Giải tỏa cung - cầu vàng
Trong bối cảnh áp lực lạm phát và nhu cầu bảo vệ giá trị tài sản của mỗi cá nhân, vàng chính là kênh đầu tư được nhiều người Việt quan tâm. Tuy nhiên, do nguồn cung hạn chế nên giá vàng ở Việt Nam luôn cao hơn thế giới.
Nhu cầu vàng của người Việt luôn cao
Vàng có sự gắn kết mạnh mẽ với văn hóa và lịch sử của người dân Việt Nam nên đầu tư, tiêu dùng cá nhân chiếm phần lớn thị phần thị trường vàng trong nước. Sự tăng trưởng về thu nhập, áp lực lạm phát và nhu cầu bảo vệ giá trị tài sản của mỗi cá nhân chính là các yếu tố thúc đẩy nhu cầu sở hữu vàng của người dân. Những yếu tố này cho thấy triển vọng nhu cầu vàng ở Việt Nam vẫn sẽ cao.
Không thể phủ nhận thị trường vàng rất lớn và phức tạp, nên việc đưa ra số liệu thống kê về cung cầu luôn là một thách thức. Tuy vậy, WGC đã vượt lên thách thức để khảo sát, nghiên cứu chính xác và cung cấp đầy đủ những dữ liệu toàn diện về cung cầu thị trường vàng trên quy mô toàn cầu.
Những dữ liệu quan trọng về cung và cầu của chúng tôi được cung cấp bởi Metals Focus, một công ty độc lập cung cấp dịch vụ tư vấn hàng đầu về kim loại quý. Metals Focus đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của chúng tôi về việc cung cấp dữ liệu cung cầu, bao gồm một mạng lưới phủ rộng toàn cầu, một đội ngũ giàu kinh nghiệm và phương pháp xác định, lựa chọn, nghiên cứu và phân tích thông tin chính xác.
Cùng nhau, các yếu tố trên góp phần tạo nên một cơ cấu phù hợp và thống nhất để thu thập dữ liệu, đưa ra dự đoán chính xác, chi tiết và minh bạch cho cung cầu của thị trường vàng.
Theo báo cáo mới nhất của chúng tôi, nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam tăng 58% trong quý IV/2022. Sự gia tăng mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi nhu cầu vàng thỏi, vàng xu, cũng như trang sức.
Cụ thể, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu đạt 9,0 tấn trong quý IV/2022, tăng 48% so với 6,1 tấn của cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, trong năm 2022, nhu cầu trang sức tăng 51% so với năm 2021, đạt 18 tấn - mức cao nhất trong 14 năm qua. Theo dự báo của WGC, mãi lực trang sức của thị trường Việt Nam trong năm 2023 cũng như các năm tới còn triển vọng rất lớn và đây sẽ là cơ hội cho các nhà sản xuất, kinh doanh nữ trang.
Về lý thuyết, nhu cầu lớn và giá bán cao sẽ làm gia tăng sức hấp dẫn của thị trường vàng Việt Nam với công ty trang sức nước ngoài. Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn cung và nhập khẩu vàng trên thực tế sẽ khiến các nhà sản xuất trang sức nước ngoài gặp khó khăn trong việc thâm nhập thị trường.
Về giá vàng thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn kiên định với mục tiêu tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, nhưng sẽ chậm lại để tránh tạo ra cuộc khủng hoảng sâu rộng của hệ thống ngân hàng và suy thoái kinh tế. Thực tế, sau khi quyết định tăng thêm 25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 3/5/2023, đưa lãi suất điều hành lên 5-5,25%/năm, Fed đã phát đi tín hiệu rằng, họ có thể tạm ngừng các đợt tăng lãi suất tiếp theo. Điều này có thể khiến USD suy yếu và tạo điều kiện cho vàng tăng giá, nhất là khi các ngân hàng trung ương vẫn mua vàng.
Nên nới lỏng nhập khẩu để cân đối cung - cầu
Theo số liệu của WGC, nhu cầu vàng của người dân Việt Nam luôn tăng qua các năm, trong đó năm 2022, Việt Nam dẫn đầu sự tăng trưởng nhu cầu vàng trong khu vực ASEAN với mức tăng 37% so với năm 2021. Tuy nhiên, để hạn chế các tác động không mong muốn từ tích trữ vàng, trong quá khứ, Việt Nam hạn chế nhập vàng vật chất, vàng nguyên liệu nên nguồn cung bị hạn chế, trong khi chi phí sản xuất vàng miếng SJC cao, nên giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới.
Theo chúng tôi, chính sách hạn chế này đã kéo dài và cần có sự đánh giá lại, nếu tình hình cung - cầu được cân bằng, người dân sẽ mua vàng, cũng như nữ trang nhiều hơn, bởi vàng luôn là kênh đầu tư có thanh khoản cao cũng như tính an toàn nên luôn được người dân lựa chọn.
Việt Nam cũng cần xem xét đến việc có nên cho phép nhập một lượng vàng để cân đối cung - cầu trong nước, nhằm thu hẹp chênh lệch giá vàng SJC và quốc tế.
Ông Andrew Naylor
Việc công nhận vàng là một hình thức trao đổi giá trị và thanh toán hợp pháp (gold monetization) là chìa khóa để Việt Nam có thể khơi thông được nguồn lực vàng, đảm bảo có thể tận dụng và phát huy tối đa giá trị của kênh vàng, từ đó góp phần phát triển nền kinh tế. Có nhiều trường hợp điển hình về việc này trên khắp thế giới.
Ví dụ, ở Thổ Nhĩ Kỳ, người dân có thể gửi vàng tại các ngân hàng địa phương, làm tài sản thế chấp hoặc mua, trao đổi trái phiếu chính phủ. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu các tổ chức chính thống, được quản lý bởi pháp luật như ngân hàng được phép tham gia vào thị trường vàng.
Ngoài ra, số hóa thị trường vàng cũng là một cách tiếp cận khác có thể cân nhắc. Các sản phẩm vàng kỹ thuật số có thể mở ra tiềm năng của kim loại quý này. Chẳng hạn, các nhà đầu tư vàng cá nhân có thể cho vay để kiếm thêm thu nhập, hoặc họ có thể dễ dàng sử dụng nó làm tài sản thế chấp để vay vốn kinh doanh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xem xét đến việc có nên cho phép nhập một lượng vàng để cân đối cung - cầu trong nước, nhằm thu hẹp chênh lệch giá vàng SJC và quốc tế. Bởi có một sự thật rằng, bất chấp những hạn chế về nguồn cung, nhu cầu vàng ở Việt Nam vẫn cao.
Người Việt Nam rất ưa chuộng vàng và điều này thể hiện qua nghiên cứu tiêu dùng thực hiện bởi WGC. Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy, vàng là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu với hầu hết người Việt.
Nếu các quy định hạn chế về nguồn cung được nới lỏng, vấn đề giá vàng sẽ được giải quyết. Điều này sẽ mang lại thuận lợi cho các nhà sản xuất trang sức, vì thị trường xuất khẩu của ngành hàng được tạo điều kiện để phát triển, đặc biệt là khi Việt Nam vốn đã nổi tiếng với thiết kế tinh tế và tay nghề thủ công cao. Thông qua việc thiết lập thị trường xuất khẩu trang sức, kênh vàng sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ giá vàng cạnh tranh trong nước.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giai-toa-cung-cau-vang-post323877.html