Giảm áp lực cho học sinh lớp 12

Cả nước có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy… do các trường đại học tổ chức.

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Trong đó, kỳ thi của hai Đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa Hà Nội có đông thí sinh và được nhiều trường dùng để xét tuyển nhất. Năm nay số trường đại học, nhất là các trường tốp đầu có xu hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển từ các kỳ thi riêng. Vì thế, cùng với tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT, thời điểm này nhiều học sinh lớp 12 cũng đang dành thời gian luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Đáp ứng nhu cầu của thí sinh, nhiều trung tâm, cá nhân luyện thi đã cấp tập mở khóa ôn cấp tốc, luyện đề. Bên cạnh mở khóa luyện thi, Hệ thống Học mãi còn có phòng luyện để thí sinh làm bài, xem đáp án và hướng dẫn giải, từ đó nâng cao kỹ năng làm đề; tổ chức thi thử giúp thí sinh cọ xát rèn tâm lý, biết thứ hạng với các “đối thủ”.

Tuyển sinh 247 cũng có khóa luyện đề cấp tốc, đi từ làm quen các dạng bài đến luyện đề, thi thử và trang bị phương pháp làm bài suy luận khoa học. Đáng chú ý là trên Facebook, nhiều cá nhân còn giới thiệu, chào mời, cung cấp khóa luyện thi và bán đề thi đánh giá năng lực, quảng cáo luyện thi cam kết đỗ 100%. Giá cả từng khóa học từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng, tâm lý sẽ giúp thí sinh tự tin hơn để chinh phục điểm cao, nên việc ôn luyện thi là cần thiết. Tuy vậy, trong bối cảnh thi cử theo Chương trình GDPT 2018 hiện nay, thí sinh không nhất thiết dành quá nhiều thời gian vào các lò luyện cấp tốc, bởi chương trình mới được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực.

Hiện các trường đại học đã lên phương án đổi mới đề thi phù hợp Chương trình GDPT 2018, muốn làm tốt các kỳ thi đánh giá năng lực rất cần thí sinh vững kiến thức trong giai đoạn phổ thông. Vì thế GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định: Trung tâm luyện thi đáng tin cậy nhất chính là trường THPT, nếu học sinh học tốt toàn bộ chương trình THPT thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc luyện thi lan man tại các trung tâm.

“Các giáo viên phổ thông hoàn toàn hỗ trợ được cho học sinh có đủ kiến thức để làm tốt bài thi đánh giá năng lực, không cần tìm các lớp ôn tập ở đâu xa xôi”, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) khuyến cáo. Điều này là hoàn toàn đúng trong bối cảnh bài thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT cũng sẽ ra theo hướng đánh giá năng lực của học sinh.

Thời gian qua, để học sinh không phải mất quá nhiều thời gian, sức lực, tiền bạc cho ôn thi riêng, nhiều trường THPT tại TPHCM và Hà Nội đã tổ chức khảo sát nhu cầu người học, tăng cường công tác tư vấn, đồng thời tổ chức dạy học và ôn thi 2 trong 1, không chỉ đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp mà còn cả thi đánh giá năng lực.

Nhiều giáo viên cho biết cách làm này không phải quá khó khăn khi hai kỳ thi ngày càng có nhiều điểm chung. Mô hình này rất cần nghiên cứu và nhân rộng trong đợt tăng tốc ôn thi tốt nghiệp từ 14/2, khi ôn thi tốt nghiệp thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền học sinh, để giảm áp lực về cả thời gian và kinh phí.

Gia Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giam-ap-luc-cho-hoc-sinh-lop-12-post715396.html