm An toàn Tâm Thành chia sẻ: "Doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành với hợp tác xã, hộ nông dân, nhưng điều kiện tiên quyết là phải có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và quy mô lớn, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm".

Theo bà Vân Anh, các địa phương cần tuyên truyền và khuyến khích nông dân giảm tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, nông dân có thể áp dụng canh tác rải vụ, trái vụ để giảm áp lực cho việc tiêu thụ trong các mùa cao điểm, đồng thời nâng cao lợi nhuận. Điều này sẽ giúp các hợp tác xã và nông dân giảm bớt tình trạng sản phẩm thừa khi vào vụ thu hoạch.

Một giải pháp khác là đầu tư công nghệ sau thu hoạch và các thiết bị bảo quản hiện đại. Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở sẽ phối hợp với các địa phương cung cấp thông tin đầy đủ về sản lượng và mùa vụ thu hoạch của các loại nông sản. Các doanh nghiệp trong chuỗi phân phối sẽ có kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ và thúc đẩy tiêu thụ nông sản khi vào chính vụ.

Cùng với việc phát triển các giải pháp truyền thống, Hà Nội đã tiên phong trong việc xây dựng các kênh phân phối trực tuyến thông qua các đối tác như Viettel Post, VNPT Post, và các ứng dụng giao hàng như Grab, GoViet…, giúp nông dân tiếp cận thị trường trong và ngoài Thành phố, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Đây chính là cơ hội để nông dân tận dụng lợi thế công nghệ số nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt sự phụ thuộc vào các thương lái, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc áp dụng các kênh phân phối trực tuyến giúp sản phẩm của họ đến tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý, gia tăng giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.

Để tận dụng tối đa lợi thế từ công nghệ, nông dân cần chủ động nắm bắt các xu hướng mới, học hỏi về kinh doanh trực tuyến và tìm cách liên kết với các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối hiện đại. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu và áp dụng công nghệ trong bảo quản và chế biến sâu các sản phẩm nông sản, đặc biệt là rau quả và các mặt hàng có giá trị cao như trái cây nhiệt đới, sầu riêng, cũng như các sản phẩm chế biến sẵn như mứt và nước ép.

Việc chuyển đổi từ sản phẩm thô sang sản phẩm chế biến sẵn giúp gia tăng giá trị nông sản và mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Hơn nữa, áp dụng công nghệ tiên tiến trong quy trình sản xuất như hệ thống tưới tiêu thông minh, công nghệ sinh học, và các biện pháp bảo vệ cây trồng an toàn sẽ giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giai-quyet-van-de-duoc-mua-mat-gia-cho-nong-san-viet-mua-thu-hoach-d320456.html