Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, làm giàu

Hội Phụ nữ các cấp tỉnh Nam Định đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương. Nhờ đó, tại địa phương đã xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình phụ nữ tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi...

Sản xuất các loại trà thảo mộc túi lọc tại Công ty Cổ phần dược liệu Hải Hậu (xã Hải Phương, huyện Hải Hậu).

Sản xuất các loại trà thảo mộc túi lọc tại Công ty Cổ phần dược liệu Hải Hậu (xã Hải Phương, huyện Hải Hậu).

Khai thác lợi thế địa phương

Năm 2018, chị Nguyễn Thị Hải Yến, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu đã táo bạo đưa ra quyết định khởi nghiệp bằng việc thành lập Công ty Cổ phần dược liệu Hải Hậu, chuyên chế biến sâu các loại thảo dược tạo ra các loại chè thảo mộc.

Chị Yến chia sẻ, qua tìm hiểu, chị thấy chất đất tại các xã trên địa bàn huyện Hải Hậu phù hợp cho việc trồng cây dược liệu. Người dân nơi đây có kinh nghiệm trồng các loại cây như, gừng đen, đinh lăng, dây thìa canh… để sử dụng. Trong khi trên thị trường, nhu cầu sử dụng các loại trà thảo mộc rất cao. Từ thực tế đó, chị Yến đã đầu tư sản xuất và kinh doanh các loại trà túi lọc.

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Phụ nữ xã, huyện, chị Yến vận động người thân và một số chị em trong xã cùng thực hiện kế hoạch trồng, chế biến các loại thảo dược. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, công ty liên kết, thu mua các loại thảo dược như, đinh lăng, nhân trần, đỗ đen, gừng đen… của người dân trên địa bàn huyện. Công ty xây dựng quy trình sản xuất khép kín. Nguyên liệu sau khi thu hoạch, sơ chế sạch được mang đi sấy, sao khô, nghiền, đóng gói và pha trộn theo tiêu chuẩn. Các công đoạn sản xuất cơ bản được thực hiện bằng máy nên đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện, công ty của chị Yến có 8 sản phẩm trà túi lọc; trong đó, 3 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Nhờ chú trọng chất lượng, công ty tạo được uy tín với khách hàng. Sản phẩm được tiêu thụ nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Ước tính, công ty xuất đi 5.000 hộp trà mỗi loại, với doanh thu khoảng 800 triệu đồng/năm.

Cũng nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của Hội Phụ nữ và tận dụng lợi thế địa phương, bà Đỗ Thị Cúc (ở khu 3, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu) dù đã ở tuổi ngoài 60 vẫn mạnh dạn khởi nghiệp, kinh doanh lạc đỏ truyền thống.

“Khởi sự kinh doanh không có giới hạn về tuổi tác hay ý tưởng. Dám nghĩ, dám làm, bám sát thực tiễn, không ngừng tìm tòi, học hỏi, biết bình tĩnh trước thất bại, không bỏ cuộc khi gặp khó là điều kiện cần để phụ nữ bắt tay vào kinh doanh”, bà Cúc tâm sự.

Sơ chế sản phẩm lạc đỏ tại cơ sở của gia đình bà Đỗ Thị Cúc (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu).

Sơ chế sản phẩm lạc đỏ tại cơ sở của gia đình bà Đỗ Thị Cúc (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu).

Bà Cúc cho hay, tận dụng lợi thế địa phương có truyền thống trồng lạc đỏ bởi loài cây này phù hợp điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở đây, nhất là nắm bắt tâm lý người tiêu dùng có xu hướng thích sản phẩm lạc đỏ, bà thu mua lạc của người dân trong thị trấn, đầu tư máy bóc lạc tự động, sơ chế, đóng gói, cho ra sản phẩm lạc đỏ truyền thống được khách hàng ưa chuộng. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hiện một năm, gia đình bà cung cấp khoảng 20 tấn lạc đỏ ra thị trường, tạo việc làm cho từ 5 - 7 lao động địa phương.

Bà Trần Thị Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) cho biết, trên địa bàn thị trấn có khoảng 270 ha lạc đỏ, với hơn 10 hộ chuyên thu mua, chế biến sản phẩm này. Tuy nhiên, chỉ có sản phẩm “Lạc đỏ Thịnh Long” do cơ sở của gia đình bà Cúc sản xuất đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.

Đồng hành cùng phụ nữ

Để hỗ trợ phụ nữ có ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp kinh doanh, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định đã đa dạng hình thức truyền thông nhằm hướng dẫn kiến thức khởi nghiệp, quản trị kinh doanh, kỹ năng cân bằng cuộc sống cho phụ nữ. Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp về kinh tế tập thể cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp và hội viên trong toàn tỉnh.

Các cấp Hội tổ chức nhiều diễn đàn, tọa đàm, hội nghị mời lãnh đạo, chuyên gia kinh tế chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; phối hợp với ngành chức năng, kết nối tổ chức, doanh nghiệp trong nước mở lớp tập huấn, tuyên truyền kiến thức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hợp tác xã, chuyển đổi số, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, kỹ năng bán hàng trên nền tảng số...Qua đó nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, năm 2023, các cấp Hội Phụ nữ phối hợp với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho trên 2.700 lao động nữ; đồng thời giới thiệu việc làm cho hơn 2.200 người.

Sản phẩm "Lạc đỏ Thịnh Long" đạt chứng nhận OCOP 3 sao của gia đình bà Đỗ Thị Cúc (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu).

Sản phẩm "Lạc đỏ Thịnh Long" đạt chứng nhận OCOP 3 sao của gia đình bà Đỗ Thị Cúc (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu).

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách việc làm, xuất khẩu lao động cho 1.000 hội viên phụ nữ; hỗ trợ 23 phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. 100% phụ nữ sau khi khởi nghiệp được tham gia bồi dưỡng kiến thức phát triển sản xuất kinh doanh.

Các cấp Hội Phụ nữ tăng cường ký kết nhận ủy thác vay vốn của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ. Đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn vay do Hội Phụ nữ trực tiếp quản lý, điều hành lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, đã hỗ trợ gần 100.000 hộ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định Trần Thị Định đánh giá, các chương trình hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương để phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, nguồn kinh phí hỗ trợ hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp còn hạn chế, gặp khó khăn về thủ tục hành chính; trình độ, năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp của cán bộ Hội Phụ nữ các cấp không đồng đều. Nhiều hội viên chưa mạnh dạn tham gia hoạt động xúc tiến bán hàng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh dẫn đến kết quả hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.

Thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan chức năng, tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất, tiếp cận nguồn vốn vay... để phát triển trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến; liên kết sản xuất quy mô lớn, tạo thêm ngày càng nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên. Các cấp Hội Phụ nữ thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; nhân rộng mô hình, điển hình tiêu biểu trong phong trào phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi; tổ chức thêm nhiều buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, quản lý doanh nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp giúp phụ nữ mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu.

Bài và ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ho-tro-phu-nu-khoi-nghiep-lam-giau-20240705105302746.htm