Giải thưởng Nhà nước cho soạn giả cải lương, tại sao không?
Họ là những soạn giả sáng tác nhiều kịch bản giá trị, góp phần làm nên nền nghệ thuật cải lương rực rỡ hơn 100 năm qua, xứng đáng được xét trao Giải thưởng Nhà nước
Hội Sân khấu TP HCM đã gửi đơn đến Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương kiến nghị xem xét trao Giải thưởng Nhà nước trong đợt này cho một số soạn giả có nhiều tác phẩm giá trị, đóng góp cho sân khấu cải lương Nam Bộ: Viễn Châu (tức danh cầm đàn tranh - NSND Bảy Bá), Hà Triều - Hoa Phượng, Năm Châu, Kiên Giang, Thu An, Hoàng Khâm, Điêu Huyền, Nhị Kiều, Yên Lang, Thế Châu…
Chưa công bằng với các "thầy tuồng"
Những soạn giả cải lương nêu trên xứng đáng được xét trao Giải thưởng Nhà nước về sáng tác văn học - nghệ thuật. Thế nhưng, đến nay, một số người được xem là "thầy tuồng" lừng danh ở miền Nam, có nhiều tác phẩm mang tầm vóc lớn trong quá trình phát triển sân khấu cải lương, đặt nền tảng cho những khuynh hướng sáng tác mới, đã bị bỏ quên.
Những kịch bản sân khấu của các soạn giả cải lương kể trên đều có tác dụng tốt về giáo dục, xây dựng nhân cách, nâng cao trình độ thẩm mỹ trong đời sống nhân dân. Hàng trăm tác phẩm của họ đã góp phần tích cực vào việc phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thế nhưng, từ khi những quy định trong Tiêu chuẩn xét tặng "Giải thưởng Nhà nước" về văn học - nghệ thuật của Nghị định 133/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 90/2014/NĐ-CP về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học - nghệ thuật được đưa ra, nhiều soạn giả cải lương bị rớt lại do không đủ các tiêu chuẩn xét giải. Cụ thể: các tác phẩm phải được tặng giải nhất, nhì, ba (giải A, B, C hoặc giải Vàng, Bạc, Đồng) tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học - nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức; hoặc được tặng giải nhất, nhì, ba (giải A, B, C hay giải Vàng, Bạc, Đồng) của Hội Văn học - nghệ thuật chuyên ngành trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành; hoặc được tặng giải thưởng chính tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế có uy tín.
NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhìn nhận: "Đang có sự thiếu công bằng trong việc vinh danh, đánh giá các soạn giả cải lương thế hệ trước, vì theo quy định này, họ không bao giờ đủ tiêu chuẩn. Dù tác phẩm của họ có giá trị đến đâu, sức lan tỏa trong đời sống xã hội lớn mức nào cũng khó lòng có được huy chương, giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu cấp quốc gia, quốc tế. Trong khi đó, với các hội thi, liên hoan thì họ không được mời".
Cũng theo ông Giàu, việc soạn giả Viễn Châu không được đánh giá - đúng là một thiệt thòi, dù ông đã để lại cho đời hơn 2.000 bài vọng cổ, 70 kịch bản cải lương nổi tiếng. NSND Nguyễn Thành Châu (soạn giả Năm Châu) chưa được xem xét cũng vì quy định này, dù ông là cha đẻ của khuynh hướng sáng tác sân khấu "Thật và Đẹp", để ngày nay rất nhiều đơn vị nghệ thuật từ công lập đến xã hội hóa noi theo.
Xét cống hiến nên thông qua tác phẩm
Họ là những soạn giả một thời được gọi là thầy tuồng, đã "dát vàng" cho biết bao thế hệ nghệ sĩ tài năng, đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ "thế hệ vàng" của cải lương miền Nam vụt sáng với sức lan tỏa rộng khắp cho đến ngày nay.
NSND Ngọc Giàu bức xúc: "Soạn giả Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, Kiên Giang… là bậc thầy của chúng tôi - những nghệ sĩ mà khán giả gọi là "thế hệ vàng" của sân khấu cải lương. Các ông ấy làm gì có điều kiện để tham dự hội diễn, liên hoan, nhất là khi quy định này ra đời, có người đã về trời, có người tuổi cao sức yếu, không còn đủ sức để sáng tác. Theo tôi, nhà nước nên xét trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho quá trình cống hiến thông qua tác phẩm của họ".
Theo NSND Lệ Thủy, nếu áp những quy định như các soạn giả phải có vở diễn đi dự hội diễn đoạt huy chương thì mới xem đó là thành tích, hoặc kịch bản phải được in thành sách, tuyển tập, được trao giải thưởng của hội chuyên ngành mới được xem là công trình để xem xét trao Giải thưởng Nhà nước…, thì đánh giá chưa công bằng. Bởi lẽ, giai đoạn các hội diễn được tổ chức, các soạn giả đã lớn tuổi, không có điều kiện mang tác phẩm của mình đi thi để đáp ứng việc xét tặng giải theo yêu cầu bây giờ. "Nếu cứ quy định cứng nhắc như vậy, nhà nước sẽ bỏ quên sự đóng góp to lớn của các soạn giả cải lương là bậc thầy của chúng tôi" - NSND Lệ Thủy nhìn nhận.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng kho tàng sân khấu cải lương hôm nay thừa hưởng từ sự sáng tác của thế hệ soạn giả giỏi nghề mà đến bây giờ, người ta vẫn ca diễn, vẫn dàn dựng, vẫn sử dụng để bán vé doanh thu là một điều cần phải ghi nhận. Việc xét trao Giải thưởng Nhà nước cho soạn giả cải lương là xứng đáng!
Nhiều kịch bản cải lương để đời
Nhắc đến những kịch bản để đời của các soạn giả cải lương nổi tiếng ở miền Nam, khán giả mộ điệu luôn dành tình cảm cho họ và tác phẩm của họ. Trên thực tế, rất nhiều tác phẩm của các soạn giả đã trở thành kinh điển, đi vào đời sống sân khấu, trở thành khuôn mẫu trong sáng tác, đào tạo thế hệ trẻ.
Đó là "Tình mẫu tử", "Nát cánh hoa rừng", "Hoa mộc lan", "Một ngày làm vua"... (soạn giả Viễn Châu); "Sân khấu về khuya", "Khi người điên biết yêu", "Men rượu hương tình", "Vợ và tình"... (Năm Châu); "Áo cưới trước cổng chùa", "Quán gấm đầu làng"... (Kiên Giang), "Con cò trắng", "Gánh cỏ sông Hàn", "Tiếng trống sang canh", "Hai chiều ly biệt"... (Thu An); "Tiếng hò sông Hậu", "Khách sạn Hào Hoa", "Tìm lại cuộc đời", "Chim Việt cành Nam", "Cây sầu riêng trổ bông", "Ánh lửa rừng khuya"... (Điêu Huyền); "Truyền thuyết tình yêu", "Nắng sớm mưa chiều", "Mạnh Lệ Quân", "Mùa thu lá bay"... (Nhị Kiều); "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn", "Đêm lạnh chùa hoang", "Máu nhuộm sân chùa"... (Yên Lang); "Thảm kịch tuổi xanh", "Người đẹp Bạch Hoa Thôn""… (Hoàng Khâm); "Bên cầu dệt lụa", "Chắp cánh chim bằng", "Quang Trung hoàng đế" (Thế Châu)…