Giải trình làm rõ nhiều vấn đề dư luận quan tâm

Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn, ý kiến đề xuất của Đoàn giám sát và các đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh quyết định lựa chọn một số ý kiến yêu cầu giải trình tại Phiên giải trình, giám sát của Thường trực HĐND tỉnh ngày 30-10.

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh điều hành Phiên giải trình, giám sát.

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh điều hành Phiên giải trình, giám sát.

Hiện nay còn 4 chủ đầu tư các dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với số tiền 51,1 tỷ đồng. Đề nghị giải trình làm rõ nguyên nhân chậm nộp và xác định giải pháp, biện pháp xử lý cụ thể đối với các chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định.

Trên địa bàn tỉnh còn 4 chủ đầu tư các dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với tổng số tiền là trên 51 tỷ đồng, là: Công ty CP Xuất nhập khẩu Anh Thu - chủ đầu tư Dự án Khu dân cư hành chính - kinh tế dịch vụ thị trấn Ba Hàng, TP. Phổ Yên (số tiền chưa nộp: 1,5 tỷ đồng); Công ty TNHH Một thành viên Khoáng sản và Bất động sản Anh Thắng - chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Quang Trung - Quang Vinh, TP. Thái Nguyên (số tiền chưa nộp: 16,2 tỷ đồng); Công ty CP Bia và nước giải khát Thái Nguyên - chủ đầu tư Dự án Khu dân cư số 1 phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên (số tiền chưa nộp: 1,2 tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên - chủ đầu tư Khu đô thị Hồng Vũ, TP. Sông Công (số tiền chưa nộp: 32,1 tỷ đồng).

Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao đất, xác định giá, tuy nhiên theo số liệu của cơ quan thuế, đến nay 4 chủ đầu tư trên chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước theo quy định do gặp khó khăn về tài chính.

Về giải pháp trong thời gian tới UBND tỉnh giao cơ quan thuế tăng cường đôn đốc, công khai thông tin, thực hiện cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định pháp luật liên quan. Trong trường hợp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng không chấp hành, thì cơ quan thuế có văn bản kiến nghị UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định.

Đề nghị làm rõ số đơn vị công lập tự chủ về tài chính đang được Nhà nước giao đất phải chuyển sang thuê đất theo quy định và lộ trình triển khai thực hiện. Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để thực hiện nội dung trên trong thời gian tới.

Theo kết quả báo cáo bổ sung của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 16 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, phải chuyển sang thuê đất theo quy định của Điểm e Khoản 1 Điều 56 và Khoản 2 Điều 60 Luật Đất đai năm 2013.

Số đơn vị đã được UBND tỉnh quyết định cho phép chuyển hình thức là 12 đơn vị. Còn 4 đơn vị đang triển khai thực hiện do chưa xác định xong ranh giới sử dụng đất và thời điểm tính tiền thuê đất, gồm: Bệnh viện C, Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình, Bệnh viện Gang thép và Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường.

Khó khăn, vướng mắc hiện nay là về thời điểm xác định tính tiền thuê đất đối với các đơn vị tự chủ tài chính sau ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Ngày 18/9/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị hướng dẫn. Tuy nhiên, đến nay chưa nhận được văn bản hướng dẫn.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và đề nghị Bộ sớm có văn bản hướng dẫn làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ chuyển hình thức sang thuê đất theo đúng quy định. Đồng thời xác định ranh giới sử dụng đất, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoàn thiện hồ sơ chuyển sang thuê đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đại biểu Ân Văn Thanh, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đề nghị giải trình 5 nội dung.

Đại biểu Ân Văn Thanh, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đề nghị giải trình 5 nội dung.

Đề nghị báo cáo nguyên nhân, lý do chưa phê duyệt phương án sử dụng đất đối với phần diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường trả lại cho địa phương quản lý; cũng như lộ trình, giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề trên.

UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo đối với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị sử dụng đất đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc rà soát hiện trạng sử dụng đất, công tác lập, phê duyệt phương án sử dụng đất đối với diện tích đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo quy định.

Tổng diện tích các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về cho địa phương quản lý là 19.620ha, trong đó diện tích đất đã thu hồi giao về địa phương là 12.772ha; diện tích các đơn vị đang rà soát để bàn giao cho địa phương khoảng 6.848ha.

Đối với diện tích 12.772ha đất, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi bàn giao cho UBND cấp huyện. UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất đối với 4.573ha, trong đó huyện Đồng Hỷ là 3.229/4.906ha và đã cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân tại xã Cây Thị và xã Hợp Tiến với diện tích là 328ha. Huyện Võ Nhai là 1.340/1.646ha và đã cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân tại xã Dân Tiến với diện tích 972ha. Huyện Phú Bình là 4/1.411ha và đã cấp GCNQSDĐ cho hộ dân tại xã Tân Thành với diện tích 4ha.

Diện tích chưa xây dựng phương án sử dụng đất là 8.198ha, trong đó TP. Sông Công 32ha, TP. Phổ Yên 2.247ha, huyện Đại Từ 1.748ha, huyện Định Hóa 73ha, huyện Đồng Hỷ 1.676ha, huyện Phú Bình 1.453ha, huyện Phú Lương 664ha, huyện Võ Nhai 306ha.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị tham gia ý kiến vào phương án sử dụng đất của huyện Võ Nhai, Đại Từ và Đồng Hỷ. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất của UBND huyện Võ Nhai. Huyện Đại Từ và Đồng Hỷ đang hoàn thiện hồ sơ phương án sử dụng đất, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ cho nhân dân. Các địa phương khác vẫn đang trong quá trình tổ chức lập phương án sử dụng đất, chưa hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường.

Do nông, lâm trường bàn giao về địa phương với diện tích lớn nên mất nhiều thời gian trong quá trình rà soát, xác định ranh giới, mốc giới và chủ sử dụng đất. UBND các huyện, thành phố còn thiếu nhân lực có chuyên môn nên chưa hoàn thiện việc lập phương án sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh giao chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ trì, khẩn trương thực hiện việc lập phương án sử dụng đất làm cơ sở giao đất, cho thuê đất và cấp GCNQSDĐ cho nhân dân. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, kiểm tra tiến độ, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập phương án sử dụng đất của các địa phương, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định.

Đồng chí Đặng Văn Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, giải trình các nội dung.

Đồng chí Đặng Văn Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, giải trình các nội dung.

Qua khảo sát và kiến nghị của cử tri, tình trạng đo bao, đo sai về ranh giới, cũng như sai lệch về vị trí giữa bản đồ với thực tế còn tương đối nhiều. 21 xã, phường vẫn đang sử dụng bản đồ cũ chưa được chỉnh lý. Một số đơn vị cấp xã đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ theo phương pháp hiện đại nhưng đến nay không thể sử dụng. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ vấn đề trên trong thời gian tới?

Hiện nay còn 21 xã, phường, thị trấn thuộc TP. Phổ Yên, các huyện Đại Từ, Võ Nhai đang sử dụng bản đồ địa chính công nghệ truyền thống, đo đạc từ những năm 1990 có độ chính xác thấp.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thực hiện lập, trình UBND tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp lần đầu và cấp đổi đồng loạt GCNQSDĐ, hoàn thiện hồ sơ địa chính TP. Phổ Yên, khi hoàn thành thủ tục pháp lý theo quy định sẽ triển khai tại 18 phường, xã vào quý IV năm 2023. Các xã, thị trấn còn lại thuộc các huyện Đại Từ, Võ Nhai sẽ triển khai trong thời gian tới.

Tình trạng đo bao, đo sai về ranh giới, cũng như sai lệch về vị trí giữa bản đồ với thực tế là không tránh khỏi, nhưng không nhiều. Về cơ bản, bản đồ được đo vẽ đúng hiện trạng, các thửa đất đo đạc theo ranh giới thực tế có diện tích chênh lệch (tăng, giảm) so với bản đồ đo đạc năm 1996-1997, do nhiều nguyên nhân, trong đó đất đai có nhiều biến động lớn sau nhiều năm do người dân tự ý hợp thửa, tách thửa để tặng cho, chuyển nhượng, chuyển đổi, chuyển mục đích sử dụng nhưng không làm thủ tục theo quy định… Vì vậy, phần lớn các thửa đất đo đạc theo hiện trạng có sự thay đổi về ranh giới, diện tích, mục đích sử dụng… là một trong những yếu tố dẫn đến khó khăn, chậm tiến độ cấp đổi GCNQSDĐ theo bản đồ chỉnh lý ở các xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ; xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên thời gian qua.

Trong quá trình thực hiện công tác đăng ký, cấp GCNQSDĐ khi có phản ánh của địa phương về đo vẽ sai sót trên bản đồ, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời chỉ đạo đơn vị thi công kiểm tra, sửa chữa, hoàn thiện bản đồ theo kết quả đăng ký, cấp GCNQSDĐ.

Đối với những trường hợp đã đo vẽ đúng hiện trạng nhưng có sự chênh lệch diện tích giữa hiện trạng với hồ sơ địa chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác cấp đổi GCNQSDĐ đúng theo quy định.

Qua khảo sát cho thấy kết quả chấp hành các quyết định xử phạt hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm về đất đai còn có nhiều hạn chế. Việc nộp tiền phạt, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tại một số địa phương đạt thấp (khoảng 10%). Đề nghị xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cũng như giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên.

Nguyên nhân, lý do việc chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục tình trạng ban đầu hầu như chưa được thực hiện là do các vi phạm đã xảy ra từ nhiều năm trước, do lịch sử để lại. Mặt khác, người dân đã xây dựng nhà ở ổn định và không có chỗ ở nào khác.

Việc cưỡng chế để tháo dỡ các công trình vi phạm liên quan đến an sinh xã hội, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, người vi phạm vào tình thế không có nhà ở, gia đình có nhu cầu thực sự và đề nghị xin chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không phù hợp quy hoạch.

Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số cá nhân vi phạm còn hạn chế; chế tài xử phạt một số vi phạm cụ thể còn bất cập, mức phạt một số hành vi thấp, chưa có tính răn đe, dẫn đến tình trạng người sử dụng đất xem nhẹ, cố tình sai phạm.

Khoản 2 Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 quy định chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất, lấn chiếm đất, sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục trình trạng của đất trước khi vi phạm.

Về giải pháp trong thời gian tới, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng pháp luật đất đai đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các quy định liên quan đến xử lý vi phạm hành chính. Tăng cường trách nhiệm của địa phương, đặc biệt là cấp xã trong công tác quản lý đất đai.

Về biên chế cho cấp huyện, bố trí công chức chuyên trách theo dõi thi hành pháp luật, thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở cấp huyện; biên chế công chức ngành Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, cấp xã để vừa đảm bảo thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân, vừa đảm bảo kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực này.

Đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo kết quả thực hiện rà soát các nhà văn hóa - khu thể thao (NVH-KTT) dôi dư và công tác hướng dẫn xây dựng phương án sắp xếp, xử lý đối với các NVH-KTT dôi dư không có nhu cầu tiếp tục sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 510 NVH-KTT dôi dư (trong đó có 272 NVH-KTT đang sử dụng, 238 NVH-KTT không sử dụng). Để việc rà soát, sắp xếp NVH-KTT dôi dư đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, ngày 28/4/2023 UBND tỉnh ban hành công văn về thực hiện các nội dung kiến nghị, đề xuất của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về thiết chế văn hóa, thể thao xóm, tổ dân phố.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giải trình các nội dung.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giải trình các nội dung.

Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố đánh giá hiện trạng các NVH-KTT tại các xóm, tổ dân phố trên địa bàn; thống kê, rà soát NVH-KTT dôi dư, không có nhu cầu sử dụng, đề xuất hướng xử lý; đồng thời giao Sở Tài chính trên cơ sở đề nghị của các địa phương về phương án sắp xếp, xử lý NVH-KTT dôi dư (là tài sản công), không có nhu cầu sử dụng, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp theo quy định.

Hiện nay, UBND các huyện, thành phố đã ban hành văn bản hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, xác định nhu cầu, đề xuất phương án để UBND huyện xây dựng phương án sắp xếp, xử lý cụ thể cho từng NVH-KTT.

Cùng với việc chỉ đạo rà soát, sắp xếp NVH-KTT dôi dư, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đầu tư NVH-KTT xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025, phấn đấu đến năm 2025 có từ 80 - 90% NVH-KTT xóm, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đề nghị Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường báo cáo, giải trình về việc ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng NVH-KTT xóm, tổ dân phố gặp nhiều khó khăn, hoặc không thể bố trí quỹ đất đảm bảo các tiêu chí. Tỷ lệ các NVH-KTT xóm, tổ dân phố được cấp GCNQSDĐ đạt thấp.

Thực hiện Nghị quyết số 161/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thông qua Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2035, UBND các huyện, thành phố đã lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Theo đó, UBND các huyện, thành phố đã rà soát, bố trí quỹ đất để quy hoạch NVH-KTT xóm, tổ dân phố.

Từ đó, UBND các huyện, thành phố đã trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện làm cơ sở để thu hồi đất triển khai thực hiện. Cụ thể, kế hoạch sử dụng đất từ năm 2021 đến năm 2023 đã phê duyệt bố trí 39,54ha để xây dựng các công trình văn hóa và 62,96ha để xây dựng các công trình thể dục, thể thao, khu thể thao xóm, tổ dân phố.

Qua đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, tỷ lệ thực hiện đạt thấp (khoảng 30%), nguyên nhân do UBND các huyện, thành phố chưa tập trung quyết liệt để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cấp GCNQSDĐ; Việc vận động nhân dân hiến đất để xây dựng NVH-KTT xóm, tổ dân phố còn gặp nhiều khó khăn.

Về giải pháp thời gian tới, UBND các huyện, thành phố khẩn trương bố trí nguồn vốn và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện tốt công tác dân vận để vận động nhân dân hiến đất nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng NVH-KTT xóm, tổ dân phố đảm bảo đúng tiến độ.

Để giải quyết việc cấp GCNQSDĐ cho các NVH-KTT xóm, tổ dân phố, UBND tỉnh đã có văn bản giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở đã có văn bản hướng dẫn việc hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các NVH-KTT xóm, tổ dân phố gửi UBND các huyện, thành phố.

Về thẩm quyền cấp GCNQSDĐ đối với NVH-KTT do xóm, tổ dân phố quản lý, sử dụng thì UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận; đối với NVH-KTT do UBND cấp xã, cấp huyện hoặc do các tổ chức khác quản lý, sử dụng thì UBND cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận.

UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cộng đồng dân cư đang quản lý, sử dụng NVH-KTT thực hiện việc đăng ký, kê khai hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ.

Trong những năm qua Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đã có nhiều hoạt động giám sát, trong đó có kiến nghị việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập đối với quá trình triển khai thực hiện dự án khu tái định cư tập trung. Tuy nhiên, đến nay có nhiều nội dung chưa được khắc phục, đặc biệt là tiến độ thực hiện giao đất, cấp GCNQSDĐ tại nơi ở mới cho các hộ dân còn rất chậm. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ Nhân dân tại khu tái định cư tập trung có nơi còn chưa được thực hiện đầy đủ. Đề nghị cho biết khó khăn, vướng mắc, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cũng như lộ trình giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, giải trình các nội dung.

Đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, giải trình các nội dung.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp, làm việc với các địa phương và ban hành văn bản đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện thu hồi GCNQSDĐ nơi ở cũ, cấp GCNQSDĐ nơi ở mới; bình xét lựa chọn hộ đủ tiêu chuẩn vào ở các dự án đã hoàn thiện. Đồng thời phối hợp với UBND cấp huyện tuyên truyền, vận động người dân sinh sống ổn định tại khu tái định cư.

Từ năm 2022 đến nay, UBND các huyện đã cấp giấy GCNQSDĐ nơi ở mới thêm cho 69 hộ dân, nâng tổng số hộ được cấp GCNQSDĐ nơi ở mới tại 7 khu tái định cư tập trung là 131 hộ/268 hộ dân.

Đối với các dự án còn lại: Khu tái định cư xã Lục Ba, huyện Đại Từ, Chi cục Phát triển nông thôn, UBND huyện Đại Từ, UBND xã Lục Ba đang hoàn thiện hồ sơ giao đất làm cơ sở cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân. Khu tái định cư xã Linh Thông, huyện Định Hóa; Khu tái định cư xã Văn Yên, huyện Đại Từ; Khu tái định cư xã Tân Thái, huyện Đại Từ, hiện đang được hoàn thiện hồ sơ trình giao đất, cấp GCNQSDĐ theo quy định.

Tuy nhiên, một số khu tái định cư đã giao đất cho địa phương quản lý sử dụng, song tiến độ cấp GCNQSDĐ còn chậm. Nguyên nhân do hiện trạng xây dựng của các hộ dân sai lệch so với quy hoạch chi tiết được phê duyệt nên phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp hiện trạng thực tế.

Mặt khác, do chưa có sự thống nhất của người dân đối với phương án bố trí đất đai trên thực địa, phải rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ của các hộ dân. Một số khu tái định cư chưa bàn giao đất cho địa phương quản lý, sử dụng, do trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh vướng mắc liên quan đến đai, như: Chưa thực hiện dứt điểm quy trình, thủ tục thu hồi, giao đất để thực hiện dự án như Khu tái định cư Lục Ba…

Đối với các khu này, hiện nay Chi cục Phát triển nông thôn đang phối hợp với UBND các huyện hoàn thiện thủ tục, hồ sơ và điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, qua rà soát, đến nay còn 41 hộ dân tại Khu tái định cư xã Văn Yên, huyện Đại Từ, chưa thực hiện theo cam kết, còn đang sinh sống tại hai nơi.

Dự án Xây dựng khu tái định cư tập trung vùng thiên tai, có nguy cơ sạt lở bờ sông và ngập úng xã Tân Phú, TP. Phổ Yên (nay là phường Tân Phú) được đầu tư xây dựng từ năm 2019 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2021. Địa phương đã thực hiện bình xét và bố trí đất cho các hộ dân vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở bờ sông và di chuyển vào khu tái định cư đảm bảo theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tuy nhiên chưa hỗ trợ kinh phí di chuyển vào khu tái định cư tập trung.

Hiện nay, Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã hết thời gian thực hiện, ngân sách Trung ương không bố trí bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (nguồn vốn sự nghiệp kinh tế) thực hiện hỗ trợ cho hộ gia đình trong Dự án Xây dựng khu tái định cư tập trung vùng thiên tai, có nguy cơ sạt lở bờ sông và ngập úng phường Tân Phú.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đôn đốc, phối hợp với UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện phê duyệt quy hoạch chi tiết, rà soát, bình xét di chuyển các hộ dân vào các khu tái định cư đã hoàn thành; hoàn thành cấp GCNQSDĐ tại nơi ở mới cho các hộ tái định cư; chỉnh lý GCNQSDĐ nơi ở cũ; triển khai vận động, tuyên truyền để giải quyết dứt điểm tình trạng các hộ dân còn ở hai nơi và các tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án khu tái định cư tập trung.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 196 công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn hoạt động kém bền vững và không hoạt động. Đề nghị cho biết nguyên nhân, lý do đến nay chưa có văn bản hướng dẫn để các địa phương thực hiện cải tạo, nâng cấp hoặc tiến hành thanh lý các công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn không thể sửa chữa

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 196 công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động, trong đó có 112 công trình hoạt động kém hiệu quả, 84 công trình không hoạt động (17 công trình có khả năng phục hồi, 67 công trình không có khả năng phục hồi).

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý của địa phương còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều công trình không có tổ quản lý vận hành, đa số cán bộ, nhân viên là kiêm nhiệm, không có chuyên môn, nghiệp vụ và thiếu được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật.

Mặt khác, nhận thức của cộng đồng về sử dụng nước sạch còn chuyển biến chậm, đặc biệt là tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn các công trình do địa phương quản lý chưa thu phí sử dụng nước sinh hoạt hoặc có thu nhưng rất thấp, không đủ bù chi, dẫn đến không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng và hỗ trợ công cho tổ quản lý vận hành.

Kinh phí hàng năm đầu tư sửa chữa, nâng cấp của các địa phương cho công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn còn hạn chế, dẫn đến công trình bị xuống cấp, hư hỏng, nhiều công trình không hoạt động được.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phê duyệt Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2025 để sửa chữa, nâng cấp và xây mới đối với 23 công trình cấp nước tập trung.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện bố trí nguồn kinh phí của địa phương và các nguồn xã hội hóa để duy tu, sửa chữa và xây mới các công trình cấp nước tập trung tại các địa phương.

Đối với việc xử lý các công trình không hoạt động và không còn khả năng phục hồi, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; thực hiện công tác thanh lý, xử lý tài sản công trình. Đến nay, UBND huyện Phú Lương, UBND huyện Định Hóa đang thực hiện các thủ tục xử lý các công trình cấp nước tập trung không còn hoạt động.

Đề nghị báo cáo tiến độ việc xây dựng phương án giá bán nước đối với các công trình nước sinh hoạt nông thôn; việc bàn giao và xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, cũng như việc bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng sau khi dự án đã hoàn thành.

Về tiến độ xây dựng phương án giá nước đối với các công trình nước sinh hoạt nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng phương án giá bán nước đối với công trình cấp nước sạch nông thôn, đang trình sở Tài chính thẩm định. Dự kiến, phương án giá được phê duyệt trong tháng 11-2023.

Các dự án sau khi hoàn thành, UBND tỉnh sẽ giao cho các đơn vị quản lý vận hành, khai thác theo phân cấp quản lý theo Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 12/3/2015 của UBND tỉnh.

Về bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng sau khi dự án hoàn thành, các công trình do cấp tỉnh (Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn) quản lý được thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp của tỉnh. Đối với các công trình do địa phương quản lý, hàng năm, địa phương chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, đồng thời lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung theo kế hoạch vốn được giao hàng năm để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202310/giai-trinh-lam-ro-nhieu-van-de-du-luan-quan-tam-75312aa/