Giai thoại ngôi mộ hơn 200 tuổi, ai đi ngang cũng cúi chào ở Long An

Ngôi mộ cổ ở Long An nổi tiếng linh thiêng, gắn với nhiều câu chuyện khó giải thích khiến người xưa đi ngang phải xuống ngựa, cởi nón cúi chào.

Ngôi mộ cổ ngoài 200 tuổi lọt thỏm dưới nền đất vừa được nâng cao để làm công viên. Ảnh: Hà Nguyễn

Ngôi mộ cổ ngoài 200 tuổi lọt thỏm dưới nền đất vừa được nâng cao để làm công viên. Ảnh: Hà Nguyễn

Ngôi mộ hơn 200 năm tuổi

Trong khuôn viên Di tích khảo cổ học Rạch Núi (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có một ngôi mộ cổ rêu phong, nhuốm màu thời gian.

Phía trước mộ có tấm bia bằng đá hoa cương ghi chữ: Mộ tổ khảo Nguyễn Văn Mỹ, Đức lệnh ông Quan Thánh đế, Cố tổ đại thần Mỹ Đức Hầu, từ trần ngày 16/6 năm Đinh Tỵ (1797).

Phía sau tấm bia là lối vào ngôi mộ với 2 trụ đá ở hai bên. Cạnh mỗi trụ đá có tượng voi phục được tạo tác đẹp mắt, sống động.

Phía trước ngôi mộ có tấm bia ghi thông tin người mất. Ảnh: Hà Nguyễn

Phía trước ngôi mộ có tấm bia ghi thông tin người mất. Ảnh: Hà Nguyễn

Ngôi mộ nằm chính giữa khu đất vuông vức, được bao bọc bởi tường gạch và 4 trụ đá có họa tiết búp sen. Mộ có kích thước lớn, 4 mặt đắp nổi những họa tiết tinh xảo như mây, cuốn thư, hổ phù…

Bên trên ngôi mộ tạo hình mái ngói âm dương. Phía sau mộ là bình phong đắp nổi nhiều họa tiết trang trí bắt mắt.

Người dân địa phương cho biết, ngôi mộ đã có từ rất lâu. Trước đây, mộ nằm trên nền đất cao. Sau này, khu vực được cải tạo nâng cao, lót gạch làm công viên nên ngôi mộ lọt thỏm dưới nền đất.

Tượng voi phục bên cột đá dẫn vào khuôn viên mộ. Ảnh: Hà Nguyễn

Tượng voi phục bên cột đá dẫn vào khuôn viên mộ. Ảnh: Hà Nguyễn

Ngôi mộ được chăm sóc, bảo quản tốt nên gần như còn nguyên vẹn. Các cụ cao niên ở địa phương khẳng định, ngôi mộ cổ là chốn yên nghỉ của ông Nguyễn Văn Mỹ, một quan đại thần thời xưa.

Một vị cao niên ở địa phương quả quyết: “Ở đây không ai không biết mộ cổ Mỹ Đức Hầu Nguyễn Văn Mỹ.

Từ lúc còn là một cậu bé, tôi đã được ông bà kể về ngôi mộ và những giai thoại liên quan. Đến nay, những giai thoại này vẫn được mọi người truyền miệng, kể lại”.

Mặt trước ngôi mộ có họa tiết đắp nổi tinh xảo, đẹp mắt. Ảnh: Hà Nguyễn

Mặt trước ngôi mộ có họa tiết đắp nổi tinh xảo, đẹp mắt. Ảnh: Hà Nguyễn

Cúi đầu chào khi ngang qua mộ

Theo ông cụ, sau khi mất một thời gian, vì có công, ông Mỹ được chúa Nguyễn phong thần nên người dân tôn trọng, kính sợ. Xưa kia, khi đi ngang ngôi mộ của Mỹ Đức Hầu Nguyễn Văn Mỹ, ai cũng phải xuống ngựa, cởi nón, cúi đầu chào.

"Trẻ con trong vùng không ai dám đến gần ngôi mộ. Xưa kia, nhiều học trò trước khi đi thi còn đến mộ ông thắp nhang xin được đỗ đạt bảng vàng.

Những người đi rừng, đi biển cũng đến hương khói, cầu xin được ông che chở cho tai qua nạn khỏi.

Ai cũng tin ông linh thiêng và xem như một vị thánh. Vì thế, trải qua hơn 200 năm, ngôi mộ vẫn còn nguyên vẹn", ông này nói thêm.

Phía trên mộ tạo hình mái ngói âm dương. Ảnh: Hà Nguyễn

Phía trên mộ tạo hình mái ngói âm dương. Ảnh: Hà Nguyễn

Thông tin về ngôi mộ cổ, ông Phan Hoài Bão, Trưởng ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc cho biết: "Ngôi mộ là nơi yên nghỉ của ông Nguyễn Văn Mỹ, một nhân vật có thật tại địa phương.

Tính từ thời điểm ông mất được ghi trên bia mộ là năm 1797, đến nay ngôi mộ đã tồn tại hơn 200 năm. Mộ đã được gia tộc tôn tạo một lần.

Hiện, linh vị của ông Nguyễn Văn Mỹ cùng vợ là bà Võ Thị Châu vẫn được con cháu thờ phụng tại từ đường của gia tộc”.

Từ đường là ngôi nhà cấp 4, diện tích nhỏ nằm ở mặt đường lớn. Bên trong căn nhà có bàn thờ đặt nhiều linh vị bằng gỗ.

Ngôi nhà hiện được anh Nguyễn Hoàng Quân (58 tuổi), cháu đời thứ 8 của ông Nguyễn Văn Mỹ quản lý, chăm sóc.

Anh Nguyễn Hoàng Quân nhận nhiệm vụ chăm sóc ngôi mộ cổ và từ đường. Ảnh: Hà Nguyễn

Anh Nguyễn Hoàng Quân nhận nhiệm vụ chăm sóc ngôi mộ cổ và từ đường. Ảnh: Hà Nguyễn

Trong nhà có bảng tông chi ghi lại một số thông tin về ông Nguyễn Văn Mỹ và vợ là bà Võ Thị Châu. Theo bảng này, ông Mỹ vốn là người huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định xưa.

Ban đầu, ông giữ chức Câu Kê. Năm 1793, ông giữ chức Hữu Tham tri Bộ Hộ. Năm 1797, ông ra Quảng Nam làm việc và mất trong lúc quay trở vào Nam.

Anh Quân cho biết, trước đây mộ có nhiều họa tiết trang trí rất đẹp nhưng nhiều vị trí đã bị bong tróc, hư hại theo thời gian. Ảnh: Hà Nguyễn

Anh Quân cho biết, trước đây mộ có nhiều họa tiết trang trí rất đẹp nhưng nhiều vị trí đã bị bong tróc, hư hại theo thời gian. Ảnh: Hà Nguyễn

"Tôi được nghe nhiều giai thoại về ông. Ngoài việc mọi người phải xuống ngựa chào khi đi ngang qua mộ, ông còn được xem như vị thần bảo vệ người dân bản xứ.

Xưa kia, ai có việc gì khó hay đau bệnh đều đem lễ vật đến trước mộ phần của ông hương khói cầu xin. Lâu lâu tôi vẫn thấy có người đến cúng trả lễ. Ngược lại, người lòng dạ không ngay thẳng, có ý mạo phạm khu mộ thường gặp chuyện không may".

Một góc từ đường thờ linh vị của ông Nguyễn Văn Mỹ và vợ là bà Võ Thị Châu. Ảnh: Hà Nguyễn

Một góc từ đường thờ linh vị của ông Nguyễn Văn Mỹ và vợ là bà Võ Thị Châu. Ảnh: Hà Nguyễn

"Bản thân tôi cũng chứng kiến chuyện lạ xảy ra tại khu mộ của ông", anh kể tiếp.

Anh Quân nhớ lại, lần ấy, có gánh hát đến khu vực gần mộ ông biểu diễn. Họ dựng rạp để biểu diễn. Người của gánh hát chăng dây, buộc vào các góc mộ phần của ông để cố định rạp.

Không ngờ sau khi chăng dây xong, gió lớn nổi lên. Các dây chăng vào mộ phần của ông đều đứt hết, khiến rạp hát bị sập. Điều đặc biệt, xung quanh rạp hát, cây cối vẫn bình thường, không gẫy cành, rụng lá.

"Hiện nay, vào ngày Rằm tháng 6 hằng năm, gia đình, dòng tộc vẫn làm mâm cơm cúng ông. Theo truyền thống của gia tộc, chúng tôi chỉ làm bữa cơm chay thanh tịnh để dâng lên cho ông", anh Quân nói.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giai-thoai-ngoi-mo-hon-200-tuoi-ai-di-ngang-cung-cui-chao-o-long-an-2375096.html