Giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu đặt ra

Tại phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV, đại diện các sở, ngành của tỉnh đã tập trung làm rõ nhiều nội dung được cử tri quan tâm.

Tại phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV diễn ra sáng 8-12, đại diện các sở, ngành của tỉnh đã tập trung làm rõ nhiều nội dung, nhất là kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; các vấn đề xã hội được cử tri quan tâm.

Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số nội dung giải trình và trả lời chất vấn tại phiên làm việc.

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên làm việc.

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên làm việc.

Nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng

Giải trình về tính khả thi hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cũng như giai đoạn 2021-2025, Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Trong năm 2024, UBND tỉnh dự kiến mục tiêu tăng trưởng (GRDP) là 7,5%. Con số này dựa trên tình hình thực tế của tỉnh, bối cảnh khách quan và tính đến yếu tố phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trả lời chất vấn, giải trình một số nội dung.

Đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trả lời chất vấn, giải trình một số nội dung.

Về chỉ tiêu tăng trưởng chung phụ thuộc chủ yếu vào ngành công nghiệp - xây dựng; dịch vụ và thuế sản phẩm. Trong đó, công nghiệp - xây dựng là động lực tăng trưởng chính, phấn đấu tăng 8,1% (đạt mức 69,6 nghìn tỷ đồng); dịch vụ và thuế tăng đạt 7,5% (tương đương 27,7 nghìn tỷ đồng). Để tăng trưởng giai đoạn 2021-2025, đạt bình quân 8%/năm thì tăng trưởng năm 2025 phải đạt hơn 12,6%, điều này phụ thuộc lớn vào tình hình phục hồi kinh tế chung và khả năng thu hút các nguồn lực đầu tư mang tính đột phá, tạo năng lực mới tăng thêm của tỉnh.

Năm 2024, để đạt mục tiêu tăng trưởng, UBND tỉnh đã đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu, cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực. Sau khi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh sẽ sớm ban hành quyết định giao kế hoạch cụ thể đến các sở, ban, ngành, địa phương; đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá trong quá trình triển khai thực hiện để bổ sung các giải pháp phù hợp với thực tiễn phát triển của từng ngành, lĩnh vực.

Mục tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2024 là 19.515 tỷ đồng

Về mục tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2024 là 19.515 tỷ đồng (thấp hơn kế hoạch năm 2023), đồng chí Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, phân tích: Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết gia nhập WTO, thỏa thuận song phương và khu vực làm ảnh hưởng trực tiếp tới thu ngân sách. Ngoài ra, thu ngân sách còn chịu tác động chung của nền kinh tế thế giới, nhu cầu của thị trường suy giảm; các nền kinh tế lớn là đối tác của Việt Nam như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) giảm chỉ tiêu mua sắm, đặc biệt là các sản phẩm dệt may, chè... (đều là những mặt hàng thế mạnh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên).

Đồng chí Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, trả lời chất vấn.

Đồng chí Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, trả lời chất vấn.

Thực tế trên cho thấy, nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn tỉnh dự báo gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế tỉnh ta có độ mở cao, các chính sách tài khóa vĩ mô đã và đang được Chính phủ triển khai đồng bộ, nhằm giảm gánh nặng và áp lực cho kinh tế tư nhân. Do vậy, chỉ tiêu thu ngân sách năm 2024 của tỉnh đưa ra là đảm bảo tính khoa học và cơ sở thực tiễn. Để hoàn thành mục tiêu này, từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, UBND cần chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…

Kiên quyết xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH):

Trả lờinội dung chất vấn của đại biểu Đoàn Bách Thảo (Tổ đại biểu TP. Thái Nguyên) về việc làm rõ nguyên nhân tỷ lệ nợ BHXH tăng và cao hơn 2,04% so với tỷ lệ Trung ương giao cho tỉnh; giải pháp để thực hiện kế hoạch thu BHXH, Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thông tin: BHXH tỉnh Thái Nguyên hiện đang quản lý 4.713 doanh nghiệp gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc với số thu trên 6.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 11-2023, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các tổ chức, đơn vị trên địa bàn là 197,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,24%.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thì nguyên nhân chủ quan là một sổ chủ sử dụng lao động nhận thức hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ; quy định chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trả lời chất vấn.

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trả lời chất vấn.

Về giải pháp cho vấn đề này, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan đến BHXH; thông báo công khai doanh nghiệp nợ đóng BHXH, BHYT trên phương tiện thông tin đại chúng; phát huy vai trò của ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHTY các cấp; UBND cấp huyện thành lập các tổ đôn đốc, thu hồi nợ BHXH đối với doanh nghiệp đóng trên địa bàn; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH và các ngành liên quan, kiên quyết xử lý các vi phạm đối với doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài.

Tăng cường giải pháp thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Đối với nội dung chất vấn của Ngô Thế Hoàn (Tổ đại biểu TP. Thái Nguyên) về giải pháp thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, đồng chí Đặng Văn Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Giai đoạn 2015-2025, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 3 đề án bảo vệ môi trường; các văn bản quy phạm pháp luật về tăng cường quản lý Nhà nước đối với nội dung này. Cùng với đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ trang thiết bị thu gom rác thải sinh hoạt cho các địa phương; quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, cải tạo khu xử lý chất thải...

Đồng chí Đặng Văn Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trả lời chất vấn.

Đồng chí Đặng Văn Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trả lời chất vấn.

Đến nay, chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh đạt trên 85%; 2 địa phương có đạt 100% là TP. Thái Nguyên và TP. Sông Công; cả 3 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên) đều đã xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Tuy nhiên, việc thu gom rác thải đối với các xã, xóm vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải còn nhiều hạn chế. Từ thực tế này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cùng với nâng cao hiệu quả việc thu gom, xử lý rác thải thì cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, hạ tầng phục vụ công tác này…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202312/giai-trinh-lam-ro-nhieu-van-de-dai-bieu-dat-ra-f651318/