Giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân

Thủ tướng Chính phủ đề nghị công tác trọng tâm năm 2023 là tăng cường tạo việc làm; nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân...

Sáng 1-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đồng chủ trì Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề ra nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023 và thời gian tới.

200.000 người mất quyền lợi BHXH

Tại buổi làm việc, lãnh đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang... kiến nghị nhiều nội dung liên quan tới đời sống công nhân lao động (CNLĐ) như giải quyết việc làm, nâng cao đời sống tinh thần, giải quyết nhà ở...

Riêng Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị 10 nhóm vấn đề lớn liên quan đến thể chế, chính sách có tác động lớn đến CNLĐ. Trong đó, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất"; coi chăm lo phúc lợi xã hội về nhà ở cho CNLĐ là một yêu cầu cấp thiết cần được quy định thành chế định riêng trong luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến chủ trì hội nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam vào ngày 1-2

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến chủ trì hội nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam vào ngày 1-2

Bên cạnh huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, cần bố trí thêm ngân sách nhà nước để chăm lo về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho CNLĐ; có cơ chế cho phép doanh nghiệp đông công nhân được phép mua hoặc thuê mua đối với các dự án nhà ở để cho chính CNLĐ của doanh nghiệp đó mua hoặc thuê mua, góp phần an cư lạc nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, trước mắt, trong khi chưa sửa đổi các luật, đề nghị Chính phủ giao Tổng Liên đoàn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để giải quyết kịp thời các bức xúc hiện nay do các vướng mắc liên quan đến chồng chéo, khoảng trống của pháp luật.

Đặc biệt Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH của NLĐ, có giải pháp cụ thể xử lý con số hơn 200.000 NLĐ đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết bảo đảm quyền lợi của NLĐ.

Cải cách chính sách tiền lương

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cấp Công đoàn thực hiện toàn diện các thỏa thuận đã cam kết. "Đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả nhìn thấy, đo đếm được" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý nguồn lực, thời gian có hạn, yêu cầu thì cao, phải chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, thực chất, mang lại hiệu quả cụ thể, đáp ứng những nhu cầu thiết thực của CNLĐ. Năm 2023, Thủ tướng đề nghị tập trung, ưu tiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực cho 3 công việc trọng tâm, đột phá để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ, đó là: tăng cường tạo việc làm cho CNLĐ; nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng cho công nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước; giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân an cư lạc nghiệp và thứ ba là từng bước giải quyết, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe CNLĐ.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tổ chức Công đoàn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đây đều là những đề xuất chính đáng và đang được Chính phủ chỉ đạo giải quyết, xử lý, tuy nhiên kết quả thực hiện chưa đạt mong muốn. Tại hội nghị, Thủ tướng đã giao từng việc cụ thể và yêu cầu các bộ, ngành thúc đẩy thực hiện. Giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", nhất là các chính sách liên quan nhà ở cho công nhân, NLĐ, nhà cho công nhân thuê, mua, thuê mua trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, trong đó có chính sách đối với giáo dục mầm non. Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non cho con công nhân trong thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trình cấp có thẩm quyền về lộ trình thực hiện.

Bảo đảm quyền lợi chính đáng của NLĐ

Về kiến nghị xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện của NLĐ và giải pháp cụ thể bảo đảm quyền lợi của hơn 200.000 NLĐ bị ảnh hưởng, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB-XH thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương kiểm tra, rà soát, báo cáo Thủ tướng về thông tin, số liệu liên quan. Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), trong đó nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi trốn đóng, chậm đóng, trục lợi BHXH nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/giai-quyet-van-de-nha-o-cho-cong-nhan-20230201213640306.htm