Giải trí, rèn luyện thân thể cho trẻ khi bước vào năm học mới tại nhà

Việc bị đột ngột bị gò vào khuôn khổ khi phải học từ nhà có thể khiến trẻ trở nên bất hợp tác, dễ cáu bẳn và chịu nhiều tác động tiêu cực về tinh thần. Đây là khi phụ huynh cần đồng hành với con.

Trẻ sáng tạo trò chơi thủ công tại nhà. (Ảnh: Đỗ Thủy)

Trẻ sáng tạo trò chơi thủ công tại nhà. (Ảnh: Đỗ Thủy)

Năm nay, bé Minh Đức (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ trở thành học sinh lớp một tại một trường tư thục. Những ngày đầu tiên của tiểu học đã diễn ra không mấy thoải mái với Đức. “Trẻ ở độ tuổi này, đặc biệt là con trai, vốn nghịch và hiếu động. Bố mẹ quay ra, quay vào đã thấy cháu chui xuống gầm bàn ngồi nghịch, bắt nghiêm chỉnh thì bứt rứt không yên,” anh Tùng, bố bé Đức kể.

Các chuyên gia tâm lý đã khẳng định việc phải ở nhà lâu ngày, thay đổi sinh hoạt đột ngột vì dịch bệnh như hiện nay có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của trẻ.

Nhiều gia đình có con nhập học "online" đã phản ánh chung một nỗi lo: Sau khi học với máy tính, điện thoại như vậy, các con cần được giải trí mà không dùng đến màn hình điện tử. Đây có lẽ là lúc những trò chơi thủ công, hoạt động thể chất sáng tạo ở nhà cần được triển khai hơn bao giờ hết.

Cùng sáng tạo từ giấy

Là giáo viên tại một trường trung học phổ thông trong thời gian nghỉ dịch, chị Đỗ Thủy (phường Trần Hưng Đạo, Hà Nội) có công việc mới là trông trẻ và tổ chức hoạt động “offline” cho hai cháu: Sóc (năm nay vào lớp ba) và Ken (năm nay vào lớp một) như chăm sóc cây, vẽ, kể chuyện và làm thủ công sáng tạo…

“Đối với trò xếp hình thì chỉ cần làm trong một tiếng, vẽ hình, tô màu và cắt ra là đã có đồ chơi cho cả tháng,” chị Thủy cho biết. Đối với hoạt động kể chuyện, chị khuyến khích hai cháu tưởng tượng nội thất, đồ đạc: Cái giường là đảo, chiếu là biển, chiếc tàu là võng… để vẽ tranh về những chuyến phiêu lưu dù đang kẹt giữa bốn bức tường nhà.

Trẻ tự làm trò chơi xếp hình từ giấy bìa. (Ảnh: Đỗ Thủy)

Trẻ tự làm trò chơi xếp hình từ giấy bìa. (Ảnh: Đỗ Thủy)

Về thời gian biểu - một trong những yếu tố cốt lõi để duy trì những ngày nghỉ có học, có chơi, chị cũng để các cháu tự thiết kế và tự chọn hoạt động, vừa thúc đẩy sự tự giác và tính chủ động, vừa từ từ đưa các cháu vào khuôn khổ.

“Gọi là tự chọn nhưng cũng phải có mẹo," chị nói vui. "Ví dụ, tôi cho cháu chọn: Nếu tập chép hai trang mỗi ngày thì được nghỉ cuối tuần, nếu chỉ chép một trang mỗi ngày thì cuối tuần học bình thường nên cháu chọn ngay phương án đầu tiên.”

Mỗi sáng, bé Sóc tự chọn và tập chép, tập đọc một bài trong quyển thơ Trần Đăng Khoa còn bé Ken thì tập viết hai trang giấy. “Chỉ cần trẻ có thái độ hợp tác, không phản ứng thì có thể tùy độ tuổi mà giao nhiệm vụ. Ken chưa đi học thì chỉ cần tập viết cho đúng, cho quen tay chứ không quan trọng chữ xấu, chữ đẹp,” chị Thủy chia sẻ tiêu chí của các hoạt động.

Cuối buổi sáng, chị sẽ kiểm tra bài vở hai cháu, chiều đến, các cháu sẽ tham gia nhiều trò do dì Thủy hướng dẫn, sau đó tự chơi với nhau với nhau để phát huy tính sáng tạo, tự quản.

Bé Hưng thoải mái, chăm chú trong buổi nhập học đặc biệt. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Bé Hưng thoải mái, chăm chú trong buổi nhập học đặc biệt. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Bên cạnh hoạt động sáng tạo, hoạt động thiết thực như mô phỏng lớp học được gia đình chị Thanh Thúy (Bạch Đằng, Hà Nội) áp dụng. Nhờ vậy mà buổi nhận lớp đầu tiên ngày 31/8 đã giúp Hưng-con trai chị, tự tin "học Zoom" với cô và các bạn cùng lớp.

Thành quả đó có sự góp công lớn từ hai chị gái đang học lớp bảy và chín của Hưng. Một tuần trước ngày nhập học online, hai cô bé thay nhau vào vai cô giáo và bạn học của em, mỗi người một máy tính/điện thoại của bố mẹ rồi vào riêng một phòng để tạo tình huống học trực tuyến. “Chị cô giáo” thì nhiệt tình dạy đọc và giao bài, dạy học toán, “chị bạn học” thì giả vờ làm bài để tạo không khí lớp học.

Bên cạnh các biện pháp giải trí cho tinh thần, vấn đề thể chất cũng được các vị phụ huynh đặc biệt quan tâm. “Tôi cứ mong hết dịch hoàn toàn để các cháu được đến trường thỏa sức chạy nhảy, có bạn bè nô đùa cho bõ mấy tháng phải ở nhà…” một phụ huynh ngậm ngùi chia sẻ khi nghe tin số ca mắc mới mỗi ngày.

Tập gym, ‘cắm trại’ tại nhà

Đối với hai chị em Sóc và Ken, chị Đỗ Thủy cũng chia sẻ một số cách vận động tại nhà cho hai cháu như dựng “hầm Đờ-cát” bằng chiếu cói, dựng lều bằng chăn, màn hay được khuyến khích vận động, vui chơi theo cách tự nhiên nhất, rủ trẻ tham gia cùng làm việc nhà vừa sức. Nhờ thế mà hai chị em có thể hòa thuận, tăng tính gắn kết và có thể tự chơi với nhau.

Trong khi nhiều phụ huynh lo con leo trèo hoặc tỏ ra quá nghịch ngợm thì anh Nguyễn Mạnh Hùng (Hà Nội) lại có cách để biến những nỗi lo thành cơ hội rèn luyện sức khỏe.

Nhờ có kinh nghiệm xây dựng chương trình rèn luyện sức khỏe với các chuyên viên thể chất cho thiếu nhi, anh Hùng thường sử dụng ứng dụng GymKID trên điện thoại và chủ động sáng tạo ra các bài vận động cho con.

Anh Hùng tạo ra các tình huống thử thách cho con từ đồ đạc trong nhà, có sự theo sát của bố mẹ. (Ảnh: Video gia đình cung cấp)

Anh Hùng tạo ra các tình huống thử thách cho con từ đồ đạc trong nhà, có sự theo sát của bố mẹ. (Ảnh: Video gia đình cung cấp)

Đáng chú ý, các hoạt động này thường mô phỏng câu chuyện hoặc một hành trình như như: Quá trình khám phá mặt trăng của phi hành gia hay các hoạt động leo núi, vượt đèo, băng rừng... Nhờ thế, bé dễ dàng bị cuốn theo và nhập vai để vượt qua các thử thách của bố.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo trẻ dưới từ 6-17 tuổi cần tối thiểu 60 phút hoạt động cường độ cao (hoạt động khiến trẻ phải thở mạnh, thở dốc), bao gồm aerobic (thể dục nhịp điệu) hàng ngày, các hoạt động giúp xương chắc khỏe (như chạy hoặc nhảy) và xây dựng cơ bắp (như leo núi hoặc chống đẩy) đều có tần suất ba ngày mỗi tuần.

“Phương pháp vận động vượt qua thử thách, trẻ ở lứa tuổi mầm non hoặc lớn hơn đều có thể ứng dụng được. Mỗi thử thách có thể kéo dài từ 3-5 phút và có thể làm đi làm lại nhiều lần,” anh Hùng chia sẻ.

Với những kinh nghiệm làm việc với chuyên gia thể chất, anh thường xuyên cùng con tuân thủ các khuyến cáo: Uống nước trước và sau khi vận động; tránh tạo thay đổi đột ngột cho cơ thể (cần khởi động làm nóng, giãn cơ trước vận động), tránh thay đổi đột ngột về môi trường (ví dụ cơ thể đang nóng nhưng lại vào phòng điều hòa lạnh...); quan trọng không kém là cha mẹ cần chú ý các góc nhọn và nguy cơ trơn trượt có thể gây nguy hiểm trong lúc vận động./.

Minh Anh (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/giai-tri-ren-luyen-than-the-cho-tre-khi-buoc-vao-nam-hoc-moi-tai-nha/737692.vnp