Giải quyết vấn đề từ gốc

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 với nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó đề xuất mỗi năm có 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) chất lượng.

Biểu diễn múa rồng. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, mục tiêu về số lượng không khó đạt được, chất lượng mới là vấn đề cần bàn vì chính những cơ quan có thẩm quyền đánh giá cũng nhận định lý luận phê bình chưa có tác động hiệu quả, tích cực đến đời sống VHNT.

Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương (Ban Tuyên giáo Trung ương) mỗi năm đều có một lần trao tặng thưởng, nhiều lần tổ chức tập huấn, hỗ trợ xuất bản công trình nghiên cứu. Chưa kể những hoạt động, giải thưởng của các hội VHNT từ Trung ương đến địa phương, các giải thưởng của trường đại học, viện nghiên cứu... Rõ ràng, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, hỗ trợ lĩnh vực này nhưng chất lượng các công trình nghiên cứu lý luận phê bình VHNT nhiều năm qua chưa được cải thiện.

Cũng như sáng tác, mấu chốt để có công trình lý luận phê bình VHNT chất lượng nằm ở tài năng, năng lực tác giả. Để có tác giả lý luận phê bình thành danh cần nhiều năm đào tạo bài bản trường lớp và thời gian tự đào tạo trong suốt cả quãng đời làm nghề. Cái khó của những người làm nghề lý luận phê bình hiện nay là thiếu nền tảng hỗ trợ để làm nghề.

Bản chất của lý luận phê bình VHNT là khoa học nghiên cứu VHNT. Đã là khoa học thì cần tạo dựng nền tảng sâu rộng để những người làm khoa học làm việc thuận lợi, hiệu quả. Người ta ví von nhà nghiên cứu VHNT ở Việt Nam là "con dao pha" bởi lẽ họ phải làm quá nhiều việc một lúc. Một nhà phê bình không chỉ là nhà phê bình thuần túy mà còn phải là một dịch giả kiêm nhà nghiên cứu lịch sử và lý thuyết về lĩnh vực theo đuổi. Điều này là quá sức và gây mất thời gian cho một nhà phê bình muốn làm nghề một cách nghiêm cẩn. Thay vì chỉ cần sử dụng trực giác nghệ thuật để phân tích tác phẩm sau khi vận dụng nền tảng lý thuyết, lịch sử vấn đề và sử dụng khái niệm, thuật ngữ đã được dịch, biên soạn cẩn thận, tác giả công trình phê bình lại phải mất công dịch tài liệu về lý thuyết nghiên cứu, lịch sử vấn đề, rồi nghiền ngẫm thuật ngữ, khái niệm để hiểu nội hàm của chúng là gì. Có hiểu thấu, sâu rộng mới ứng dụng được nếu không dẫn đến tình trạng viết chung chung hoặc... lung tung. Không tính các lợi ích vật chất, chỉ riêng hành trình vất vả để tạo dựng nền tảng kiến thức làm nghề như vậy nên dễ hiểu vì sao số người theo đuổi lĩnh vực phê bình VHNT ngày càng ít đi; công trình chất lượng nổi bật thi thoảng mới xuất hiện.

Công việc tạo dựng công cụ nền tảng cho khoa học nghiên cứu VHNT chưa được đầu tư chú trọng đúng mức. Bộ “Từ điển văn học” gần đây nhất cũng ra đời cách đây đã... 16 năm; ở các ngành khác còn chưa có từ điển mà tra cứu. Các công trình dịch thuật lý thuyết, lịch sử VHNT quan trọng, mới mẻ trên thế giới rất ít. Đã đến lúc cần phải dành nguồn lực, kinh phí vốn không nhiều để thực hiện công việc này trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa các cá nhân, tập thể có uy tín về chuyên môn.

Xây dựng hiệu quả công cụ nền tảng cho khoa học nghiên cứu VHNT là một đột phá trong lĩnh vực này. Có thể chúng ta sẽ mất 10 năm hoặc lâu hơn nhưng lợi ích để lại là to lớn. Không phải chỉ là một nhóm nhỏ các nhà nghiên cứu VHNT được hưởng lợi mà còn nhiều đối tượng khác. Văn nghệ sĩ hiểu sâu sắc hơn các vấn đề trong VHNT từ đó nảy sinh những đường hướng sáng tác mới mẻ, hiện đại, làm giàu có nền văn nghệ nước nhà. Công chúng quan tâm đến văn nghệ có công cụ để làm giàu hơn kiến thức từ đó thuận lợi hơn trong thưởng thức, nhận định tác phẩm.

Công việc căn cơ này đương nhiên không dễ làm, cần kiên trì trong một thời gian. Nhưng giải quyết từ gốc vấn đề mới giải quyết được một loạt vấn đề khác, để không phải nghe báo cáo về tình trạng chất lượng công trình lý luận phê bình VHNT chưa đáp ứng yêu cầu cứ lặp lại hằng năm.

P.V (theo QĐND)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/189115/giai-quyet-van-de-tu-goc