Giải thích từ ngữ trong dự án luật phải rõ ràng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, chiều 24.5, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam thuộc Tổ 18 đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Bổ sung đối tượng cảnh vệ là cần thiết
Theo tờ trình của Chính phủ, pháp luật hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ: nhóm đối tượng cảnh vệ là con người; nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu; nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.
Đối tượng cảnh vệ là con người gồm cán bộ lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.
Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay, cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Thảo luận về dự án Luật, ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa), ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa), ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) tán thành bổ sung các chức danh Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Lý do là bởi Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Do đó, cần thiết là phải áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ với các đối tượng trên để bảo đảm tương đồng, thống nhất với lãnh đạo chủ chốt, cấp cao khác.
Thế nào là vũ khí thô sơ?
Về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), thực tế qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, các bộ, ngành, UBND và Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tán thành với việc cần thiết phải sửa đổi bổ sung Luật nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân. Tuy nhiên ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) đề nghị quy định rõ hơn thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ. Rà soát các điều khoản quy định về thủ tục hành chính có liên quan. Niêm yết công khai các thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử và việc này cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng, trong Dự án luật, giải thích thế nào là vũ khí thô sơ còn chung chung và chưa rõ ràng. Như vậy sẽ rất khó trong việc xử lý cho nên cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện để có quy định phù hợp hơn.
Tán thành với ý kiến này, ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhấn mạnh, giải thích từ ngữ như Ban soạn thảo đề xuất sẽ gây rất nhiều tranh luận. Giải thích từ ngữ phải rõ ràng hơn, ví dụ như với súng săn, có phải vũ khí quân dụng không và phải quản lý như thế nào? Ban soạn thảo cần làm rõ hơn. Giải thích từ ngữ rất quan trọng vì qua đó mới giải quyết được các vấn đề sau này.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) rất băn khoăn về việc đưa dao vào diện vũ khí thô sơ. Theo đại biểu, khi đã coi dao là vũ khí thô sơ thì nên bổ sung hành vi bị nghiêm cấm. Bên cạnh đó, cần làm rõ thế nào là dao có tính sát thương cao vì thực tế sát thương cao hay không phụ thuộc vào ý chí của người sử dụng.
ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cũng cho rằng, tình trạng sử dụng vũ khí thô sơ gây án chiếm tỷ lệ rất cao nhưng lại không thuộc vũ khí quân dụng, không thuộc diện phải quản lý. Bởi vậy cần thiết phải có chế tài cụ thể đối với vấn đề này.
Đồng quan điểm cần thiết phải có chế tài đối với hành vi sử dụng vũ khí thô sơ, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị bổ sung việc lợi dụng công cụ thô sơ để đe dọa sức khỏe, tính mạng vào diện cấm.
Về các trường hợp vũ khí, công cụ hỗ trợ bị thu hồi, ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm trường hợp sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ không đúng mục đích để ngăn chặn hành vi lợi dụng, lạm dụng việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…