Giải tỏa nhu cầu vốn cuối năm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng (room tín dụng) định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5%-2% cho toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng.

Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Có 3 lý do chính khiến NHNN quyết định cấp tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng 1,5%-2% lúc này. Đó là bối cảnh, áp lực bên ngoài về lạm phát, lãi suất và tỉ giá đã dịu bớt khá nhiều. Ở trong nước, lạm phát được kiểm soát khá tốt, áp lực tăng lãi suất và tỉ giá cũng dịu dần. Đây là tín hiệu đáng mừng và cho thấy áp lực tăng lãi suất, tỉ giá của Việt Nam sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều trong năm 2023. Thanh khoản hệ thống NH đã tốt lên với việc tiền gửi của người dân tăng trở lại. Trong khi đó, nhu cầu vốn để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thanh khoản cuối năm của doanh nghiệp và người dân là rất lớn.

Với việc nới room của NHNN từ 1,5%-2% tương đương gần 200.000 tỉ đồng vốn tín dụng sẽ được cung ứng thêm ra nền kinh tế dịp cuối năm. Động thái này sẽ góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới. Về lạm phát, tác động từ chính sách này là không đáng kể do lượng vốn tín dụng tăng thêm sẽ có khả năng hấp thụ nhanh và đáp ứng các nhu cầu thiết thực như dự án, công trình dở dang, người mua nhà, các hợp đồng xuất nhập khẩu và các khoản nợ đến hạn…

Thống đốc NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ... Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để bảo đảm thanh khoản, an toàn hoạt động, bảo đảm khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Để việc nới room hiệu quả, theo tôi có 4 lưu ý, các tổ chức tín dụng cần chủ động cân đối nguồn vốn huy động, bảo đảm thanh khoản, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tín dụng. Đồng thời, Bộ Tài chính cần khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp (nguồn vốn trung - dài hạn quan trọng và cũng là để giúp doanh nghiệp thanh toán nợ đáo hạn).

Các bộ, ngành địa phương đẩy nhanh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi kinh tế năm 2022-2023 nhằm giảm áp lực nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản giữa các doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa và tạo động lực tăng trưởng trước mắt và lâu dài.

Quan trọng hơn, Chính phủ chỉ đạo khoanh vùng, giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ việc vi phạm trên thị trường vốn vừa qua, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, lấy lại niềm tin của thị trường, người dân và doanh nghiệp. Trong năm tới, NHNN cố gắng giữ ổn định lãi suất và tỉ giá đã là thành công lớn.

Thái Phương ghi

TS CẤN VĂN LỰC (Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/giai-toa-nhu-cau-von-cuoi-nam-2022120621583285.htm