Giải thưởng Cánh diều Vàng 2024: Nỗ lực đổi mới để bay xa
Theo thông tin tại cuộc họp báo vừa diễn ra tại Hà Nội, giải thưởng Cánh diều Vàng 2024 sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 10/9 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Với số lượng tác phẩm tham gia vượt trội cùng những đổi mới về cách thức tổ chức, giải thưởng được kỳ vọng mang đến sự hấp dẫn, thú vị cho khán giả và ý nghĩa với người làm nghề.
1.Cánh diều Vàng - giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam năm nay đánh dấu năm thứ 3 của sự đổi mới. Thay vì tổ chức vào tháng 3 và luân phiên địa điểm tổ chức theo từng năm thì bắt đầu từ năm 2022 được ấn định tổ chức vào tháng 9 và tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Việc thay đổi này được đánh giá là phù hợp, thuận lợi cả về mặt thời tiết, khí hậu cũng như để tập trung xây dựng thương hiệu cho một sự kiện điện ảnh. Trong bối cảnh nền công nghiệp văn hóa đặt mục tiêu phát huy tiềm năng sự liên kết chặt chẽ giữa điện ảnh và du lịch.
Theo ban tổ chức, giải thưởng vẫn hướng đến tiêu chí đề cao tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật, mang dấu ấn sáng tạo trong ngôn ngữ biểu hiện, đạt hiệu quả xã hội tích cực và cá nhân tác giả, nghệ sĩ, người làm phim có đóng góp nổi bật trong sáng tạo tác phẩm. Với mục đích lan tỏa sự kiện văn hóa tới đông đảo công chúng, mang tới những hiệu quả thiết thực, ban tổ chức tăng cường sự tương tác với công chúng, doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu tác phẩm, giao lưu nghệ sĩ, người làm phim với khán giả. Từ đó, triển khai những hoạt động có sự tham gia của nghệ sĩ, người nổi tiếng vào những hoạt động xã hội, thiện nguyện, bảo vệ môi trường... Dự kiến sĩ có khoảng 1.000 đại biểu, nghệ sĩ, diễn viên trong nước và quốc tế sẽ đến với thành phố biển Nha Trang.
Giải thưởng Cánh diều Vàng năm nay có các hoạt động thu hút công chúng và những người làm nghề như: Chiếu phim tham dự (từ ngày 3 đến 9/9), talkshow về các tác phẩm dự Cánh diều 2024 trên fanpage của Hội Điện ảnh Việt Nam, chương trình giao lưu nghệ sĩ với khán giả... Đặc biệt, Hội thảo "Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm một chặng đường" sẽ mang đến những đánh giá tổng quan về điện ảnh nước nhà nửa thế kỷ qua. Đây là dịp để các nhà làm phim, chuyên gia về điện ảnh cùng trao đổi, thảo luận để nêu bật những thành tựu của Điện ảnh Việt Nam 50 năm qua. Đồng thời, cũng làm rõ những tồn tại, hạn chế của điện ảnh trong nước và đề xuất các giải pháp để công nghiệp điện ảnh - một ngành kinh tế văn hóa mũi nhọn có sự phát triển đột phá.
"Bức tường danh vọng" được ví như điểm nhấn thú vị trong khuôn khổ giải thưởng nhằm vinh danh những tác phẩm, cá nhân giành giải thưởng Cánh diều Vàng 20 năm qua (2003-2022) với 433 ngôi sao là 107 tác phẩm, 297 cá nhân tác giả, nghệ sĩ, người làm phim xuất sắc và 29 nhà điện ảnh gạo cội đã cống hiến đặc biệt xuất sắc cho nền điện ảnh Việt Nam. Được biết, tham dự Cánh diều Vàng còn có các nhà làm phim quốc tế đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Azerbaijan... Thảm đỏ và lễ trao giải được tổ chức mới lạ, quy mô và hấp dẫn tại quảng trường Nhà hát Dó, TP Nha Trang.
Về cơ cấu giải thưởng, ban tổ chức sẽ trao Cánh diều Vàng, Cánh diều Bạc và bằng khen cho các tác phẩm xuất sắc nhất thuộc các thể loại: Phim ngắn, phim hoạt hình, phim khoa học, phim tài liệu, phim truyện truyền hình, phim truyện điện ảnh và công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh - truyền hình. Ngoài ra, là những giải thưởng cá nhân cho biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên nam/nữ chính, phụ...
2.Theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho đến thời điểm này đã có 161 tác phẩm tham gia tranh giải. Trong đó có 16 phim truyện điện ảnh, 18 phim truyện truyền hình, 41 phim tài liệu, 18 phim khoa học, 14 phim hoạt hình, 50 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình. "Số lượng phim tham dự giải nhiều nhất từ trước đến nay cho thấy uy tín của giải thưởng ngày càng thu hút sự chú ý của các nghệ sĩ và các nhà làm phim. Trong đó, vượt trội về số lượng của phim ngắn, phim tài liệu và phim khoa học. Các bộ phim có đề tài phong phú, thể loại đa dạng, có phim Nhà nước đặt hàng và phim của các hãng tư nhân, có phim nghệ thuật và phim thương mại" - ông Đỗ Lệnh Hùng Tú đánh giá.
Nhìn từ hạng mục phim truyện điện ảnh, có thể thấy một số đại diện tiêu biểu tham gia tranh giải như thuộc dòng phim nhà nước có "Đào, phở và piano" (đạo diễn Phi Tiến Sơn), "Hồng Hà nữ sĩ" (đạo diễn Nguyễn Đức Việt), "Vầng trăng thơ ấu" (đạo diễn Hồ Ngọc Xum)... Đại diện của dòng phim tư nhân có "Sáng đèn", "Quỷ cẩu", "Cái giá của hạnh phúc", "Án mạng lầu 4", "Đóa hoa mong manh", "Gặp lại chị bầu", "Mùa hè đẹp nhất"... Trong số đó, có những bộ phim có được hiệu ứng khán giả cũng như doanh thu tốt như "Đào, phở và piano", "Gặp lại chị bầu"...
Giải thưởng năm nay cũng ghi nhận sự có mặt của "Cu li không bao giờ khóc" - bộ phim từng nhận giải thưởng "Phim đầu tay xuất sắc" tại LHP Berlin lần thứ 74, "Phim châu Á hay nhất" lại LHP châu Á Đà Nẵng 2024. Tuy nhiên, cho tới thời điểm họp báo thì trong danh sách phim tham dự không thấy có sự tham gia tranh giải của "Mai" (đạo diễn Trấn Thành) và "Lật mặt 7: một điều ước" (đạo diễn Lý Hải). Đây là 2 bộ phim đã tạo được cơn sốt phòng vé với doanh thu khủng trong thời gian vừa qua. Không biết đâu là lý do nhà sản xuất các phim này không gửi tham dự giải thưởng Cánh diều.
Thực tế, từng có thời điểm có hiện tượng nhiều nhà sản xuất dòng phim giải trí không mặn mà với giải thưởng Cánh diều. Có lẽ, bắt nguồn từ quan niệm trước đây cho rằng đây là giải thưởng của "giới nhà nghề", thiên về nghệ thuật hơn là giải trí. Tuy nhiên, sau này, có khá nhiều giải thưởng dành cho những bộ phim có hiệu ứng khán giả tốt, hài hòa giữa nghệ thuật và giải trí thì tâm lý này đã được cải thiện. Mỗi mùa Cánh diều đi qua, đều ghi nhận sự tham gia nhiệt tình hơn của nhiều nhà làm phim giải trí cũng như của dòng phim độc lập.
Hạng mục phim truyền hình năm nay ghi nhận sự có mặt của nhiều "anh tài" như "Gia đình mình vui bất thình lình", "Cuộc đời vẫn đẹp sao", "Chúng ta của 8 năm sau", "Cuộc chiến không giới tuyến", "Gặp em ngày nắng", "Người một nhà", "Trạm cứu hộ trái tim", "Biệt dược đen"... Đặc biệt, năm nay, điện ảnh CAND góp mặt với đại diện là "Đội điều tra số 7". Đây cũng là bộ phim đánh dấu sự trở lại của điện ảnh CAND sau một thời gian vắng bóng ở mảng phim truyền hình. Truyền hình K+ với "Tết ở làng địa ngục", "Đi về phía lửa" và "Nhà mình lạ lắm". Đài truyền hình SCTV tham gia 2 phim là "Nữ luật sư", "Tình yêu đến cùng gió biển".
Nhìn vào danh sách những bộ phim truyền hình tham dự giải thưởng Cánh diều năm nay có thể thấy sự phát triển cả về chất và lượng. Hầu hết đều là những bộ phim nhận được sự yêu mến của khán giả. Điều này cũng mang đến bài toán khó với những nhà "cầm cân nảy mực" vì nhiều bộ phim ngang tài ngang sức. Tuy nhiên, với 11 phim tham gia tranh giải, Hãng Phim truyền hình Việt Nam (VFC) gần như áp đảo hạng mục. Phim của đại diện phía Nam khá ít, chỉ có "Miền quên lãng" của Hãng phim Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS).
Sự chênh lệch này phản ánh đúng thực tế bức tranh sản xuất phim truyền hình thời gian vừa qua. Trong khi phía Bắc khá sôi động với liên tục các dự án phim được đưa vào sản xuất và phát sóng thì phía Nam lại khá im ắng. Đây cũng là nguyên nhân khiến một loạt nghệ sĩ, diễn viên phía Nam phải "Bắc tiến" để có thể góp mặt ở những dự án "phim giờ vàng". Sự mất cân bằng này đặt ra trăn trở cho các nhà làm phim làm thế nào để mảng phim truyền hình phía Nam lấy lại được phong độ vốn có, để cho bức tranh phim truyền hình thêm phong phú, đa sắc và hấp dẫn.
Với thế mạnh của một sự kiện văn hóa hấp dẫn khán giả bởi sự có mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, đại diện tỉnh Khánh Hòa cho biết đây sẽ là cơ hội để địa phương quảng bá hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh du lịch. Nghệ sĩ Quyền Linh, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng khẳng định mùa giải năm nay phong phú về hoạt động, đổi mới về nội dung theo hướng vừa đảm bảo tính chuyên môn cao, vừa tương tác rộng với khán giả. Trong các hoạt động có sự tham gia tích cực của nghệ sĩ, người làm phim với cộng đồng người yêu thích điện ảnh thông qua các nền tảng truyền thông và mạng xã hội.