Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 23 năm 2023: Những cây sáng kiến thành danh từ lao động

Sáng kiến kỹ thuật 'Giải pháp chặn cống hộp' của kỹ sư Đặng Văn Song, Phó Giám đốc Chi nhánh thoát nước Tây thành phố (Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM), không những mỗi năm làm lợi cho công ty trên 2 tỷ đồng mà còn giúp bảo đảm an toàn lao động cho công nhân làm việc dưới cống sâu.

Sáng kiến làm lợi tiền tỷ

Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM được giao nhiệm vụ quản lý, duy tu nạo vét nhiều tuyến cống trên địa bàn thành phố. Các tuyến cống hộp đều nằm sâu, lại thường xuyên bị ngập nước nên mỗi khi duy tu, nạo vét phải ngăn chặn, bơm nước để thi công. Tuy nhiên, công việc chặn dòng theo phương pháp thủ công gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Để chặn một vị trí, công ty phải bố trí 8 công nhân và 2 tài xế thực hiện.

Công nhân đưa từ 5-10m3 cát vào 400-600 bao tải, rồi thả xuống dưới cống hộp. Bên dưới, công nhân ngâm mình trong nước bẩn để xếp từng bao cát thành tường ngăn nước. Khi nạo vét xong, công nhân tiếp tục vất vả tháo dỡ, đưa toàn bộ cát lên bờ. Những hôm trời mưa cùng triều cường, nước dâng cao làm trôi bao cát vào lòng cống, vừa tốn kém tiền của lại nguy hiểm cho người lao động.

Trưởng thành từ thực tiễn, cảm thấu nỗi nhọc nhằn và nguy hiểm của người lao động, sau nhiều đêm không ngủ, kỹ sư Đặng Văn Song đưa ra giải pháp sản xuất tấm chặn cống hộp để chặn dòng và chủ động điều tiết nước khi mưa lớn kết hợp với triều cường. Tấm chặn cống hộp có độ kín cao, tháo lắp dễ dàng, vận hành an toàn và giảm sự nặng nhọc cho người công nhân.

Công trình khoa học đã mang lại hiệu quả tích cực khi công ty áp dụng tấm chặn cống hộp vào công việc. Thời gian chặn dòng, bơm nước ở mỗi địa điểm từ 4 ngày rút ngắn còn 1 giờ. Thời gian tháo dỡ sau thi công từ 1 ngày xuống còn 15 phút. Công ty tiết kiệm được 48,6 ngày công, hơn 180 lít nhiên liệu trong mỗi lần chặn dòng. Sáng kiến không những mỗi năm làm lợi cho công ty trên 2,5 tỷ đồng, còn giúp công nhân chủ động làm việc trong những lúc trời mưa, triều cường.

Cử nhân Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM), được định danh “cây sáng kiến” với đề tài “Thí điểm tổ chức thu gom, trung chuyển và chuyển giao xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường”. Với sáng kiến này, chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom, đưa vào băng chuyền qua tuyển từ để tách kim loại, đến máy nghiền tinh, rồi đến kho chứa.

Công trình khoa học của anh Cao Văn Tuấn đã mang lại hiệu quả trên nhiều mặt. Kết quả kiểm tra tại các quận, huyện đã triển khai thí điểm mô hình cho thấy, nạn đổ trộm chất thải rắn công nghiệp thông thường ra vỉa hè, bãi đất trống, kênh rạch giảm nhiều và ý thức bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải, người dân được nâng cao rõ rệt. Sáng kiến “Tổ chức mô hình mạng lưới thu gom và xử lý tái chế chất thải rắn công nghiệp thông thường” đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trên 10 tỷ đồng và làm lợi cho công ty 8,4 tỷ đồng.

Vừa hồng vừa chuyên

Thi đua sáng tạo, phát huy sáng kiến đã trở thành “một phần cuộc sống” đối với kỹ sư Đặng Văn Song. Ngoài công tác quản lý, Phó Giám đốc Chi nhánh thoát nước Tây thành phố (Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM) Đặng Văn Song cũng thường xuyên bám hiện trường, dành nhiều thời gian suy nghĩ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để giảm vất vả cho công nhân và tăng hiệu quả hoạt động cho đơn vị. Nhiều năm liên tục, kỹ sư Đặng Văn Song đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật, được triển khai áp dụng, mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn, năm 2018, kỹ sư Đặng Văn Song đưa ra sáng kiến “Thanh chuyền quay lòng cống cải tiến”; năm 2019 là sáng kiến “Cầu phá mỡ trong lòng cống tròn”; và năm 2020 là sáng kiến “Van chặn nước đặt ngược trong lòng cống tròn”.

Tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh nhưng anh Cao Văn Tuấn say mê và thành danh với những công trình sáng tạo, sáng kiến nặng về kỹ thuật. Sức sáng tạo của Trưởng Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM) Cao Văn Tuấn thật đáng nể. Trong 4 năm, từ năm 2019 đến năm 2022, anh Cao Văn Tuấn có 9 đề tài kỹ thuật được công nhận, mang lại hiệu quả cao.

Dấu ấn của cây sáng kiến Cao Văn Tuấn không chỉ là đề tài kỹ thuật làm lợi cho TPHCM, đơn vị hàng chục tỷ đồng mà còn ở những lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo đa dạng và có tính ứng dụng cao. Trong lĩnh vực phòng chống dịch Covid-19, anh có những đề tài “Tái sử dụng hóa chất thải làm chế phẩm khử mùi”, “Chế tạo máy rửa tay diệt khuẩn tự động”, “Pha chế dung dịch khử khuẩn bề mặt dụng cụ, thiết bị”…

Trong lĩnh vực công nghệ, anh có nhiều đề tài sáng kiến, như “Thiết kế brochure giới thiệu quảng cáo hoạt động của công ty”, “Giải pháp phối hợp nâng cấp và hoàn thiện website công ty”; ở lĩnh vực xử lý chất thải, anh có các đề tài “Tổ chức mô hình mạng lưới thu gom và xử lý tái chế chất thải rắn công nghiệp thông thường”, “Tái chế tro xỉ chất thành vật liệu xây dựng”.

TRẦN YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giai-thuong-ton-duc-thang-lan-thu-23-nam-2023-nhung-cay-sang-kien-thanh-danh-tu-lao-dong-post701741.html