Giảm áp lực xuất khẩu khi nông sản đến vụ

Câu chuyện ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu có lẽ chưa thể giải quyết triệt để khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách 'Không COVID-19'.

Chính vì vậy, để tránh tình trạng phải hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi đến vụ, nhiều giải pháp đã được áp dụng như kết nối tiêu thụ, đưa nông sản lên sàn... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nông sản cần được chế biến sâu để gia tăng giá thành sản phẩm cũng như xuất khẩu theo chính ngạch để giảm áp lực và đảm bảo tính bền vững.

Chế biến thanh long xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Chế biến thanh long xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Nông sản lên sàn

Những tháng đầu năm 2022, các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Bình Định, Cần Thơ… đã ban hành kế hoạch, triển khai kết nối xúc tiến tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong những ngày này, khi mùa trái cây bắt đầu vào vụ, việc kích cầu nông sản Việt qua sàn thương mại điện tử càng quan trọng hơn bởi việc tiêu thụ nhanh và nông sản tươi đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế đều mau chóng, thuận tiện.

Ông Lê Đình Tú, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) cho biết, chỉ cần vào mạng gõ tên nông sản an toàn Thanh Hóa hoặc postmart.vn, voso.vn... và tìm kiếm tên các sản phẩm quan tâm, ngay lập tức thông tin sản phẩm sẽ hiện ra với đầy đủ thông tin về giá, xuất xứ sản phẩm...

Theo ông Lê Đình Tú, với sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa đưa các sản phẩm của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bình Sơn lên các sàn giao dịch, đến nay các sản phẩm của hợp tác xã đã được nhiều người biết đến và đặt hàng. Các đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn các đơn hàng từ kênh bán truyền thống gấp 2 - 3 lần...

Không chỉ đẩy mạnh được tiêu thụ hàng hóa trong nước, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã còn đẩy mạnh bán hàng xuyên biên giới nhờ sàn thương mại điện tử.

Nhiều năm tham gia xuất khẩu mặt hàng nông sản trên sàn Alibaba.com, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW nhận định, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống trên sàn này đang tăng cao ở khắp các quốc gia trên thế giới.

Theo ước tính doanh thu nửa đầu năm 2022 đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm như xoài, thanh long, sầu riêng, chanh tươi… của Việt Nam đang được thị trường các nước châu Á đón nhận tích cực, không chỉ về giá thành mà còn về số lượng, chất lượng sản phẩm.

Do đó, việc tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW nâng doanh thu xuất khẩu, từ 3.000 USD cho đơn đặt hàng đầu tiên lên 260.000 USD chỉ trong một năm sau đó.

Ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc phát triển kinh doanh của Alibaba.com Việt Nam xác nhận, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com; trong đó có tới gần 40% là các đơn vị liên quan đến nông sản.

Bình quân mỗi ngày một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông sản, đặc biệt là nhóm hàng thủy hải sản, trái cây, thức uống, gia vị… có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng.

Điều này cho thấy thị trường nông sản Việt Nam vô cùng tiềm năng và đầy dư địa phát triển. Các nhà cung cấp Việt trong lĩnh vực này có cơ hội rõ ràng để kết nối với khách hàng quốc tế và xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.

Mặt khác, nếu trái cây nói riêng và nông sản nói chung trải qua thêm khâu chế biến, không chỉ sản phẩm bán được giá, thời gian bảo quản lâu hơn mà hoạt động xuất nhập khẩu cũng có thời gian “thở”, bớt đi áp lực phải thông quan dồn dập hàng trăm xe nông sản mỗi ngày khi đến vụ.

Chủ động liên kết

Sơ chế vải thiều đóng gói xuất khẩu Nhật Bản tại Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Sơ chế vải thiều đóng gói xuất khẩu Nhật Bản tại Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Theo ông Phạm Văn Giang, đại diện Hợp tác xã Ameii Việt Nam (Hải Dương) cho biết, đến thời điểm hiện tại hợp tác xã đã có 300 tấn vải được doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ và phục vụ xuất khẩu, chiếm 2/3 sản lượng vải của của toàn hợp tác xã và giá vải được doanh nghiệp thu mua là khoảng 28.000 đồng/kg.

Cùng đó, tại Hợp tác xã Nông nghiệp xanh V-Phúc (Hải Dương), các thành viên đang bán vải tại vườn cho doanh nghiệp xuất khẩu với giá 38.000 - 40.000 đồng/kg. Mức giá này được các thành viên hợp tác xã đánh giá là cao gần gấp đôi so với vụ năm trước.

Ngoài ra, Hợp tác xã V-Phúc cũng đã phối hợp với các ban ngành và doanh nghiệp xuất khẩu hơn 11 tấn vải sang các nước Anh, Đức, Hà Lan. Dự kiến vụ vải năm nay xuất khẩu khoảng 200 tấn sang thị trường châu Âu và sẽ được bán với giá 600.000 - 650.000 đồng/kg.

Ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Hải (Bắc Giang) chia sẻ, giá thu mua tại vườn hiện là 28.000 đồng/kg và với giá vải như hiện nay, các thành viên có lãi, các gia đình khác tại địa phương cũng bán được vải thiều với giá tương tự.

Có thể thấy, giá bán vải của các hợp tác xã tại vườn hiện ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Để vải được bán với giá cao và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính, các hợp tác xã đã chú trọng chăm sóc cây vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Chính vì vậy mà quả vải có mẫu mã đẹp, đồng đều, không bị sâu đầu, đảm bảo vị ngọt đậm.

Hơn nữa, nhờ liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và các ngành chức năng nên ngay từ đầu vụ, quy trình, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch đã được áp dụng nghiêm túc.

Đặc biệt, năm 2022 các vùng trồng vải thiều Việt Nam dự báo được mùa, sản lượng ước đạt 320.000 tấn. Sản lượng lớn nhưng thời gian thu hoạch vài mang tính mùa vụ nên việc các hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết nhằm mở rộng thị phần, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng kênh phân phối... chính là lối đi mới để mở rộng đầu ra cho loại nông sản.

Ngoài ra, để chủ động với kịch bản xấu nhất, không ít hợp tác xã còn xây dựng dự phòng các lò sấy để sấy vải thành sản phẩm khô, đầu tư kho lạnh để nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế sự tác động của thời tiết đến quả vải, đồng thời kéo dài thời gian xuất ra thị trường.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Xuân (Bắc Giang) cho hay, sau khi tách khỏi cây, nếu cách 8 - 12 giờ mới bảo quản bằng đá lạnh thì chất lượng vải giảm xuống rất nhiều.

Vì vậy, ngay sau khi thu hoạch, hợp tác xã bảo quản bằng cách đóng hộp và giữ ở nhiệt độ thích hợp để quả vải có thể giữ được chất lượng tương đương với quả vải khi mới được cắt xuống và có thể đưa vào siêu thị hay xuất khẩu.

Không chỉ dừng lại ở việc bảo quản lạnh, một số hợp tác xã còn đầu tư chế biến, bảo quản theo hướng khép kín. Chính vì vậy mà ngoài xuất quả tươi, nhiều hợp tác xã còn có hợp đồng tiêu thụ vải sấy khô và tận dụng tối ưu công nghệ để tăng cường tổ chức giao dịch mua bán vải thiều trên các nền tảng công nghệ số.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, nông sản nói chung cũng như mặt hàng vải nói riêng có thời gian thu hoạch ngắn nên khối lượng dồn về cửa khẩu rất lớn. Vì thế, thời gian qua có một số mô hình như là Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng ngay từ ban đầu. Đây là yếu tố quyết định thành công.

Chẳng hạn như Bắc Giang đã mời các thương nhân Trung Quốc vào để lựa chọn, quyết định về các lô hàng. Do đó, đến thời điểm thu hoạch, đưa lên cửa khẩu được diễn ra tuần tự và tránh hiện tượng dồn quá nhiều vào một thời điểm, một ngày cụ thể. Điều này sẽ giúp tháo gỡ ùn tắc ở cửa khẩu trong khi vẫn đảm bảo được chất lượng của các sản phẩm.

Hướng tới chính ngạch

Mua bán vải tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

Mua bán vải tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

Để tránh tình trạng xuất khẩu nhỏ lẻ manh mún của một số thương nhân, theo ông Trần Thanh Hải, xuất khẩu chính ngạch là vấn đề dài hơi và đòi hỏi nỗ lực từ nhiều bên, nhưng trước hết là sự thay đổi về mặt tư duy cũng như thay đổi phương thức tiến hành xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải cũng nêu rõ việc cùng một sản phẩm có thể được xuất khẩu qua cả cửa khẩu chính cũng như cửa khẩu phụ. Tuy nhiên, cửa khẩu phụ có thể có những ưu đãi nhất định về mặt tài chính vật chất nhưng lại tiềm ẩn rủi ro khi vấn đề về ùn tắc.

Bởi vậy, việc mà tìm kiếm mặt hàng, đáp ứng được nhu cầu về mặt chất lượng để có thể xuất khẩu chính ngạch là yêu cầu đặt ra ngay từ quá trình sản xuất. Khi chuyển sang chính ngạch, doanh nghiệp phải thay đổi ngay từ khâu sản xuất để đáp ứng được vấn đề này.

Đây là nỗ lực lớn không chỉ người nông dân, hộ hợp tác mà cần cả sự hỗ trợ của chính quyền của các bộ ngành để có thể cho người nông dân vay vốn hoặc hướng dẫn trong khâu canh tác sản xuất để đúng với quy trình hiện đại cũng như là đảm bảo được yếu tố truy xuất nguồn gốc.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh biên giới chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng kế hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thành lập các khu trung chuyển, kho bãi lưu trữ hàng hóa…

Đồng thời, khẩn trương triển khai mở rộng khu vực bến bãi cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, xây dựng cơ chế, chính sách giảm chi phí lưu kho, phí sử dụng cơ sở hạ tầng biên giới, khuyến khích hoạt động thương mại chính ngạch.

Uyên Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giam-ap-luc-xuat-khau-khi-nong-san-den-vu-20220708165951590.htm