Doanh nghiệp thực phẩm chức năng đối mặt nhiều quy định chặt chẽ hơn

Theo đề xuất sửa đổi Nghị định 15, doanh nghiệp thực phẩm chức năng sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện, từ công bố đến chất lượng và quảng cáo sản phẩm.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm với nhiều điểm mới đáng chú ý, nhằm siết chặt công tác kiểm soát đối với nhóm thực phẩm chức năng, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát không chỉ doanh nghiệp phát hành quảng cáo mà cả các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo, trong đó có người nổi tiếng, người có ảnh hưởng (KOLs).

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát không chỉ doanh nghiệp phát hành quảng cáo mà cả các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo, trong đó có người nổi tiếng, người có ảnh hưởng (KOLs).

Theo dự thảo, những sản phẩm thuộc nhóm đặc biệt này sẽ phải được kiểm soát nghiêm ngặt từ giai đoạn nghiên cứu, phát triển cho đến khi lưu thông trên thị trường.

Thành phần, chỉ tiêu an toàn, công dụng của sản phẩm đều phải được đánh giá kỹ lưỡng và bắt buộc đăng ký bản công bố sản phẩm thay vì chỉ tự công bố như hiện nay.

Đồng thời, các cơ sở sản xuất phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương, thay vì chỉ cần điều kiện vệ sinh thông thường, qua đó từng bước tiệm cận mô hình quản lý của các nước phát triển như Liên minh châu Âu.

Hiện nay, theo Nghị định 15, doanh nghiệp có quyền tự công bố sản phẩm và hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về chất lượng, trong khi cơ quan nhà nước chỉ hậu kiểm với phạm vi hạn chế.

Điều này dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp tùy tiện phân loại sản phẩm, ví dụ xếp thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành thực phẩm bổ sung để tránh các quy định chặt chẽ về quảng cáo và kiểm soát chất lượng.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đề xuất yêu cầu cả nhóm thực phẩm bổ sung cũng phải đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, hồ sơ công bố sản phẩm ngoài phiếu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn còn phải kèm theo kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, đảm bảo sản phẩm đúng với công bố, giúp nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Dự thảo quy định rõ vai trò của cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm: phải có ý kiến phản hồi, đăng tải công khai nội dung công bố, xây dựng kế hoạch hậu kiểm và có quyền lấy mẫu giám sát nếu phát hiện vi phạm.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề xuất bổ sung quyền cho cơ quan quản lý được thu hồi giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy công bố sản phẩm; và tạm dừng tiếp nhận hồ sơ hành chính đối với doanh nghiệp chưa chấp hành xong quyết định xử phạt.

Về hoạt động quảng cáo, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát không chỉ doanh nghiệp phát hành quảng cáo mà cả các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo, trong đó có người nổi tiếng, người có ảnh hưởng (KOLs).

Các mối quan hệ tài trợ, hợp tác giữa người quảng cáo và nhà sản xuất sẽ phải được công khai minh bạch. Bộ cũng đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong quảng cáo thực phẩm chức năng để hạn chế gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Công tác hậu kiểm cũng được củng cố với quy định cụ thể về kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất. Các cơ sở kiểm nghiệm được trao quyền chủ động trong việc lấy mẫu giám sát.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kết nối dữ liệu giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm quản lý thống nhất và xuyên suốt.

Một điểm mới đáng chú ý là quy định chặt chẽ với các sản phẩm, nguyên liệu vốn sản xuất để xuất khẩu nhưng sau đó được chuyển tiêu thụ nội địa.

Trước đây, Nghị định 15 chưa có quy định riêng cho nhóm này, khiến nhiều sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn trong nước nhưng vẫn được bán ra thị trường. Dự thảo bổ sung yêu cầu đánh giá lại chất lượng và điều kiện lưu hành trước khi cho phép tiêu thụ trong nước.

Cùng với đó, Bộ Y tế đề xuất làm rõ quy trình kiểm tra thực phẩm nhập khẩu, phân định rõ các trường hợp được miễn kiểm tra, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cảm quan hoặc bắt buộc lấy mẫu nhằm thống nhất cách thực thi và nâng cao hiệu quả quản lý.

Về minh bạch trong công bố sản phẩm, Bộ Y tế yêu cầu chỉ cho phép cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm đứng tên trong hồ sơ công bố. Nếu là đơn vị phân phối thì phải có giấy ủy quyền hợp pháp.

Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng làm giả hồ sơ công bố, mượn danh doanh nghiệp khác để đưa sản phẩm ra thị trường mà không chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Doanh nghiệp cũng sẽ phải giải trình rõ về thành phần phối trộn trong sản phẩm, nhất là với thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Việc kiểm soát thành phần nhằm tránh tình trạng pha trộn quá nhiều hoạt chất không cần thiết, không tương thích hoặc thậm chí có thể gây phản ứng có hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, từ năm 2021 đến nay, thị trường đã ghi nhận hơn 84.000 sản phẩm thực phẩm thông thường và 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó có 29.779 sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 sản phẩm là thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 sản phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và hơn 23.000 thực phẩm bổ sung. Đáng chú ý, hơn 80% sản phẩm là do các cơ sở trong nước sản xuất.

Trong bối cảnh thị trường phát triển mạnh, đa dạng chủng loại và mở rộng nhanh chóng trên các nền tảng thương mại điện tử, việc siết chặt kiểm soát chất lượng, quảng cáo và công bố thông tin sản phẩm là yêu cầu cấp thiết.

Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã xử phạt 87 cơ sở với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng địa phương cũng đã xử lý 20.881 cơ sở với số tiền phạt lên tới hơn 123 tỷ đồng. Đây là minh chứng cho sự quyết liệt trong công tác hậu kiểm, thanh tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm thuộc Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia, chỉ đạo các viện chuyên ngành và các địa phương tăng cường lấy mẫu, giám sát, cảnh báo người tiêu dùng về các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-thuc-pham-chuc-nang-doi-mat-nhieu-quy-dinh-chat-che-hon-d320984.html