Giải trình chi tiêu công là 'động lực' thúc đẩy kinh tế thị trường tại Việt Nam
Nếu Việt Nam được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường thì sẽ có nhiều lợi thế về xuất nhập khẩu, tài chính… Do đó, giải trình chi tiêu công là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế thị trường.
Bài liên quan
Kinh tế thị trường tại Việt Nam: Chính sách chỉ phục vụ “người quen”
Tiếp tục kiên trì theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường
Tại Tọa đàm Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam do trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào ngày hôm qua (29/7), bàn về kinh tế thị trường tại Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh cho biết hiện có khoảng 90 nước công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường, nhưng Mỹ và EU vẫn chưa công nhận vì ta chưa đáp ứng theo các tiêu chí, tiêu chuẩn riêng của họ.
TS Lê Đăng Doanh phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Theo đó, nếu Việt Nam được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường thì sẽ có nhiều lợi thế về xuất nhập khẩu, tài chính, tiền tệ… Vì vậy cần nỗ lực và kiên trì chuyển sang kinh tế thị trường và cải thiện chỉ số tự do kinh tế.
Để làm được điều này, trước hết phải làm tốt trách nhiệm giải trình, nhất là về chi tiêu công thì việc thúc đẩy kinh tế thị trường sẽ nằm trong tầm tay. Chẳng hạn câu chuyện có một huyện ở Thanh Hóa nợ tiền tiếp khách tới 50 tỷ đồng và không biết hiện nay đã được giải quyết thế nào? Đây là ví dụ về trách nhiệm giải trình.
Mặt khác, với tình hình dịch Covid-19 hiện nay, bên cạnh những tác động tiêu cực, thì đó cũng là một “động lực” thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế thị trường.
Phân tích sâu hơn về kinh tế thị trường tại Việt Nam, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, với Việt Nam, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có khác biệt với kinh tế thị trường hiện đại là vai trò của Nhà nước nhiều hơn, tốt hơn trong phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội.
Theo TS Cung, muốn đổi mới kinh tế trong giai đoạn đến năm 2030 ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận. Cùng với đó là thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước với thị trường. Ngoài ra, cần giải pháp giúp thị trường hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch.
Ở cấp độ kinh tế thị trường, rõ ràng, vai trò Nhà nước và vai trò thị trường không thể tách rời, không thể đối nghịch nhau mà phải bổ sung cho nhau. Như vậy, cần đánh giá cả trên yếu tố mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và cả hiệu lực Chính phủ. Nếu hai chỉ tiêu này đều tốt thì nền kinh tế thị trường của chúng ta được coi là nền kinh tế thị trường tốt.
Vì vậy, để chuyển sang kinh tế thị trường, trọng tâm nên đặt vào cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp luật để thúc đẩy phát triển thị trường sản xuất. Thị trường này bao gồm vốn, đất đai, quyền sử dụng đất nông nghiệp, lao động, khoa học công nghệ và các tài sản nói chung.
Cùng với đó, đổi mới kinh tế trong giai đoạn đến năm 2030 là việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận,
Trong đó, trọng tâm là việc Nhà nước chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình, đồng thời thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong phân bố nguồn lực xã hội.
Bàn về giải pháp, TS Cung cho rằng, Việt Nam cần xây dựng các công cụ để theo dõi sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cần nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng cách thức tính toán, nguồn số liệu của từng chỉ tiêu, chỉ số.