Giải trình nhiều vấn đề cử tri quan tâm
Tại Phiên giải trình, Kỳ họp thứ 9 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa X, ngày 13-7, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành tỉnh giải trình cụ thể cách quản lý và thông tin tình hình sử dụng điện của người dân và tiến độ hỗ trợ người chăn nuôi bị tiêu hủy do dịch tả heo Châu Phi. Đây là những vấn đề cử tri và nhân dân rất quan tâm kiến nghị trong các lần tiếp xúc cử tri.
GIẢI TRÌNH RÕ VẤN ĐỀ ĐIỆN
Tại phiên giải trình, đại biểu đặt vấn đề, hiện nay cử tri còn phản ánh việc ghi chỉ số điện kế nhiều lúc tháng sau tăng gấp 2 đến 3 lần so với tháng trước (dù không lắp đặt thêm thiết bị mới trong nhà), dẫn đến tiền điện tăng cao bất thường. Đề nghị ngành Điện giải trình rõ về cách quản lý và thông tin tình hình sử dụng điện của người dân nhằm đảm bảo tính công khai và minh bạch; giải pháp trong thời gian tới?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang Lê Hữu Đức cho biết, theo chủ trương hiện đại hóa ngành Điện của Thủ tướng Chính phủ, Công ty Điện lực Tiền Giang đã và đang triển khai thực hiện lắp đặt công tơ điện tử và dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ lắp đặt 100%. Đối với công tơ điện tử này đã được cơ quan chức năng của Nhà nước phê duyệt mẫu và được cơ quan kiểm định độc lập kiểm định đạt chuẩn quy định đo lường trước khi lắp đặt đo, đếm điện bán điện.
Ngoài ra, theo thống kê mức tiêu thụ của máy điều hòa thường chiếm từ 28% - 64% trên tổng mức điện sử dụng của gia đình, có khi đến 80% chi phí tiền điện của cả gia đình. Khi đến mùa nắng nóng, người dân sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn và các thiết bị này phải hoạt động hết công suất trong thời gian dài; khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 10C thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng thêm 3% và khi nhiệt độ tăng thêm 50C thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng thêm 10%.
Riêng đối với khu vực nông thôn còn có thêm trường hợp mức sử dụng điện tăng cao bất thường do nguyên nhân đường dây sau điện kế hư hỏng, dây dẫn điện bị bong tróc cách điện va quẹt cây xanh, chạm đất... nhất là khi có gió mạnh, giông lốc. Do đó, trong các tháng cao điểm nắng nóng vừa qua (các tháng 3, 4, 5, 6 năm 2023), tình hình sử dụng điện cho sinh hoạt tăng rất cao, toàn tỉnh bình quân tăng từ 15% đến 30% so với tháng sử dụng điện bình thường.
Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang Lê Hữu Đức đề nghị, trong quá trình sử dụng điện nếu khách hàng có nghi vấn về độ chính xác của công tơ thì sớm có phản ảnh với Điện lực khu vực; trong thời gian 3 ngày làm việc, Điện lực sẽ dùng công tơ mẫu để kiểm chứng tính chính xác của công tơ, nếu trường hợp khách hàng vẫn chưa thống nhất thì đề nghị đơn vị kiểm định độc lập do Sở Công thương chỉ định đơn vị kiểm định (theo quy định tại Điều 19 của Nghị định 137 ngày 21-10-2013 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực).
Về phương thức quản lý của ngành Điện, Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang Lê Hữu Đức cho biết, luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cụ thể, năm 2015, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã thành lập Trung tâm Chăm sóc khách hàng (TTCSKH). Đây là đầu mối tiếp nhận, trả lời, giải quyết tất cả các yêu cầu của khách hàng về dịch vụ điện thông qua Tổng đài 19001006/19009000 hoặc website chăm sóc khách hàng https://cskh.evnspc.vn/; trong đó, có thông tin tra cứu hóa đơn tiền điện, thanh toán trực tuyến, điểm thu tiền điện, lịch ngừng giảm cung cấp điện, báo mất điện, tính hóa đơn tiền điện...
Qua nhiều năm hoạt động, TTCSKH không ngừng đổi mới về phương thức hoạt động từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người... ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp góp phân đáp ứng và giải quyết mọi yêu cầu, thắc mắc của khách hàng liên quan đến các dịch vụ điện. Từ năm 2020, website chăm sóc khách hàng đã liên kết với Cổng Dịch vụ công quốc gia nên khách hàng có thể gửi yêu cầu trực tiếp từ cổng Dịch vụ công quốc gia.
GIẢI TRÌNH VIỆC HỖ TRỢ DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI
Cũng tại phiên giải trình, đại biểu cho biết, cử tri trong tỉnh phản ánh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) xảy ra trên địa bàn huyện từ năm 2021 đến nay, các xã đã lập biên bản tiêu hủy, nhưng đến nay người nuôi heo bị tiêu hủy chưa được nhận tiền hỗ trợ. Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết có hỗ trợ cho người chăn nuôi bị tiêu hủy từ năm 2021 đến nay hay không? Nếu có thì mức hỗ trợ như thế nào và thời gian nào thực hiện hỗ trợ?
Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết, từ năm 2019 trở về trước, việc hỗ trợ thiệt hại cho người sản xuất được áp dụng theo Nghị định 02 ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tùy từng thời điểm và quy định của Trung ương, UBND tỉnh đã cụ thể bằng các quyết định 3195 ngày 1-11-2017; 1963 ngày 19-6-2019 và 2598 ngày 15-8-2019.
Riêng năm 2020, việc hỗ trợ người nuôi có heo tiêu hủy do DTHCP được hỗ trợ theo Quyết định 147 ngày 22-1-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về hỗ trợ kinh phí phòng, chống DTHCP năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (Quyết định này được cụ thể hóa trên cơ sở Quyết định 2254 ngày 30-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống DTHCP năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2020).
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Tiền Giang chưa thực hiện hỗ trợ cho 328 hộ và trên 500 tấn heo đã tiêu hủy do DTHCP vì chính sách hỗ trợ đã hết hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã có 3 văn bản gồm: Công văn 6222 ngày 2-11-2021 về việc xin chủ trương hỗ trợ heo buộc bị tiêu hủy do DTHCP trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Công văn 530 ngày 27-1-2022 về việc tiếp tục xin chủ trương áp dụng chính sách hỗ trợ heo buộc bị tiêu hủy do DTHCP trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Công văn 4624 ngày 23-8-2022 về việc đề nghị bổ sung kinh phí hỗ trợ hộ chăn nuôi có heo buộc tiêu hủy do DTHCP trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gửi xin ý kiến và kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ cơ quan Trung ương.
Trước tình hình trên, ngày 9-6-2023, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục có Công văn 2861 về chính sách hỗ trợ heo buộc bị tiêu hủy do DTHCP; trong đó, đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho tỉnh Tiền Giang áp dụng cơ chế, chính sách, hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống DTHCP để địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện đúng quy định. Do vậy, cơ chế chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống DTHCP trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ được thực hiện khi có hướng dẫn từ các cơ quan có thẩm quyền.