Giảm áp lực cho ngành chăn nuôi gia cầm

Sáng nay (27/4), tại Hà Nội tổ chức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 'Hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới', trong đó, đề xuất các giải pháp khơi thông thị trường tiêu thụ cũng như kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và người chăn nuôi.

Mặc dù cải thiện đáng kể về hiệu quả và phương thức sản xuất, nhưng tái cơ cấu ngành chăn nuôi còn nhiều bất cập, đặt ra các vấn đề cần điều chỉnh để sát thực tế theo hướng nâng cao giá trị, hướng đến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Trong bối cảnh chi phí vật tư đầu vào tăng cao, sản phẩm chất lượng còn thấp, khó cạnh tranh các tham luận tại hội nghị đề xuất nhanh chóng hình thành các liên kết sản xuất trong ngành chăn nuôi gia cầm giữa các doanh nghiệp trong Hiệp hội ngành hàng theo chuỗi giá trị với người chăn nuôi như: Liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi gia công; liên kết theo chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm và thị trường tiêu thụ là các siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể…

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Việt Nam, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ hạn chế kể cả vốn, tín dụng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Xếp vị trí thứ 2 trong ngành chăn nuôi, tổng cung gia cầm đang vượt tổng cầu. Trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng đầu gia cầm tăng 17%; sản lượng thịt tăng 8,7%; sản lượng trứng tăng từ 6% đến 7% nhưng tỷ suất lợi nhuận của ngành ngày càng giảm, bên cạnh đó sản phẩm gia cầm nhập khẩu và nhập lậu tiếp tục gia tăng áp lực đối với ngành cũng như những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi.

Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi.

Ông Sơn chia sẻ: "Đã đến lúc phải có chính sách đặc thù cho ngành chăn nuôi. Bởi đây là ngành đang chịu rủi ro rất lớn. Cung vượt xa cầu trong khi sức tiêu thụ giảm mạnh. Vì vậy Chiến lược phát triển chăn nuôi sắp tới thay vì ồ ạt phát triển tổng đàn thì nên duy trì mức độ vừa phải tăng năng suất và chất lượng và đặc biệt là tăng giá trị".

Một số ý kiến cho rằng, phải chuẩn hóa lại số liệu thống kê bởi trong lĩnh vực gia cầm số liệu chưa phù hợp với thực tiễn, điều này gây ra hệ lụy sẽ không có căn cứ để hoạch định chính sách định hướng phát triển cho ngành hàng này.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cần có cơ chế đặc thù cho ngành chăn nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cần có cơ chế đặc thù cho ngành chăn nuôi.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, giải quyết những khó khăn của ngành chăn nuôi cần có lộ trình và giải pháp trước mắt đó là tăng cường vai trò của các Hiệp hội ngành hàng chăn nuoi gia cầm.

Theo ông Chinh: "Ngoài chính sách đất đai, thuế, trước mắt phải nhanh chóng hình thành liên kết sản xuất. Bởi chăn nuôi gia cầm nhất là các hộ nông dân đều theo quy mô nhỏ lẻt. Chúng ta phải liên kết tổ đội hợp tác xã có chính sách đi kèm và quan trọng dẫn dắt vẫn phải là các doanh nghiệp để tạo thành các chuỗi sản xuất cung ứng chuỗi giá trị".

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất, tăng cường kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu, bên cạnh việc tuân thủ các quy định của Hiệp định song phương và đa phương đã ký kết cũng cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật để ngăn chặn những sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, qua đó đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng cũng như người chăn nuôi trong nước./.

Minh Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/giam-ap-luc-cho-nganh-chan-nuoi-gia-cam-post1016730.vov