Giải tỏa 'cơn khát' thuốc, trang thiết bị y tế

Chính phủ ban hành đồng thời Nghị định số 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP để đẩy nhanh quy trình mua sắm thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện, đã giải tỏa được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua.

Các bệnh viện đã tạm thời giải tỏa được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Các bệnh viện đã tạm thời giải tỏa được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Tạm thời yên tâm

Theo PGS-TS. Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, sau khi hai văn bản trên được ban hành đã tháo gỡ tới 90-95% băn khoăn của cơ sở về mua sắm thuốc, vật tư y tế. Bệnh viện đã tập trung đấu thầu bổ sung 20 danh mục gặp vướng mắc trước đó.

Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, ông Trần Bình Giang thì cho hay, hiện Bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, do vậy người dân có thể yên tâm đến khám, chữa bệnh với đầy đủ phương tiện.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS-TS. Ðào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện đánh giá, 95% số bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, cho nên những vướng mắc mà Nghị định số 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP tháo gỡ không chỉ cho bệnh viện, mà chính là tháo gỡ cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Là cơ quan trực tiếp quản lý hàng ngàn bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước, PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã yêu cầu, bệnh viện nào khó khăn, thiếu thuốc, vật tư tiêu hao phải công khai minh bạch, tìm biện pháp tháo gỡ, không được bắt bệnh nhân tự đi mua. Thời gian tới, Cục sẽ tổ chức đoàn đánh giá chất lượng các bệnh viện sau khi thực hiện Nghị định số 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP.

Nhiều gói thầu phải dừng từ sau ngày 5/11/2022, nay lại tiếp tục được triển khai, hy vọng chỉ trong thời gian ngắn sẽ có đủ vật tư, hóa chất đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Ðáng chú ý, bước vào năm 2023, Bệnh viện Bạch Mai chuẩn bị các gói thầu cho khoảng 2.000 loại vật tư, hóa chất, nhưng chỉ 1/3 trong số đó đạt tiêu chí có 3 báo giá.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, với những quy định mới của Nghị quyết 30/NQ-CP, Bệnh viện sẽ mua được đủ những trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết. Cùng với đẩy nhanh tiến độ mua sắm, Bệnh viện cũng tập trung rà soát tất cả các máy móc, thiết bị y tế được cho, tặng trong thời kỳ chống dịch Covid-19 và các đề án liên doanh, liên kết mà chưa hoàn thiện sở hữu toàn dân để kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ khám, chữa bệnh.

Với đầu cầu phía Nam, PGS-TS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin, sau khi có Nghị định 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP, ngành y tế thành phố quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế trong công tác điều trị tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, cơ quan này sẽ lập tổ theo dõi diễn biến mua sắm hóa chất, vật tư; kiến nghị tháo gỡ ngay các vướng mắc (nếu có) phát sinh trong quá trình thực hiện, không để việc chăm sóc sức khỏe người bệnh bị gián đoạn. Hàng tuần, Sở Y tế sẽ họp trực tuyến để các bệnh viện báo cáo tình hình mua sắm vật tư, hóa chất và sau 1 tháng sẽ tiến hành đánh giá lại.

Cần luật hóa các quy định

Về chính sách liên quan tới công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế, lãnh đạo nhiều bệnh viện đều cho rằng, Nghị quyết 30/NQ-CP là giải pháp tình thế, cấp bách, nhằm sớm có trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ người bệnh, chứ không phải là văn bản pháp quy. Nghị quyết này cũng chỉ áp dụng trong năm 2023.

Chính vì vậy, về lâu dài, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, từ việc sửa đổi các luật có liên quan đến xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để các bệnh viện có hành lang pháp lý chuẩn, chặt chẽ, đồng thời tạo thuận lợi trong công tác quản lý cũng như mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ người bệnh tốt nhất.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan (Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính) cần thực hiện đúng tiến độ trong xây dựng các hướng dẫn mà Nghị quyết 30/NQ-CP đã đưa ra. Mặt khác, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, cho nên các nghị định, thông tư liên quan đến mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cũng cần sớm được ban hành để các bệnh viện có căn cứ xây dựng phương án mua sắm kịp thời, đúng pháp luật.

Theo Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, để khắc phục triệt để những khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, về lâu dài, cần sửa đổi Luật Đấu thầu.

TS. Ðặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nêu thực trạng, hiện nay, Bệnh viện có nhiều máy móc cần sửa chữa, nhưng việc này phải thực hiện theo Luật Ðấu thầu và các thông tư, nghị định, mất rất nhiều thời gian và thủ tục phức tạp. Do đó, về lâu dài cần có sự phối hợp các bên vì phải lập báo cáo, đề xuất sửa chữa trang thiết bị y tế.

Về xác định giá trang thiết bị y tế, cần có cơ quan chủ trì định mức giá để bảo vệ người làm công tác đấu thầu, tránh để kiểm toán khi bị xác định rằng bệnh viện đang thực hiện chỉ định thầu.

Ở một khía cạnh khác, PGS-TS. Ðào Xuân Cơ cho rằng, trang thiết bị y tế, thuốc men là vấn đề cấp bách vì liên quan trực tiếp đến người bệnh. Trong những tình huống khẩn cấp như chống dịch chẳng hạn, để kịp thời có thuốc, vật tư y tế, các bệnh viện nhiều khi phải bỏ qua quy trình đấu thầu để sớm có hàng. Bởi vậy, cần có quy định về việc không khởi tố, bắt giam cán bộ nếu cán bộ ấy không trục lợi, làm vì phục vụ người bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên cam kết, với những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết ngay và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, các bệnh viện cần báo cáo, đề xuất kịp thời với Bộ Y tế. Lĩnh vực nào thuộc Bộ Y tế, sẽ giao các vụ, cục, đơn vị cùng phối hợp để tháo gỡ. Còn những vấn đề liên quan đến các bộ, ngành khác, Bộ Y tế sẽ cùng phối hợp tìm cách tháo gỡ hoặc báo cáo Chính phủ để có hướng giải quyết sớm.

Dương Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giai-toa-con-khat-thuoc-trang-thiet-bi-y-te-d186595.html