Giảm áp lực cho giao thông tĩnh Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6440/QĐ-UBND phê duyệt thêm 191 tuyến đường phố được tổ chức trông giữ xe tạm, nâng tổng số toàn TP lên 234 tuyến.
Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm giảm một phần áp lực giao thông tĩnh trong trung tâm TP giữa bối cảnh khó khăn hiện tại.
Chấm dứt mệt mỏi cho các bên
Hà Nội đang thiếu trầm trọng chỗ đỗ gửi xe phục vụ người dân, đại đa số dự án giao thông tĩnh vẫn nằm trên giấy chờ nhà đầu tư. Trong khi đó hàng trăm tuyến phố có đủ điều kiện tổ chức đỗ xe lại không được tận dụng, nhiều nơi cắm biển cấm dừng đỗ.
Tuy nhiên, biển cấm không phát huy tác dụng như mong muốn, hàng loạt tuyến đường phố xuất hiện các bãi xe “lậu”, gây mất an ninh, trật tự, ATGT, thất thu cho ngân sách. Theo thống kê mới đây nhất của Phòng PC06, Công an TP Hà Nội, toàn TP có tới 340 điểm trông giữ xe không phép hoạt động ổn định trên các tuyến đường phố.
Tình trạng trông giữ xe không phép trên những tuyến đường phố trung tâm bị cấm thời gian qua đã gây mệt mỏi cho cả lực lượng chức năng địa phương, DN và người dân. Do nhu cầu quá cao, dù cấm nhưng người dân vẫn dừng đỗ xe bởi không có cách nào khác.
Lợi dụng tình thế, hàng loạt cá nhân, tổ chức “nhảy ra” thu tiền đút túi riêng. Lực lượng chức năng cứ ra quân dẹp bãi xe lậu được một vài ngày lại tái diễn, mà không dẹp thì công tác quản lý địa bàn lại lỏng lẻo, yếu kém. Bởi vậy, việc quyết định cho phép tổ chức trông giữ xe trên 191 tuyến đường phố mới (nâng tổng số lên 234 tuyến) của UBND TP Hà Nội được cho là hợp tình, hợp lý.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, việc mở rộng vùng cấp phép trông giữ phương tiện trên lòng đường, hè phố của Hà Nội thời điểm này là rất đúng đắn.
“Người dân có nơi gửi xe an toàn, hợp pháp, đáp ứng nhu cầu. DN có điều kiện làm ăn chính đáng, không phải lẩn trốn, chống đối; còn lực lượng chức năng thì giảm gánh nặng quản lý, hạn chế tiêu cực. Đây là giải pháp chấm dứt mệt mỏi cho tất cả các bên” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo quy định, các tuyến phố có mặt cắt từ 7,5m trở lên, nếu đủ điều kiện tổ chức giao thông có thể cấp phép trông giữ xe một bên đường. Còn tuyến phố có mặt cắt từ 10,5m trở lên đủ điều kiện có thể cấp phép trông gữi xe hai bên lề đường. Tuy nhiên, việc cấp phép cho các tuyến phố phải dựa trên đánh giá, đề xuất của địa phương.
"Sau một thời gian đánh giá, nếu việc cấp phép cho trông giữ xe trên những tuyến phố rộng rãi mang lại hiệu quả, Hà Nội cần tiếp tục mở rộng hơn nữa. Cấp phép để quản lý, thu ngân sách, chấm dứt tình trạng bãi “lậu” làm giàu cho tư nhân trong khi ngân sách phải gánh phần duy tu, sửa chữa; đồng thời chấm dứt cảnh lộn xộn, bắt chẹt người dân. Chắc chắn giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho cả TP”.
Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh
Đến nay, sau thời gian dài nghiên cứu, đánh giá, TP Hà Nội mới phê duyệt chủ trương cho mở rộng trông giữ xe thêm 191 tuyến đường phố mới, trước đó chỉ có 43 tuyến, nâng tổng số lên 234 tuyến trong toàn TP. Các tuyến phố được cấp phép trông giữ xe nằm hầu hết ở các quận nội thành có nhu cầu rất lớn như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm…
“Và điều quan trọng là các tuyến đường phố này đã được khảo sát kỹ lưỡng, nghiên cứu tỉ mỉ, đủ điều kiện đáp ứng mới được đưa vào danh mục cho tổ chức trông giữ phương tiện” - vị đại diện Sở GTVT Hà Nội nói.
Chủ trương này cũng nhận được sự ủng hộ sâu rộng của Nhân dân. Anh Nguyễn Hoàng Tùng (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho biết: “Ví dụ như tuyến phố Nguyễn Văn Lộc có mặt cắt đường rất rộng, nhưng do không cấp phép, không ai quản lý nên mạnh ai nấy chiếm. Nhà hàng, quán ăn coi lòng đường trước cửa là của mình, xua đuổi người dân không cho dừng đỗ xe, gây rất nhiều bức xúc. Nay cho tổ chức thành điểm trông giữ phục vụ người dân thì còn gì bằng!”.
Phục vụ phải công bằng
Hoan nghênh chủ trương đúng đắn của TP nhưng nhiều ý kiến của Nhân dân bày tỏ mong muốn quá trình triển khai Quyết định số 6440/QĐ-UBND trong thực tế phải đảm bảo công bằng, phục vụ lợi ích của người dân, ngăn ngừa tình trạng cát cứ, tư lợi.
Ông Nguyễn Văn Cường (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Hiện nay có những tuyến phố được cấp phép trông giữ xe, nhưng DN cắt thành từng phần, bán suất đỗ theo tháng cho các nhà hàng, quán sá, trong khi người dân còn chưa đủ chỗ gửi xe. Nếu 191 tuyến đường phố mới trong danh mục được cấp phép mà buông lỏng giám sát, quản lý sẽ xảy ra không ít hiện tượng như vậy. Kết quả là chủ trương đúng đắn nhưng người dân không được hưởng lợi”.
Tán thành quan điểm đó, thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, với mỗi DN, điều quan trọng nhất là lợi nhuận, để có nguồn thu ổn định họ sẵn sàng cho các cơ sở kinh doanh hai bên đường thuê lại chỗ đỗ theo tháng. Người dân nếu không đến mua sắm có thể vẫn chẳng tìm được chỗ đỗ xe, khiến chủ trương đúng có nguy cơ biến thành công cụ tư lợi cho DN.
“Bất cập này phải được ngăn chặn ngay từ đầu. Các DN xin cấp phép trông giữ xe phải nghiêm túc sử dụng ứng dụng thu phí không dùng tiền mặt; đồng thời được giám sát thường xuyên, chặt chẽ bởi lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng như cơ quan chức năng địa phương. Thậm chí yêu cầu DN phải ký cam kết ngay từ lúc bắt đầu triển khai, nếu không đảm bảo phục vụ Nhân dân thì thu hồi giấy phép” - bà Hoàng Thị Thu Phương nói.
Bên cạnh đó cũng có những ý kiến lo ngại việc mở rộng thêm nhiều tuyến phố cho phép tổ chức trông giữ xe trong khu vực nội thành sẽ ảnh hưởng đến tiến trình xác lập các vùng phát thải thấp của TP. Tuy nhiên, thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh cho rằng: “Việc cấp phép trông giữ xe tại 234 tuyến đường phố của Hà Nội đã được xác định là “tạm”, có thể chấm dứt ngay khi cần thiết. Hơn nữa những vùng phát thải thấp không cấm hoàn toàn phương tiện cá nhân mà khuyến khích người dân sử dụng xe điện, nên vẫn cần có chỗ đỗ xe cho người dân, du khách, xe kinh doanh vận tải…”.
Điều quan trọng trước mắt là ngay từ thời điểm bắt đầu triển khai hoạt động trông giữ xe trên 191 tuyến đường phố mới được phê duyệt, Hà Nội cần yêu cầu các DN nghiêm túc chấp hành mọi quy định như: ưu tiên phục vụ nhu cầu Nhân dân; thu phí không dùng tiền mặt; có phương án tổ chức giao thông và sử dụng hạ tầng hợp lý, không gây mất trật tự, ATGT.
UBND TP Hà Nội yêu cầu không tổ chức trông giữ phương tiện trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị. Những tuyến đường phố được cấp phép trông giữ xe phải đảm bảo không gây cản trở giao thông; không ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động bình thường của tổ chức, hộ gia đình hai bên đường phố.
Điểm để xe phải cách nút giao thông tối thiểu 20m; không được cắm cọc, chăng dây, rào chắn dưới lòng đường, không cản trở lồi đi dành cho người đi bộ. Đảm bảo sự công bằng vê nhu cầu dừng đỗ, trông giữ xe của các cơ quan tổ chức và Nhân dân dưới lòng đường hai bên tuyến phố; hai bên mặt đường phố có điều kiện về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tương đồng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giam-ap-luc-cho-giao-thong-tinh-ha-noi.html