Giảm 1.600 tỉ đồng chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế

Quốc hội quyết mức chi ngân sách Trung ương là hơn 1 triệu tỉ đồng. Trong đó, số tiền chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế là 14.600 tỉ đồng, giảm 1.600 tỉ so với 2019.

Kết quả biểu quyết nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020

Kết quả biểu quyết nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020

Sáng nay 14-11, với 437/441 đại biểu có mặt tán thành (số đại biểu đồng ý chiếm 90,48% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

Theo đó, Quốc hội quyết định tổng số thu ngân sách trung ương là 851.768, 636 tỉ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 660.531,364 tỉ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.069.568,636 tỉ đồng.

Đáng chú ý, chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế đã giảm so với năm trước, còn 14.600 tỉ đồng (năm 2019 dự toán 16.200 tỉ đồng).

Quốc hội quyết định năm 2020 chi trả nợ lãi 115.400 tỉ đồng, chi thường xuyên 479.787.222 tỉ đồng. Chi đầu tư phát triển 220.000 tỉ đồng, chi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể 55.066 tỉ đồng...

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước vẫn đang là vấn đề "nóng" trong thời gian qua, nếu như năm 2015 tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ đạt 64,8%, thì năm 2016 giảm chỉ còn 54,5%, năm 2017 giảm còn 53,1%, năm 2018 là 50,9% và đến năm 2019 chỉ đạt 49,1%.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát quy trình, thủ tục, tập trung vào các điểm nghẽn, có nhiều vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến thời hạn phân bổ, giao kế hoạch vốn và giải ngân để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; có chế tài xử lý đủ mạnh đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân gây chậm trễ trong việc giao kế hoạch vốn và giải ngân vốn.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể; kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn của các công trình, dự án, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho các dự án được triển khai theo đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng để chuẩn bị cho một thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Quốc hội và Chính phủ nên tính toán lại cân đối ngân sách, tỷ lệ để lại cho một số địa phương trong cân đối chung (đặc biệt là các địa phương tự cân đối như TP HCM).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết đúng như ý kiến các vị ĐBQH đã nêu, việc xây dựng tỷ lệ điều tiết hợp lý, hài hòa, phù hợp giữa trung ương và địa phương là một trong những yêu cầu quan trọng, có tác động trực tiếp đến định hướng, động lực phát triển của các địa phương và cả nước.

Trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 1023/UBTVQH14 và Nghị quyết số 266/UBTVQH14 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi ĐTPT và chi thường xuyên; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/2015/TTg và Quyết định số 46/2016/TTg về tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách, trong đó đã có các quy định ưu tiên phân bổ ngân sách cho các địa phương trọng điểm kinh tế.

"UBTVQH đề nghị Chính phủ sớm đánh giá, tổng kết về tỷ lệ điều tiết của các địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 và dự kiến xây dựng tỷ lệ điều tiết cho thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo 2021-2025, trình Quốc hội xem xét, quyết định"- ông Nguyễn Đức Hải nói.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/chinh-tri/giam-1600-ti-dong-chi-cai-cach-tien-luong-tinh-gian-bien-che-20191114105755976.htm