Giải tỏa, đền bù: Bài học dựa vào dân

(Theo lời kể của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng)

BPO - Đầu năm 1996, kế hoạch chia tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Phước - Bình Dương được Bộ Chính trị chấp thuận.

Đúng thời gian quy định của Trung ương, ngày 1-1-1997, 2 tỉnh Bình Dương - Bình Phước chính thức hoạt động độc lập. Ngày tái lập tỉnh trời trong, gió mát, các cơ quan, đơn vị được tổ chức đưa - đón chu đáo lắm, 2 anh em song sinh Bình Dương - Bình Phước bịn rịn, lưu luyến chia tay nhau. Kẻ ở, người đi cũng ngậm ngùi nhưng tinh thần chung vẫn vui tươi, phấn khởi. Dẫu rằng khó, nhưng Bình Phước đã được Trung ương rất quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ mọi việc cho 1 tỉnh mới chia tách còn bộn bề gian khó.

Ký ức của cá nhân tôi chưa bao giờ phai mờ hình ảnh về 1 tỉnh lỵ thân yêu nhưng quá bộn bề gian khó, cơ sở hạ tầng còn quá nghèo nàn. Đường sá hư hỏng nặng, giao thông đi lại khó khăn; trường học, bệnh viện vừa thiếu vừa trang bị sơ sài; hệ thống cấp thoát nước, điện sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Ngay trong thời gian đầu khi vừa chia tách tỉnh, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được tỉnh xác định là nhiệm vụ phức tạp nhất, bởi liên quan đến nhiều vấn đề dân sinh nhạy cảm.

Tôi lúc đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách kinh tế, đồng thời đặc trách làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo giải tỏa đền bù của tỉnh. Anh Ba Thống lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh; anh Năm Phong lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ mà cũng là mệnh lệnh: Đây là trọng trách nặng nề tỉnh giao cho đồng chí. Cá nhân tôi và cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng vào năng lực, kinh nghiệm làm công tác giải tỏa của đồng chí lúc còn làm Chủ tịch UBND huyện Bình Long. Vì vậy, đồng chí phải nỗ lực cố gắng, những kinh nghiệm thực tế chắc chắn sẽ là hành trang cần thiết cho công việc đầy thử thách này.

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng (thứ 2 từ phải qua) trong một dịp đi vận động giải tỏa, đền bù

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng (thứ 2 từ phải qua) trong một dịp đi vận động giải tỏa, đền bù

“Các anh cũng biết các dự án lớn, dự án trọng điểm của tỉnh hầu hết liên quan đến việc thu hồi đất của nhiều tổ chức và hộ gia đình, cá nhân, nguồn gốc sử dụng đất rất phức tạp, tâm lý muốn được lợi lớn từ chủ trương giải tỏa, đền bù thực sự là một áp lực lớn, cần có sự chung tay của tất cả các anh” - tôi trả lời.

Được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, mỗi người phải có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Tôi cũng vậy, tuy nhiên tôi nhận nhiệm vụ mà trong lòng ngổn ngang. Công tác giải phóng mặt bằng là một chuỗi công việc luôn gặp khó khăn và phức tạp cho các địa phương khi có dự án đi qua. Chính quyền, cơ quan chức năng của các địa phương phải vận động, giải thích lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác của người bị giải tỏa; phải có chính sách đền bù thỏa đáng, phù hợp… Nhiều dự án phải thực hiện biện pháp cưỡng chế mới đẩy nhanh được tiến độ giải phóng mặt bằng.

Đã chuẩn bị tâm lý nhưng tôi cũng phát hoảng trước chồng đơn, thư khiếu nại, khiếu kiện ngày một dày lên. Trong đó, đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm gần 90%.

Từ khi biết trung tâm tỉnh sẽ được đặt tại thị trấn Đồng Xoài, thuộc huyện Đồng Phú, không ít cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn thị trấn băn khoăn, lo lắng. Vì sao vậy? Người nông dân định cư và gắn bó lâu đời với ruộng đất, tư liệu sản xuất chính bảo đảm cuộc sống hằng ngày, nay bị thu hồi thì nơi ở tiếp theo của họ chỗ nào, có đảm bảo điều kiện cho sinh kế gia đình không? Những băn khoăn này là điều dễ hiểu, tuy nhiên cũng có không ít trường hợp lợi dụng chủ trương giải tỏa, đền bù để kỳ kèo, mặc cả, lôi kéo số đông tham gia để hưởng lợi. Dù đã lường trước những phức tạp trong công tác này khi tiến hành những phần việc đầu tiên như tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền hay cắm mốc dự án, đến kiểm đếm tài sản, áp giá đền bù... chúng tôi lại phải đối mặt với sự phản đối, bất hợp tác của người dân; thậm chí một số đối tượng quá khích còn cản trở, chống đối người thi hành công vụ…

Nhiều trường hợp phải họp tới họp lui, xin ý kiến, vì mình giải quyết đúng mà người dân không chịu hiểu. Đất đai mua qua, bán lại toàn viết giấy tay, đất nông nghiệp lại đòi đền bù giá cao thì chính quyền làm gì có cơ sở giải quyết? Bài toán khó về giải tỏa, đền bù đã được chúng tôi khéo léo giải quyết bằng 3 từ: dựa vào dân!

Đô thị Bình Phước ghi dấu ấn của những người làm công tác giải tỏa, đền bù. Trong ảnh là ngã tư Đồng Xoài khang trang, hiện đại ngày nay

Đô thị Bình Phước ghi dấu ấn của những người làm công tác giải tỏa, đền bù. Trong ảnh là ngã tư Đồng Xoài khang trang, hiện đại ngày nay

Để có mặt bằng giao cho tỉnh thực hiện xây dựng trung tâm hành chính và nơi làm việc của các sở, ngành, Bình Phước lúc đó phải di dời hơn 800 hộ, hàng ngàn người cùng nhiều công trình, nhà ở, vật kiến trúc, cơ sở thờ tự… Tôi xác định: công tác tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân được đặt lên hàng đầu. "Mưa dầm thấm lâu", chúng tôi vừa thuyết phục, vận động vừa giải thích rõ những quyền lợi cụ thể của họ. Đáng mừng là có một vài người sau đó quay trở lại vận động giúp chúng tôi để nhiều gia đình khác hợp tác. Cứ như thế, với phương châm: dễ, ít làm trước; gia đình cán bộ, đảng viên, gia đình có con em giáo viên, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện trước...

Kinh nghiệm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất được Bình Phước vận dụng và cụ thể hóa bằng nhiều chính sách phù hợp từng đối tượng và quan tâm lợi ích của dân đầu tiên. Đến đây, tôi muốn nói thêm một chút về công tác dân vận đối với từng cán bộ chủ chốt. Kinh nghiệm của tôi là ban chỉ đạo giải tỏa, đền bù phải đích thân tham gia làm công tác tư tưởng, đặc biệt với những gia đình bề thế, có gốc gác, đương kim lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chẳng hạn thì phải phân công người có tầm ảnh hưởng lớn tham gia. Bí thư, chủ tịch, thủ trưởng các sở, ban, ngành thì phải có sự tôn trọng, cắt cử người có trách nhiệm ngang tầm đi tiếp xúc, vận động.

Tôi nhớ mãi kỷ niệm hồi còn làm công tác đền bù, giải tỏa. Đường đô thị qua trung tâm hành chính Đồng Xoài lúc đó đang triển khai làm mới, vốn có, nhà đầu tư sẵn sàng nhưng không thực thi được vì vướng giải tỏa. Tôi họp Ban chỉ đạo, thẳng thắn phê bình Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài lúc đó là đồng chí Huỳnh Quang Tiên, kiểm điểm Giám đốc Sở Xây dựng lúc đó là đồng chí Nguyễn Phú Cường, 2 đơn vị này phối hợp thực hiện con đường bề ngang 9m, trong khi điều kiện của mình lúc đó dư sức làm 18m. Lý do vốn rất tế nhị là vì nếu mở rộng đường thành 18m như dự kiến, sẽ bị vướng nhà của một số lãnh đạo thị xã! Tìm hiểu kỹ, tôi mới nắm được tuyến đường này vướng nhà của 2 anh lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh, tôi đích thân đi vận động 2 trường hợp này.

Tôi nói: Tỉnh đang nỗ lực đưa Đồng Xoài lên đô thị loại III, tiến tới lên thành phố. Đường giao thông là một tiêu chí quan trọng. Đồng Xoài là đô thị hoàn toàn mới, đường sá phải quy hoạch bài bản để hoàn thiện bộ mặt đô thị, tuyến đường đôi 18m đang chuẩn bị triển khai này vướng nhà của 2 đồng chí, đó là việc không mong muốn nhưng chẳng lẽ lại làm 2 đầu 18m, đến khu vực nhà 2 đồng chí bóp lại 9m, nó như một nút cổ chai, các đồng chí thấy quy hoạch như thế có đảm bảo không? Đó là chưa kể quy hoạch như thế sẽ rất nguy hiểm, đường phía ngoài thênh thang, tới chừng gặp cái nút cổ chai này thì sao kịp xử lý, tai nạn là cái chắc. Là lãnh đạo đương chức, là đảng viên gương mẫu, mong các đồng chí làm gương, phải đi trước để bà con cô bác trong diện giải tỏa chấp hành, lẽ dĩ nhiên về mặt chính sách, tỉnh sẽ có sự sắp xếp hợp lý, không để các đồng chí phải thiệt thòi.

Trước những phân tích của tôi, hầu hết các hộ đều đồng thuận, chấp hành, vui vẻ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, con đường 18m hoàn thành trong niềm hân hoan, vui mừng của nhân dân thị xã. Thật may mắn là tất cả công trình của tỉnh đều diễn ra đúng tiến độ, nhân dân sớm ổn định đời sống, đó là niềm vui lớn nhất của tôi khi lăn lộn làm công tác giải tỏa, đền bù trong những ngày đầu tái lập tỉnh Bình Phước.

Hưng Cát (lược ghi)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/129509/giai-toa-den-bu-bai-hoc-dua-vao-dan