Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ mở rộng cho tác giả không có quốc tịch Mỹ
Theo sau các giải thưởng văn học khác, Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ đã quyết định bãi bỏ tiêu chí quốc tịch Mỹ với các tác giả tham gia tranh giải.
Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ ra đời vào năm 1950 hướng đến mục tiêu tôn vinh những tác phẩm hay nhất ở Mỹ. Trong phần lớn lịch sử, giải thưởng định nghĩa văn học Mỹ là những cuốn sách do công dân quốc tịch Mỹ viết.
Mở rộng tiêu chí tác giả đủ điều kiện
Theo The New York Times, ngày 15/2, Quỹ Sách Quốc gia (National Book Foundation) - cơ quan quản lý giải thưởng đã thông báo rằng họ sẽ bỏ tiêu chí quốc tịch Mỹ. Tiêu chí mới nêu rõ rằng “bên cạnh tác giả có quốc tịch Mỹ, tác giả sinh sống chủ yếu, lâu dài ở Mỹ, các vùng lãnh thổ của Mỹ hoặc các vùng đất của bộ lạc giờ đây sẽ đủ điều kiện để xét giải”.
Các tiêu chí cập nhật sẽ có hiệu lực vào tháng tới khi Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 75 mở nhận tác phẩm tranh giải. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 11 bao gồm các giải hạng mục tiểu thuyết, phi hư cấu, thơ ca, văn học dịch và văn học cho giới trẻ.
Tiêu chí quốc tịch Mỹ của Giải thưởng Sách Quốc gia đã trở thành chủ đề thảo luận của các nhân viên và hội đồng quản trị của quỹ vào mùa hè năm ngoái. Chủ tịch hội đồng quản trị David Steinberger cho biết vào tháng 12, hội đồng gồm 20 người đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ sự thay đổi này.
Từ trước khi có quyết định tháng 12, Quỹ Sách Quốc gia đã hướng tới bãi bỏ yêu cầu này. Năm 2018, Quỹ đã thiết lập quy trình để các nhà xuất bản gửi tác phẩm của các nhà văn không phải là công dân Mỹ. Các nhà xuất bản phải chứng thực rằng nhà văn đã sống ở Mỹ ít nhất một thập kỷ và tác giả đang nỗ để xin quốc tịch Mỹ, hoặc không có phương thức hợp pháp nào để làm vậy. Song từ nay quỹ sẽ không còn hỏi các nhà văn đã sống ở Mỹ bao lâu hay liệu họ có đang xin quốc tịch hay không.
Giám đốc điều hành của Quỹ Sách Quốc gia Ruth Dickey kỳ vọng thay đổi này sẽ giúp mở rộng cách ngành sách định nghĩa nền văn học Mỹ. Bà nói: “Chúng tôi đều suy nghĩ làm thế nào để xem xét bao quát nhất về văn học của một địa danh và các nhà văn đóng góp cho địa danh đó? Ta định nghĩa thế nào về các nhà văn thuộc cộng đồng văn học của mình và loại trừ ai khi vạch ra những ranh giới nhất định?”
Theo bước các giải thưởng và tổ chức khác
Thay đổi này của Giải thưởng Sách Quốc gia theo bước các giải thưởng và tổ chức văn học lớn khác. Học viện Nhà thơ Mỹ (Academy of American Poets) và Quỹ Thơ (Poetry Foundation) đã mở rộng giải thưởng của mình cho thơ của người nhập cư có tư cách pháp nhân tạm thời.
Mùa thu năm ngoái, ban quản lý Giải thưởng Pulitzer cho biết bắt đầu từ năm 2025, cư dân thường trú và sống lâu năm tại Mỹ sẽ đủ điều kiện nhận các giải thưởng về văn học, kịch nghệ và âm nhạc. Trước đây các hạng mục này chỉ dành cho công dân Mỹ, còn các hạng mục báo chí dành cho cả những người không phải công dân Mỹ nhưng có tác phẩm được truyền thông Mỹ đăng tải.
Thay đổi này của các giải thưởng văn học Mỹ có thể hướng sự chú ý đến tác phẩm của người nhập cư trong bối cảnh việc nhập cư và địa vị của người nhập cư ở Mỹ trở thành vấn đề chính trị-xã hội nhiều biến động.
Dickey nói: “Dù ở bất kỳ thời điểm lịch sử phức tạp nào, chúng ta đều cần những câu chuyện đáng suy ngẫm từ đa dạng góc nhìn”. Theo đó việc mở rộng các giải thưởng sẽ giúp “tôn vinh và ca ngợi nhiều câu chuyện và tiếng nói hơn nữa”.
Một số văn nhân nghệ sĩ đã vận động hành lang để các giải thưởng văn học Mỹ thay đổi tiêu chí người đề cử. Có những người gửi thư ngỏ tới hội đồng Pulitzer vào mùa hè năm ngoái, yêu cầu mở rộng giải thưởng cho người nhập cư và nhà văn không có giấy tờ.
Ingrid Rojas Contreras, người lọt vào vòng chung kết Pulitzer năm ngoái với hồi ký The Man Who Could Move Clouds, viết trong thư: “Chúng tôi có nghĩa vụ đặt ra câu hỏi điều gì tạo nên nền văn học của một quốc gia... chúng tôi tin rằng cần phải tránh xa những định nghĩa mà Nhà nước đưa ra về những gì mà Nhà nước cho là cấu thành nên tính vị kỷ (selfhood) của nước Mỹ”.
Bức thư nhận được chữ ký của hàng trăm tác giả, trong đó có Nana Kwame Adjei-Brenyah, Angie Cruz và Javier Zamora - người đã có tiểu luận đăng trên tờ The Los Angeles Times bày tỏ sự thất vọng rằng cuốn hồi ký nổi tiếng của ông, Solito, không đủ điều kiện tranh giải Pulitzer vì tiêu chí quốc tịch Mỹ.