Giải tỏa chông chênh khi chọn nghề nhờ hướng nghiệp sớm
Giáo dục hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn được nghề phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Nhờ hoạt động này, những khó khăn, trăn trở của các em sẽ được tháo gỡ.
Cần hướng nghiệp sớm cho học sinh
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ở các quốc gia phát triển, định hướng nghề nghiệp bắt đầu rất sớm, ngay từ bậc phổ thông.
Hoạt động này thường được tổ chức bài bản thông qua các buổi chuyên đề giữa phụ huynh với học sinh, nhà trường với học sinh. Các em cũng được làm bài trắc nghiệm hướng nghiệp để đánh giá bản thân phù hợp với nghề nào. Hướng nghiệp ngay từ cuối cấp THCS, đẩy mạnh hơn ở cấp THPT là phù hợp với sự phát triển tâm lý học sinh.
Ở cấp tiểu học, các em còn những ước mơ trẻ con về nghề nghiệp. Tuy nhiên bước vào giai đoạn thiếu niên, các em đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về nghề nghiệp tương lai. Từ đó có sự thay đổi trong xu hướng học tập: Tập trung nhiều hơn vào các môn liên quan đến nghề nghiệp mình quan tâm. Vì vậy, giai đoạn này cần có sự tác động của công tác hướng nghiệp để kịp thời điều chỉnh những lựa chọn nghề chưa chín chắn, chưa phù hợp.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngày nay, nếu chỉ nhận thức hướng nghiệp là hoạt động phụ, cần thiết cho học sinh cuối cấp THPT trong chọn nghề, chọn trường thì đây chắc chắn là một sai lầm.
Trước tình hình thị trường đang “khát” lao động được đào tạo tay nghề vững vàng, việc Chính phủ phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” là bước tiến dài, đồng thời chứng tỏ vai trò quan trọng của hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông.
Do đó, PGS Chu Cẩm Thơ khẳng định, hướng nghiệp cho học sinh càng sớm càng tốt. Hướng nghiệp cần được tổ chức tích hợp trong các hoạt động giáo dục khác, như là một mục tiêu thường trực của mỗi hoạt động.
Thấu hiểu tâm lý đó, cùng với trăn trở và trách nhiệm của những người lãnh đạo trong ngành giáo dục, Trường Đại học Phenikaa đã phối kết hợp cùng Mạng lưới Giáo dục không biên giới – EduLightenUp và các doanh nghiệp đồng hành hướng nghiệp sớm cho học sinh THPT thông qua tam giác trường THPT - trường đại học - doanh nghiệp với dự án “Tam giác hướng nghiệp hiệu quả”.
Dự kiến dự án sẽ có các nhóm hoạt động chính dành cho học sinh THPT bao gồm đề tài nghiên cứu được hướng dẫn dài hạn; tham quan, trải nghiệm tại các trường đại học; các chương trình khởi nghiệp, thực tập nghề nghiệp…
Đẩy mạnh hoạt động của "tam giác hướng nghiệp"
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa chia sẻ: "Chúng tôi mời các chuyên gia tập đoàn Qualcomm, Panasonic và Phenikaa-X đến chia sẻ với các thầy cô và học sinh về công nghệ mới trên thế giới và những giải pháp phát triển sản phẩm ứng dụng. Điều này giúp các em nhận ra rằng một số mối quan tâm của bản thân cũng là hướng đi mà các tập đoàn đang hướng đến. Từ đó, các em cảm thấy tự tin và nhận ra rằng những đề tài mà mình ấp ủ tuy quy mô còn nhỏ nhưng đã có tinh thần doanh nghiệp".
Với vai trò là chuyên gia trong mạng lưới chia sẻ/đào tạo/cung cấp về các kỹ năng, bộ năng lực cốt lõi để học sinh được hướng nghiệp sớm và có thể thành công trong sự nghiệp, bà Phan Thị Hồng Dung – Chủ tịch EduLightenUp cho biết, doanh nghiệp muốn có nguồn lao động tốt không chỉ tập trung đào tạo nhân sự đầu vào và cũng không chỉ mở rộng đến các chương trình thực tập với sinh viên đại học mà phải kết hợp với trường phổ thông để hướng nghiệp từ sớm; cùng xây dựng cho các em những phẩm chất tốt làm nền tảng cho quá trình hội nhập và thích ứng được với thế giới việc làm đầy biến động sau này.
"Song song với đó, các trường phổ thông muốn đào tạo ra thế hệ học sinh tự tin hội nhập, trở thành nhân sự chất lượng cao cũng phải kết nối với trường đại học và doanh nghiệp để tăng trải nghiệm thực tế, đưa các em tiến dần vào thực tiễn cuộc sống để học được các năng lực sinh tồn và phát triển” - bà Phan Hồng Dung nhấn mạnh.
Đến nay, Dự án đã chọn được 8 đề tài thuộc 8 trường THPT ở các tỉnh/thành như: Trường THPT Mỹ Lộc (Nam Định); THPT Gang Thép Thái Nguyên; THPT Yên Lãng (Hà Nội)… Thông qua dự án, học sinh đã có cơ hội trải nghiệm những hoạt động khoa học lý thú trong chính ngôi trường đại học mơ ước, để từ đó có động lực nuôi dưỡng đam mê và sẵn sàng cho con đường các em mong muốn theo đuổi trong tương lai.
“Chương trình này rất thiết thực. Các em có những trải nghiệm làm việc thực tế, cơ hội giao lưu, gặp gỡ các thầy cô. Tôi chỉ tiếc là khoảng cách địa lý và thời gian học trên lớp của các em nhiều nên chưa có cơ hội được làm việc nhiều cùng thầy cô” – cô Lê Thương, giáo viên Trường THPT Mỹ Lộc cho hay.
Chia sẻ về quá trình hướng dẫn học sinh, TS Nguyễn Đức Nam – Giảng viên Khoa Cơ khí – Cơ điện tử (Trường Đại học Phenikaa) cho biết, trong quá trình học tập và làm việc, học sinh thực sự có thái độ nghiêm túc và ham học hỏi. Mặc dù cả thầy và trò đều không thường xuyên gặp mặt nhưng các em thường xuyên chủ động liên lạc và trao đổi khi cần.
“Trong xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là tác động của cách mạng 4.0, xã hội đang có sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề. Học sinh phổ thông là đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của sự dịch chuyển này. Vậy nên việc định hướng sớm trong học tập để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp rất cần thiết trong nhà trường” – TS Nguyễn Đức Nam nhấn mạnh.
Ngày 24/8, Trường Đại học Phenikaa tổ chức hội thảo “Đồng hành của Doanh nghiệp và Trường Đại học trong công tác hướng nghiệp học sinh phổ thông” với mục tiêu thông qua kết quả thực tiễn, nhấn mạnh vai trò kết nối của doanh nghiệp và trường đại học trong việc đa dạng hóa hình thức hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Như vậy, trách nhiệm của tam giác: Trường THPT - trường đại học - doanh nghiệp là đồng lòng và nhận thức được hướng nghiệp tự nhiên, gắn liền với bối cảnh địa phương. Doanh nghiệp cũng cần nhận ra tuyển dụng cần đi kèm với “hướng nghiệp sớm” cho học sinh vì đấy chính là nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong tương lai.