Giải tỏa áp lực đáo hạn thị trường trái phiếu
Áp lực đáo hạn trái phiếu từ nay đến cuối năm là khá lớn, khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ ngành bất động sản.
Một giải pháp cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đó là Nghị định 08 với quy định đàm phán gia hạn thời gian trả nợ trong vòng 2 năm. Đồng ý giãn hoãn nợ là sự lựa chọn duy nhất với nhiều nhà đầu tư trái phiếu bởi nếu doanh nghiệp phá sản thì dòng tiền của họ còn rủi ro hơn nhiều.
Theo bà Nguyễn Thảo Hạnh, chuyên viên phân tích rủi ro tín dụng cao cấp Fiin Ratings: “Có khoảng 15% trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành là trái phiếu có vấn đề, trong đó có 14% doanh nghiệp đã đàm phán thành công với trái chủ để giãn hoãn nợ”.
Dù còn nhiều khó khăn, song một tín hiệu tích cực là khối lượng trái phiếu chậm trả mới phát sinh lần đầu tiếp tục giảm mạnh. Theo thống kê bởi VIS Rating, tổng giá trị trái phiếu chậm trả lần đầu trong tháng 07/2024 là 1,24 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với tháng 06/2024 khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là những quy định pháp lý mới ra đời từ tháng 8/2024 dần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản
Theo ông Phan Lê Thành Long, CEO Afa Group: “Xu hướng chậm trả trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang diễn ra nhưng đỉnh của nó thì đã ở thời điểm cuối 2023. Dấu hiệu tích cực thanh khoản của các thị trường trái phiếu này quay trở lại, các dự án BĐS đã tái kích hoạt và bàn giao nhà đến tay người mua”.
Tuy nhiên giãn hoãn nợ chỉ là giải pháp tình thế trong lúc khó khăn. Cải thiện sức khỏe thực sự của doanh nghiệp, minh bạch thông tin trên thị trường mới là giải pháp tăng niềm tin cho nhà đầu tư.
Dù còn ảm đạm, song vẫn có 35.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành mới được hấp thụ từ đầu năm đến nay, tập trung vào các đơn vị phát hành uy tín được xếp hạng tín nhiệm đầy đủ, qua đó cho thấy kỷ luật trên thị trường sẽ dần được cải thiện.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/giai-toa-ap-luc-dao-han-thi-truong-trai-phieu-267153.htm